Những nạn nhân bắt cóc lâu ngày phải đấu tranh với những suy nghĩ trái ngược về việc có nên trốn thoát khỏi tay những kẻ họ vừa căm ghét, vừa có những tình cảm quý mến qua quá trình tiếp xúc lâu ngày hay không.
Từ trái sang: Amanda Berry, Gina DeJesus và Michelle Knight, ba cô gái vừa được tìm thấy sau 10 năm mất tích. Ảnh: AP |
Có thể sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, cho đến khi của các nạn nhân vụ bắt cóc ở Cleveland hồi phục sức khỏe tinh thần sau những thử thách khắc nghiệt họ phải trải qua. Khi ngày càng có nhiều chi tiết liên quan đến sự mất tích của ba người phụ nữ Amanda Berry, Gina DeJesus và Michelle Knight, mọi người càng quan tâm đến trạng thái tinh thần của họ.
Một lý do có thể khiến Berry, người đã hét lên kêu cứu hôm 6/5, khóc rất lâu trong khi gọi điện thoại khẩn cấp đến 911 có thể là các nạn nhân bị bắt cóc khi còn rất trẻ, độ tuổi dễ bị tổn thương bởi những tác động tâm lý.
Có rất nhiều chuyên gia đã nghiên cứu về tâm lý của các cá nhân sau khi bị bắt cóc trong một thời gian dài và gọi tên là “Hội chứng Stockholm”, tuy nhiên trong trường hợp này, chưa rõ ba nạn nhân có mắc phải Hội chứng Stockholm hay không.
Hội chứng Stockholm là thuật ngữ mô tả một trạng thái tâm lý, trong đó người bị bắt cóc lâu ngày chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình. Thuật ngữ này được bác sĩ tâm thần Nils Bejerot đặt ra sau một vụ phạm tội xảy ra năm 1973 tại Stockholm, Thụy Điển.
Ngày 23/8/1973, một kẻ cướp có vũ trang đã gây chấn động cả thế giới khi xông vào ngân hàng Kreditbanken ở Stockholm, rút ra một khẩu súng máy, bắt các nhân viên ở đây làm con tin trong 6 ngày liền.
Tên cướp Jan “Janne” Olsson dọa giết họ, nhưng sau nhiều ngày với nhiều diễn biến đầy kịch tính, 4 trong số các nhân viên ngân hàng quay sang đứng về phía tên cướp, chỉ trích những người muốn giải cứu.
Phản ứng của những người này được gọi tên là “Hội chứng Stockholm”. Các Bác sĩ tâm thần giải thích bằng hội chứng Stockholm qua hiện tượng cognitive dissonance khi nạn nhân bị ép buộc phải đối diện với một hoàn cảnh trái ngược, mâu thuẫn thì đã có những phản ứng ứng cam chịu thay vì kháng cự.
Nạn nhân đã tự biện luận và chấp nhận việc cầu thân với đích để thích hợp với mội trường mới hòng khỏi bị giết hoặc bạo hành. Sau một thời gian lâu dài thì các nạn nhân tỏ ra tuân phục rồi cảm mến sự chăm sóc của thủ phạm mà không ý thức được việc làm sai trái trước đó.
Ngành phân tâm học thì có những giải thích thâm sâu hơn và cho rằng hội chứng này là một bản năng sinh tồn của con người có từ hồi mới sinh ra. Giống như những đứa trẻ nhỏ phải lệ thuộc vào người mẹ nuôi, cho bú, bế ẵm thì các nạn nhân bị bắt cóc phải thuần phục hoàn toàn tên cướp về mọi phương diện khiến theo thời gian thì trở nên gắn bó.
Trong lịch sử từng ghi nhận nhiều trường hợp nạn nhân bắt cóc đều có những biểu hiện của hội chứng này.
Elizabeth Smart, 14 tuổi, khi bị bắt cóc vào tháng 5/2002. Cô bị cưỡng hiếp và giam giữ suốt 9 tháng tại Salt Lake, bang Utah, Mỹ. Smart kể rằng cô luôn tự đấu tranh và đặt câu hỏi cuộc sống có tốt đẹp hơn nếu trốn thoát, liệu mọi người ở ngoài có còn yêu quý cô không. Tháng 5/2011, Brian David Mitchell, kẻ bắt cóc Smart phải nhận án tù chung thân.
Natascha Kampusch, người Áo, là một nạn nhân điển hình mắc phải Hội chứng Stockholm. Cô bị nhốt dưới tầng hầm suốt 8 năm, từ năm 1998, khi cô bé 10 tuổi. Wolfgang Priklopil đánh đập cô hơn 200 lần một tuần và xích cô lại trong khi họ ngủ cùng, nhưng mãi đến tháng 8/2006, Kampusch mới quyết định thoát ra, còn Priklopil đâm đầu vào tàu hỏa tự sát.
Vũ Hà