Từ khi Houston được thành lập hồi giữa thế kỷ 19 cho đến nay, trận lụt do bão Harvey gây ra là lớn nhất trong số gần 40 trận lụt từng xảy ra tại thành phố lớn hàng thứ tư ở Mỹ này. Với địa thế đồng bằng chỉ cao hơn mực nước biển chút ít, cộng thêm cấu tạo địa chất đất sét không thấm nước, khu vực đại đô thị này dễ dàng bị ngập lụt vì mưa lớn, cho dù không bị bão đánh thẳng vào.
Một tuần sau khi bão đổ bộ, dân chúng Houston vẫn còn phải tiếp tục di tản sau khi mưa đã dứt. Sáng Thứ Sáu, Thị Trưởng Sylvester Turner ban hành lệnh di tản tự nguyện cho dân chúng ở vùng phía Tây, vì phải xả nước ở hai hồ chứa đã lên quá mức an toàn. Phải ba tháng mới xả hết nước ở hai hồ chứa Addicks và Barker lúc bình thường khô cạn. Có khoảng 20,000 nhà ở khu vực này, những nhà đã lụt sẽ tiếp tục ngập nước từ 10 đến 15 ngày, nhưng có lẽ sẽ không thêm những nhà khác bị ngập.
Houston nằm hai bên Buffalo Bayou, một nhánh sông nhỏ dài 53 dặm thuộc loại sông nước chảy chậm ở vùng đồng bằng. Hệ thống thoát nước tự nhiên ở Houston chỉ nhờ vào các “bayou” như thế chứ không có hệ thống bơm như tại thành phố New Orleans, Louisiana. Theo giáo sư luật môi trường Jim Blackburn của đại học Rice University, phương cách lỗi thời như vậy chỉ có thể hữu hiệu với những trận mưa có vũ lượng 12-13 inch (300-320mm) trong 24 giờ. Bão Harvey trong bốn ngày đem đến một vũ lượng tới 50 inch.
Harris County có 2,500 dặm “bayou” và hơn 300 hồ chứa nước trong đó Addicks và Barker ở khu phía Tây thành phố là hai hồ chính, giữ nước bằng các đập đất. Addicks có chiều dài 11.7 dặm, mực nước chứa cao nhất 37 mét. Baker có chiều dài 13.6 dặm, mực nước chứa cao nhất 34 mét. Bình thường các cửa đập mở và hai lòng hồ dùng làm nơi sinh hoạt thể thao giải trí. Khi mưa lớn nhân viên điều hành cho đóng các cửa kênh để giữ nước lại và giảm lượng nước chảy vào trung tâm thành phố. Bây giờ nước hồ quá đầy có thể nguy hiểm làm vỡ những đập đã xây dựng từ 70 năm và do đó cần xả nước ra, dù như vậy sẽ làm lụt lội kéo dài thêm ở thành phố.
Chuyên gia thủy văn Jeff East của cơ quan địa chất Mỹ nói rằng Buffalo Bayou là một dòng kênh đầy bùn qua hàng trăm năm và ít khi được khai thông. Những “bayou” nhỏ khác không có đủ ngân khoản cũng như đất cần thiết cho công tác mở rộng hay lập thêm những hồ chứa. Hơn nữa vùng duyên hải này rất bằng phẳng, chỉ dốc khoảng 1 foot mỗi dặm, nên nước thoát qua các “bayou” rất chậm.
Tất cả những yếu kém này hiện hữu là do Houston chưa đủ thích ứng với tình trạng phát triển kinh tế quá nhanh trong những năm gần đây. Kỹ nghệ dầu lửa và các kỹ nghệ khác lập thêm cơ sở, nhiều khu gia cư mới được xây dựng. Từ đầu thiên kỷ này cho đến nay, dân số Houston tăng thêm gần 25%.
Con người còn đối phó chậm chạp với những thay đổi của môi trường sinh hoạt trong khi thiên nhiên và khí hậu biến chuyển đem đến những điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn. Từ 1986 đến nay, những trận mưa với vũ lượng lớn hơn 12 inch ở Houston xảy ra hai lần nhiều hơn 30 năm trước đó.
Giới Cộng Hòa bảo thủ và những người cực đoan ủng hộ Tổng Thống Donald Trump luôn luôn bênh vực chính sách môi trường của chính quyền hiện hữu, không bao giờ hoài nghi về sự đúng đắn trong quyết định xóa bỏ một sắc lệnh năm 2016 thời Tổng Thống Barack Obama. Sắc lệnh này chỉ đòi hỏi là trong các kế hoạch cải tạo hạ tầng cơ sở – trong đó có hệ thống dẫn thủy chống lụt – giới hữu trách phải quan tâm tới tình hình biến đổi của khí hậu toàn cầu.
Đây không phải là tranh luận mang nội dung chính trị, hay tranh luận kiểu khoa học huyền bí. cho rằng Thượng Đế trừng phạt loài người. Đây là sự cân nhắc hợp lý những dữ kiện khoa học đã thâu thập được để giúp cho tương lai. Cũng chưa phải kết luận rằng bão Harvey do Trái Đất đang ấm dần, các khoa học gia bao giờ cũng dè dặt khi nói một thiên tai nào đó là hậu quả trực tiếp của tình trạng gì. Cơ Quan Hải Dương và Khí Tượng Quốc Gia (National Oceanic and Atmospheric Administration-NOAA) nói rằng “hãy còn quá sớm” để cho là đã có sự gia tăng những trận bão lớn do nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 1 độ C kể từ thời cách mạng kỹ nghệ.
Những hiện tượng thiên nhiên không cho phép dễ dàng tiên đoán một cách chính xác về thời điểm, địa điểm và cường độ mà chỉ có thể nghi ngờ về khả năng và điều kiện xảy ra. Bão Harvey ở vào trường hợp đáng phải nghi ngờ đó. Khoa học gia thời tiết Kevin Trenberth chú ý đến hai hiện tượng bất thường. Thứ nhất, chỉ trong vòng hai ngày, từ một áp thấp nhiệt đới đang tan dần vì những luồng gió cắt ngang bão, bỗng nhiên bão tăng sức mạnh thành một “hurricane” cấp 4, lý do vì nước biển vùng vinh Mexico có nhiệt độ cao 4 độ hơn mức bình thường. Thứ hai là bão đem tới một lượng nước mưa quá lớn, do trung tâm bão khi vào đất liền di chuyển quá chậm – ba dặm mỗi giờ so với bình thường những trận bão khác từ năm đến bảy dặm – và mưa lớn là do nước biển ấm đưa quá nhiều hơi nước lên bầu không khí.
Ông Thomas Pyle, trưởng ban chuyển quyền ở Bộ Năng Lượng từ chính quyền Dân Chủ sang chính quyền Cộng Hòa, cho rằng cánh tả đang khai thác sự kiện bão Harvey cho kế hoạch chính trị của họ nhưng sẽ không thành công.
Ông Myron Ebell, trưởng ban chuyển quyền cơ quan bảo vệ môi trường EPA, còn nói là thập niên vừa qua là một giai đoạn ít bão tố và những trận bão trước đây xảy ra khi lượng khí thải công nghiệp ở mức thấp.
Heartland Institude, một nhóm bảo thủ lập dự án cắt giảm nhiều quy định của EPA thời chính quyền Obama, cho rằng: “Những sự kiện xảy ra chưa đủ để có báo động về hậu quả khí hậu biến đổi, và chúng ta sẽ còn tiếp tục phải tranh đấu cho sự thật trong những tháng năm sau này.”
Kết luận ấy phù hợp với thực tế, chỉ với điều kiện là con người đã và sẽ có nhiều bài học kiểu Harvey nhưng cò học được gì từ đó hay không?