Hơn 1.000 công ty Việt Nam đã rớt khỏi danh sách được xuất hàng vào Mỹ do không nắm bắt được quy định mới.
“Chúng tôi xuất khẩu gạo qua Mỹ ba năm qua. Nhưng từ đầu năm đến giờ, chúng tôi chưa có hợp đồng nào đi Mỹ. Với các thay đổi về tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm mới, có thể các nhà nhập khẩu bên đó đang tạm hoãn mua hàng để kiểm tra lại”, ông Phạm Thái Bình – Giám đốc công ty Gạo Trung An cho biết.
Công ty ông Bình chỉ là chưa có đơn hàng. Nghiêm trọng hơn, trong 7 tháng qua, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Nguyên nhân là các doanh nghiệp không nắm bắt và thích ứng được với thay đổi chính sách của nước này.
Hơn 1.000 công ty Việt Nam không thể xuất hàng vào Mỹ |
Tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào Mỹ. Nhưng trong tháng 1 năm nay, con số này rớt xuống còn 806. Ông Mark Gillin – Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cho biết, theo quy định mới, tất cả các nhà máy đã đăng ký phải gia hạn đăng ký sau mỗi 2 năm, bắt đầu từ 2016, trong giai đoạn từ 1/10 đến 31/12. Tuy nhiên, hơn 1.000 công ty Việt Nam không biết quy định mới nên không đăng ký. Kết quả là họ bị rớt khỏi danh sách và không thể xuất hàng vào Mỹ.
“Theo quy định mới về an toàn thực phẩm dành cho sản phẩm nhập khẩu, dựa vào Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ và sự dịch chuyển trách nhiệm trong điều tra nhập khẩu cá da trơn từ FDA sang USDA, chúng tôi quan ngại rằng sự thiếu hiểu biết các quy định mới có thể gây ra sự giảm sút đáng kể về kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp và thực phẩm của Việt Nam vào Mỹ”, ông Mark Gillin nhận định tại “Diễn đàn an toàn thực phẩm toàn cầu” vừa diễn ra tại TP HCM.
Là một trong 15 đối tác thương mại nông nghiệp lớn nhất của Mỹ, năm ngoái, chỉ riêng cá và tôm cua đã mang về cho Việt Nam 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên, đường vào Mỹ ngày càng khó, khi các quy định thành phần của Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ (FSMA) đang dần có hiệu lực. Trong tháng 5 và 6 vừa qua, nhiều đoàn thanh tra của FDA đã đến các nhà máy thủy sản tại Việt Nam làm việc và cũng bắt đầu dò hỏi doanh nghiệp về các hiểu biết liên quan đến FSMA.
FSMA có tinh thần cốt lõi là chuyển trọng tâm từ đối phó nhiễm bẩn thực phẩm sang phòng chống nhiễm bẩn thực phẩm. Luật này không chỉ quan tâm đến kiểm tra chất lượng đầu cuối mà quy định chi tiết và chặt chẽ cả chuỗi sản xuất thực phẩm, từ trang trại đến bàn ăn.
Luật cũng yêu cầu nhà nhập khẩu tham gia Chương trình kiểm tra nhà cung ứng nước ngoài (FSVP). Nghĩa là các đơn vị tại Mỹ muốn nhập khẩu sẽ phải kiểm tra kỹ hơn về nguồn hàng từ Việt Nam so với trước.
Trong khi đó, với nhà chế biến, nếu từ trước đến nay có thể tự tìm hiểu các tiêu chí của Hazard rồi áp dụng thì FSMA lại gắt gao hơn. Luật yêu cầu các nhà chế biến phải có một cá nhân được học về FSMA theo các chương trình do FDA công nhận. Tức là, doanh nghiệp muốn đưa hàng qua Mỹ thì phải cử một người đi học và tốt nghiệp được chương trình luật FSMA cho Mỹ cấp bằng.
“FSMA là luật. Nó khác với các tiêu chuẩn tự nguyện. Với FSMA mà không tuân thủ là không có cơ hội đưa sản phẩm vào Mỹ. Vì vậy, thay vì hỏi có nên áp dụng FSMA hay không thì phải hỏi là có muốn xuất khẩu đi Mỹ hay không. Nếu đã muốn xuất hàng đi Mỹ thì FSMA là bắt buộc”, ông Nguyễn Huy – Giám đốc Thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam nhấn mạnh.
Trước tính cấp bách của các thay đổi này, Thủ tướng vừa giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tìm hiểu những thay đổi trong quy định nhập khẩu của Mỹ để kịp thời thông tin đến các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan nhằm có biện pháp ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về xuất khẩu.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng, xu hướng tăng hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu thực phẩm và truy xuất chất lượng đến tận nguồn đang diễn ra mạnh mẽ tại các thị trường phát triển. Việt Nam muốn giữ vị thế là một nhà xuất khẩu lớn thì phải chấp nhận cuộc chơi.
Báo cáo của Trường kinh doanh Marshall dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương công bố cuối năm ngoái nhận định, các biện pháp phi thuế quan trong thương mại đang ngày càng gia tăng và phức tạp hơn ở các quốc gia. Trong số đó, rào cản kỹ thuật đối với thương mại và các biện pháp vệ sinh – kiểm dịch động thực vật được coi là những rào cản lớn nhất.
“Nhu cầu của thế giới về các loại đạm động vật lành mạnh và thực phẩm nhiệt đới ngày càng tăng. Vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao quyền hạn và năng lực cho ngành thực phẩm Việt Nam, thúc đẩy canh tác nông nghiệp bền vững và tuân thủ các quy định mới của FDA”, bà Ratih Puspitasari, Giám đốc Phụ trách Hợp tác Khoa học và Luật định củaCargill khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ nhận định.
Viễn Thông