Những người Khmer không có quốc tịch Mỹ đã bị trục xuất và về tới Nam Vang ngày thứ Năm, 5 tháng 4, 2018. (Mai Vieak/ Khmer Times)
Đây là nhóm người đông nhất bị trả về Cambodia theo một thỏa thuận song phương được lập vào năm 2002. Tổng cộng đã có hơn 500 người Cambodia bị trả về nước cho đến nay. Chương trình trục xuất này vẫn còn gây tranh cãi, vì chia cắt các gia đình và đôi khi người bị trả về chưa từng sống tại Cambodia trước đây, do họ là con cái của những người tị nạn chạy trốn chính quyền Khmer Đỏ.
Những người chỉ trích chương trình trục xuất cho rằng, một số người đã bị đẩy vào cuộc sống tội phạm do hậu quả của việc đổi môi trường xã hội. Những người bị trả về gặp khó khăn khi hòa nhập vào cuộc sống ở Cambodia, do nhiều người đã trải qua phần lớn cuộc đời của họ tại Hoa Kỳ. Tướng Dim Ra, viên chức giám sát những người bị trả về, nói rằng nhóm người về đến Cambodia hôm thứ Năm có cả 3 phụ nữ. Ông cho biết, những người vẫn còn gia đình ở Cambodia sẽ sống chung với thân nhân của họ, còn những người không có gia đình sẽ được tham gia chương trình dạy nghề của một tổ chức tư nhân, được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, trước khi tái hòa nhập vào xã hội Cambodia.
Vào đầu năm ngoái, Cambodia đã trì hoãn và sau đó không chịu nhận lại những người bị trục xuất. Để đáp trả, vào tháng 9, 2017, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Cambodia ngừng cấp visa cho các viên chức ngoại giao của Phnom Penh và gia đình của họ. Lệnh cấm cấp visa này chỉ được dỡ bỏ sau khi Cambodia khôi phục việc tiếp nhận người bị trục xuất.