Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới luôn là giây phút thiêng liêng của mỗi quốc gia. Với truyền thống văn hóa khác biệt, mỗi quốc gia lại chọn cho mình những phương thức độc đáo để nói lời tạm biệt với năm cũ và nghênh đón một sự khởi đầu mới.
1. Nhật – Những ngày lễ để kết nối với Thần linh
Ở xứ sở Phù Tang, để chuẩn bị cho ngày đầu tiên của năm mới, người Nhật sẽ dọn dẹp căn nhà của mình thật sạch sẽ. Họ quan niệm, công việc dọn dẹp này sẽ giúp mỗi người có được cả thân thể và tâm hồn tươi mới, sạch sẽ để đón chào năm mới. Quan trọng nhất trong những ngày đầu năm là việc chuẩn bị Kadomatsu (thang ống tre) để xua đuổi tà ma và đón Thần Toshigami – vị Thần của năm mới tới để ban may mắn cho gia đình. Bên cạnh đó, họ còn chuẩn bị chiếc vòng rơm Shimekazari để ngăn ma quỷ lai vãng tới vào những ngày thiêng liêng này. Phong tục treo vòng rơm của người Nhật tương tự như phong tục dựng cây nêu ngày Tết của người Việt.
Phụ nữ của Nhật Bản những ngày này cũng tất bật chuẩn bị cỗ Tết như phụ nữ ở xứ ta. Họ sẽ chuẩn bị những hộp đồ ăn nguội được gọi là Osechi bao gồm rất nhiều những món ăn mang lại may mắn, được sắp xếp cầu kì và bắt mắt. Người Nhật quan niệm, trong ba ngày đầu năm mới, việc nấu nướng sẽ làm phiền tới vị thần bếp của họ. Vậy nên, Osechi sẽ là phương án tốt nhất để người Nhật vẫn có những bữa cơm đoàn viên vui vẻ và ngon lành trong những ngày đầu năm.
Để kết thúc một năm mới, theo truyền thống, người Nhật sẽ cùng nhau ăn món mì Toshikoshi – soba để đánh dấu sự chuyển giao năm cũ, năm mới. Món mì này còn biểu trưng cho sự may mắn và trường thọ.
Sau đó, họ sẽ lắng lòng nghe 108 tiếng chuông Chùa, 107 tiếng sẽ gióng lên vào năm cũ và tiếng thứ 108 sẽ gióng lên vào thời khắc đầu tiên của năm mới. Tiếng chuông sâu và trầm ngân vang trong không gian đêm tĩnh lặng, giúp người Nhật lắng lại để loại bỏ đi tất cả những gì xấu xí trong tâm hồn mình, bước vào năm mới với một tâm hồn thanh tịnh, sáng suốt.
Trong những ngày đầu năm, người Nhật sẽ cùng nhau đi lễ chùa cầu cho một năm mới an khang. Sau đó sẽ lại quây quần bên những mâm Osechi để ăn mừng năm mới. Điều đặc biệt, đồ ăn trong những ngày đầu năm này thường là các món chay, vì người Nhật quan niệm, điều này sẽ giúp họ có được thể hiện được lòng tôn kính với Thần Phật, Tổ Tiên.
2. Ai Cập – Cúng thần linh
Một quốc gia khác luôn hướng về Thần linh trong những ngày đầu năm là người Ai Cập. Trong dịp năm mới thiêng liêng này, những người Ai Cập sẽ cúng các vị Thần của mình bằng những loại hạt đã thu hoạch được trong năm cũ như hạt đậu tương (đậu nành), đậu cô-ve, hạt linh lăng tím và lúa mì…. Bên cạnh đó, những mầm cây tươi mới cũng được cúng tiến để tỏ lòng biết ơn đối với những ưu ái mà Thần linh đã ban tặng cho con người trong năm vừa qua. Theo người Ai Cập, sự cúng tiến càng long trọng, thành kính, họ sẽ càng được Thần linh phù trợ cho một năm mới với mùa màng tốt tươi.
3. Anh – Đi vào xông nhà cho gia chủ không cần gõ cửa
Tương tự như ở Việt Nam, người Anh cũng sắm sửa rất nhiều cho ngày tết. Đặc biệt họ sẽ mua nhiều thịt chất đầy trong các ngăn tủ và đổ đầy các hũ rượu của mình. Theo quan niệm truyền thống, trong nhà không có nhiều thịt rượu sẽ là một điềm không may mắn cho năm mới.
Một tập tục đầu năm của người Anh là “múc nước đầu năm”. Theo truyền thống, vào đêm chuyển giao giữa hai năm, người dân sẽ tụ họp lại để cùng múc nước cho năm mới. Người nhanh nhẹn và khéo léo múc được gáo nước đầu tiên sẽ là người may mắn nhiều nhất trong năm đó.
Tuy nhiên, sự tranh giành chỉ dừng lại ở đây, bởi người Anh cũng sẽ tận dụng dịp năm mới này để đi thăm hỏi và chúc mừng nhau. Khi đến nhà của một người nào đó để chúc mừng, điều đặc biệt là người Anh sẽ không gõ cửa. Họ sẽ đi thẳng vào nhà với rất bánh ngọt và rượu làm quà. Việc xông nhà của quốc gia phương Tây này đặc biệt không căn cứ vào tuổi tác như nước ta mà căn cứ vào dáng vẻ bề ngoài của khách. Một người đàn ông với mái tóc đen, khuôn mặt vui vẻ bao giờ cũng sẽ đem lại nhiều may mắn hơn cho gia chủ so với một người phụ nữ tóc bạch kim có khuôn mặt u buồn.
4. Đức – Đoán vận mệnh bằng “chì” nóng chảy
Đức vốn nổi tiếng là một đất nước nghiêm túc với tinh thần kỷ luật và luôn coi trọng sự hoàn hảo. Nhưng bạn sẽ phải bật cười trước cách mà người Đức đón mừng năm mới. Dịp này, các gia đình ở nông thôn Đức thương có thói quen “tiên đoán” vận mệnh trong năm mới bằng chì nóng chảy. Họ sẽ đổ chì nóng vào một chiếc thìa rồi thả vào một bát nước. Khi vớt chì lên, hình dạng của nó sẽ là lời tiên đoán cho một năm mới. Nếu miếng chì có hình trái tim, năm đó sẽ có một đám cưới, còn nếu có hình con tàu, rất có thể gia chủ sẽ có được một chuyến du lịch đáng nhớ.
Người Đức còn một tập tục khác, 15 phút trước giao thừa mọi người đều ngồi yên trên ghế, khi chuông đồng hồ điểm họ đều nhảy xuống khỏi ghế và ném một vật nặng ra phía sau. Tập tục này được coi là một hành động biểu trưng giúp vứt bỏ mọi khó khăn, hoạn nạn để bước vào năm mới.
Ở vùng nông thôn, dịp lễ tết người Đức vẫn lưu giữ truyền thống “thi trèo cây” để bày tỏ nguyện ước cho một năm mới tốt đẹp hơn trong công việc và cuộc sống.
5. Bulgari – Hắt hơi sẽ được tặng vật nuôi
Ở Bulgari, để chào mừng năm mới, người dân sẽ quây quần bên nhau sau khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng để cùng thưởng thức một chiếc bánh kem đặc biệt làm riêng cho ngày này. Bên trong chiếc bánh có giấu một đồng xu, ai ăn phải đồng xu này sẽ là người may mắn nhất trong năm mới. Đặc biệt nhất, người Bulgari quan niệm, trong những ngày đầu năm, vị khách nào đến chơi và hắt hơi ở nhà họ chính là người sẽ mang lại cho chủ nhà rất nhiều may mắn. Để đáp lại điều may mắn được tặng, người chủ nhà sẽ trao tặng cho vị khách đó một chú dê hoặc một con ngựa để đáp lễ.
6. Tây Ban Nha – Trẻ con là những “ông hoàng bà chúa”
Trong đêm giao thừa, người Tây Ban Nha cũng sẽ đón mừng năm mới với gia đình. Một tập tục thú vị để lấy may của người dân xứ sở Bò tót là “ăn nho”. Trước khi thời khắc giao thừa đến, mọi người sẽ tranh nhau ăn những trái nho chín mọng. Ai là người ăn được đúng 12 trái nho khi đồng hồ điểm thời khắc đầu tiên của năm mới sẽ có cả 12 tháng thuận lợi chờ đón.
Bên truyền thống ăn nho nổi tiếng, không nhiều người biết rằng, trong những ngày đầu năm, người Tây Ban Nha coi tiếng khóc, sự giận dỗi, cáu kỉnh của những đứa trẻ là một điềm báo những điều không tốt. Vậy nên, những đứa trẻ sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu để chúng có thể luôn hài lòng và vui vẻ.
7. Đan Mạch – Đập bát đĩa để cầu may mắn
Đan Mạch cũng có truyền thống đón năm mới khác biệt với nhiều quốc gia khác. Ở châu Á, người dân rất kiêng kị để đồ đạc vỡ những ngày đầu năm. Nhưng ở xứ sở của nàng tiên cá, người dân sẽ ném đĩa vào cửa chính của nhà bạn bè, hàng xóm. Bởi càng nhiều mảnh vỡ sẽ đem lại càng nhiều may mắn cho gia chủ.
8. Ấn Độ – Tết đến phải khóc thật to
Trái ngược hẳn với không khí rộn ràng trên thế giới, nhiều vùng trên đất nước Ấn Độ đón mừng năm mới bằng những giọt nước mắt. Người Ấn Độ dường như là những người rất thực tế khi nhận ra rằng, mỗi lần năm mới đến, là cuộc đời của họ lại bước gần hơn một bước về phía cuối con đường – cái chết. Vậy nên, bên cạnh việc chúc nhau một năm mới tốt lành, ở nhiều vùng Ấn Độ người ta sẽ ôm nhau khóc. Có lẽ những giọt nước mắt tiếc thương này sẽ giúp họ quý hơn những giây phút mình đang có và sống trọn vẹn, sâu sắc hơn trong mỗi thời khắc của năm mới.
Tuy nhiên, không khí lễ hội cũng sẽ tràn ngập khắp mọi nơi. Sau khi chúc tụng nhau, mọi người sẽ dùng phấn màu, mang theo trong một chiếc túi nhỏ để xoa lên mặt nhau. Đây cũng là một cách thức để chúc những điều may mắn, tốt lành cho năm mới. Các thanh niên sẽ nghịch ngợm hơn, họ sẽ đổ đầy mực đỏ trong các súng phun nước để phun vào bạn bè, người thân.
9. Bỉ – Chúc mừng năm mới vật nuôi
Những người Bỉ có lẽ là những người nhân hậu nhất trong dịp năm mới này. Bởi bên cạnh việc ca hát, ăn uống mừng năm mới, dành cho nhau những lời chúc tốt lành, người dân Bỉ không quên những người bạn đồng hành bốn chân của mình. Sáng đầu năm, việc đầu tiên là họ sẽ đi đến những con vật nuôi trong gia đình như bò, ngựa, dê, cừu, chó, mèo… để thông báo“Năm mới đến rồi!”và dành cho chúng những lời tốt đẹp“Chúc một năm mới vui vẻ!”.
Hy Văn