Ông Kevin de León, chủ tịch Thượng Viện California và thuộc đảng Dân Chủ, đã nhận trách nhiệm hoàn toàn về một vụ gây ra tranh cãi xảy ra trong tuần qua. Ông lên tiếng trong phiên họp đầu tiên từ lúc xảy ra vụ nữ Nghị Sĩ Cộng Hòa Janet Nguyễn bị mời ra khỏi Thượng Viện.
Nghị Sĩ De León nói hôm thứ Hai, “Thưa quý vị, ngày thứ Năm tuần qua không phải là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất của Thượng Viện. Giống như nhiều người trong quý vị, tôi cảm thấy bối rối và bất ổn vì những hành động trong tuần qua. Với tư cách là người đứng đầu cơ quan này, tôi nhận trách nhiệm hoàn toàn về chuyện đã xảy ra, và bảo đảm rằng việc đó không bao giờ xảy ra lần nữa.”
Ông De León nói rằng tất cả các đồng viện cần phải hiểu những quy tắc của diễn đàn, và đồng ý với một cuộc xem xét lại đầy đủ về sự việc bởi Ủy Ban Quy Tắc này. Lúc kết thúc bài diễn văn của ông, quyền chủ tịch Thượng Viện đã cho Nghị Sĩ Janet Nguyễn cơ hội để phát biểu ý kiến mà bà đã tìm cách đưa ra hôm thứ Năm, 23 tháng 2, 2017.
Bà Janet Nguyễn đang đại diện cho hơn 100,000 người gốc Việt trong địa hạt của bà ở Orange County. Đa số những cử tri gốc Việt này là người tị nạn cộng sản, và cũng như họ, bà Janet Nguyễn cũng có người thân là nạn nhân của cộng sản tại Việt Nam.
Trong dịp được nói hôm thứ Hai, bà chỉ nói ngắn gọn, “Những chuyện xảy ra hôm thứ Năm đã gây chấn động và đau buồn. Nhưng những gì xảy ra ngày hôm nay trên sàn Thượng Viện tái khẳng định lòng tin tưởng của tôi vào niềm tin sâu sắc của nước Mỹ đối với tiến trình dân chủ và tự do ngôn luận. Tôi vui mừng khi biết rằng các vị đồng nghiệp của tôi nhận ra rằng, bất kể đảng phái hay những điều bất đồng ý kiến, mọi tiếng nói địa hạt đều xứng đáng được nghe trên diễn đàn này.”
Tuy vậy, vào chiều tối cùng ngày, văn phòng của bà đã đưa ra một văn thư với ý kiến phê phán nặng hơn. Văn thư ấy viết như sau:
“Các đồng viện đã ủng hộ về đề nghị của Chủ Tịch Đảng Cộng Hòa Thượng Viện, Nghị Sĩ Jean Fuller, viết thư văn bản chính thức yêu cầu mở cuộc điều trần công khai và lời xin lỗi công khai của Thượng Viện đối với tôi và với cư dân Địa Hạt 34.
“Tôi rất thất vọng và bất đồng với sự lãnh đạo của đảng Thượng Viện Đa Số, vì đến nay họ vẫn chưa nhìn nhận sự sai lầm của họ. Tệ hại hơn, họ vẫn nỗ lực tiếp tục bôi nhọ sự kiện này là những hậu quả do sự thiếu hiểu biết các nội quy. Đó là một đánh giá vội vã và sai lầm vì tôi đã hoàn toàn theo đúng các thủ tục và nội quy của Thượng Viện.
“Tôi mong rằng sự kiện này sẽ không bao giờ tái diễn đối với một Nghị Sĩ đương nhiệm, nhất là sự đối xử bất nhã khi dùng áp lực buộc tôi phải rời phiên họp khoáng đại Thượng Viện. Thượng Viện là nơi làm việc của những người đại diện cho cư dân nhưng tại nơi đây tiếng nói của tôi, một đại diện cư dân, lại bị ngăn chặn, vi phạm quyền tự do ngôn luận khi nêu lên quan điểm lịch sử phản chiến thân Cộng của cố Nghị Sĩ Tom Hayden.”
Trong tuần qua, bà Janet Nguyễn lên trước Thượng Viện để phát biểu những lời tưởng nhớ của những người tị nạn và những công dân Việt Nam đã gục ngã, trong khi bà chỉ trích cố nghị sĩ Dân Chủ Tom Hayden, vì lập trường thân cộng sản của ông trong cuộc chiến Việt Nam. Phe Dân Chủ nói rằng bà gây mất trật tư. Họ gọi các nhân viên an ninh hộ tống bà ra khỏi phòng họp.
Hôm thứ Hai lãnh tụ Cộng Hòa tại Thượng Viện bà Jean Fuller nói, “Đây là điều chưa từng có, không thể nào chấp nhận được, và là đại diện cho một lối suy nghĩ hệ thống độc đảng. Thể chế của chúng ta phải tốt hơn so với lề lối ấy.”
Khi sự việc diễn ra, phe Dân Chủ nói rằng bà Janet Nguyễn vi phạm nội quy, lẽ ra bà nên đưa ra những lời bình luận của bà trong buổi Thượng Viện tri ân ông Hayden hai ngày trước đó. Janet Nguyễn nói rằng bà đã quyết định không lên tiếng vào ngày hôm đó, vì tôn trọng gia đình của ông Hayden đã có mặt tham dự. Bà đã báo cho văn phòng của ông de León biết rằng bà có ý định phát biểu ý kiến vào ngày thứ Năm.
Hôm thứ Tư Dan Reeves, chánh văn phòng của ông De León, gửi một email cảnh cáo rằng bất kỳ lời phát biểu nào mà bà toan nói về ông Hayden đều “sẽ bị coi là làm mất trật tự và bị Thượng Viện khiển trách.” Ông Reeves nói rằng những ý kiến của bà Janet Nguyễn sẽ “vi phạm nội quy cơ quan.” Nhưng ông đã không mô tả những quy tắc bị vi phạm.
Reeves viết thư gởi các phụ tá của bà Janet Nguyễn, “Tôi hiểu cuộc chiến ấy đã gây một tác động trực tiếp, bi thảm, hiện thực trên các người thân của bà. Tuy nhiên, tôi muốn xin bà tôn trọng các quyền của những người khác có một quan điểm dị biệt về thời kỳ nước Mỹ dính líu ở nước ngoài, và một sự tôn trọng đối với nhiều thành tựu khác mà Nghị Sĩ Hayden đã làm, trong mấy chục năm ông phục vụ cho California.”
Sau đó Reeves nói lại rằng email của ông là nhắc đến lời bà Janet đề nghị nêu ra một điểm về đặc quyền cá nhân. Ông nói rằng điều đó sẽ không được cho phép làm, vì ông Hayden không bao giờ bài bác bà.
Vào ngày thứ Hai, nhiều nghị sĩ Cộng Hòa đã lên sàn Thượng Viện và nói về sự đối xử của các lãnh đạo Dân Chủ đối với bà Janet Nguyễn. Họ cũng nêu thắc mắc rằng tại sao ông Reeves, một người giữ chức chánh văn phòng của ông De León, lại có quyền cho hay không cho một người khác được nói trước Thượng Viện.
Vào ngày thứ Năm tuần, sau sự việc bà Janet Nguyễn bị mời ra khỏi Thượng Viện, ông Reeves từng nói rằng bà Janet Nguyễn muốn gây ra một biến cố cho các cử tri của bà. Sau đó ông có nhìn nhận rằng ý kiến của ông không chính đáng.
Ông Reeves nói hôm thứ Hai, “Tôi đã gọi văn phòng của Nghị Sĩ Janet Nguyễn hai lần trong tuần qua để nói lời xin lỗi, và tôi cũng đã đề nghị với chánh văn phòng của bà ấy sắp xếp một buổi gặp gỡ để tôi xin lỗi bà trước mặt bà.”