Khánh Ly – hồi ức thời “đu bám con trai, nhảy đầm ké“

Khánh ly đã làm nên một thương hiệu âm nhạc của riêng mình. Ít ai biết, nữ ca sỹ tài danh ấy đã có thời loạn lạc, nhọc nhằn đến khó tin.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Trịnh Công Sơn Khánh Ly” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”] 1. “Tôi sinh ra vào một buổi chiều ngày 6/3/1945 tại nhà thương Bạch Mai.

Nhạc của Phạm Duy và của các ông nhạc sĩ thời bấy giờ đã len lỏi ẩn núp trong trí nhớ thơ dại của tôi từ những ngày lang thang trên con phố Hàng Bông – Thợ Nhuộm.

Thời đó, chúng tôi hay sưu tầm program in màu đẹp lắm và tôi nhớ mãi cái phim Ấn Độ “Magala cô gái Ấn”. Ôi cái phim buồn làm sao, tôi khóc quá sức khi thấy trên màn ảnh hai người vừa khóc, vừa hát vừa chia tay nhau. Tôi cũng được xem phim “Cô gái Việt” mà tôi nhớ bài hát chính của phim: “Lời sông núi bừng vang bốn phương trời”…

Trong những ngày cuối tuần đó, tôi cũng đến ở với bác tôi. Nhà bác ở ngay cạnh Quốc Tử Giám. Đêm đến cả nhà kéo đi xem cải lương. Tất cả chục mạng chất trên một chiếc xích lô. Tôi thích cô Kim Chung, Bích Hợp, Kim Xuân và danh hài Tứ Vững, Phúc Lai. Tôi cũng mê cải lương từ đó. Nghĩa là cái gì có ca, diễn là nó đi thẳng vào đầu tôi.

Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Tuấn Ngọc,
Ca sĩ Khánh Ly (thứ nhất từ trái qua) những năm 1960

 

Ba ngày sau đảo chính Nhật, dân Hà Nội sơ tán về các vùng xa thành phố, bố mẹ tôi cũng mang chị em tôi chạy ra khỏi Hà Nội. Mới có 3 ngày, tôi làm sao biết được những gì đã xảy ra nhưng khi hơn 1 tuổi, tôi đã nhận biết và nhớ cho đến ngày hôm nay và một vài sự việc mà lúc nào tôi cũng tưởng như còn rất mới. Hai chị em chúng tôi được gánh đi, mỗi đứa ngồi một cái thúng, chị tôi được chú cõng. Cùng vài người nữa, cả nhà tôi cứ xuyên rừng, lội sông, lội suối, trèo đồi, trèo núi mà đi.

 

Một ngày trên đường đi gặp ngôi chùa hoang, mẹ tôi đặt tôi nằm trên cái bệ cao và kết quả là tôi ngã xuống giập cằm vào cái bệ xi măng. Vết thương sâu lắm, ăn cơm lòi cả cơm ra ngoài. Bố tôi lấy vải trắng băng lại và buộc trên đầu. Vết sẹo khá dài vẫn còn đây. Bố tôi đã làm dữ, vì với ông, tôi là…hòn ngọc đen yêu quý.

 

Cả nhà tôi cứ đi mãi như thế, càng ngày càng xa Hà Nội. Chỉ thấy rừng và rừng. Đoàn người đi cùng với gia đình tôi thưa dần, chẳng biết họ đi đâu. Một lần qua sông trên một cái mảng ghép bằng các thanh tre, lúc chuyển đám trẻ con xuống, tôi là đứa bị rớt xuống sông, chắc không phải là sông vì tôi còn nhớ nước ở đó có màu như đen, đen một cách kỳ cục lắm chứ không phải là xanh thẫm khiến mình tưởng là đen.

 

Bố tôi nhảy xuống vớt tôi lên. Qua suối cũng khổ, bố tôi phải cột dây thừng ngang bụng, mọi người ở lại giữ đầu mối dây, bố tôi lội qua con suối rộng, nước đổ từ trên cao tung toé dữ dằn, sùng sục giữa những tảng đá đầy rên trơn trợt. Qua tới bờ bên kia, bố tôi tìm cây cột dây rồi lại lội ngược trở qua. Người lớn buộc trẻ con trên lưng và cứ nắm sợi dây ấy lần từng bước. Tôi là người được bố cột trên lưng.
Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Tuấn Ngọc,
Ca sĩ Khánh Ly thời trẻ

 

Có những ngày qua khỏi cánh rừng lại thấy làng mạc ruộng vườn. Trời thì rét. Bố tôi ủ tôi trong chiếc áo trấn thủ dầy cộm vào những trại gà, tìm những cái trứng mới đẻ còn ấm, bố chọc hai đầu trứng cho tôi húp sống. Có những chiều bố công kênh tôi trên vai đi giữa những ruộng lúa xanh rì, ghé vào quán lá, mua cho tôi cái kẹo bột nhỏ xíu, tôi cứ ở trên lưng, trên vai ông và bố tôi vừa đi vừa nói… bố đánh ton ton đánh bố. Hết trại gà, hết nhà cửa ruộng vườn, gia đình tôi lại xuyên rừng mà đi.

 

Tôi lớn lên trên lưng, trên vai, trên chiếc áo trấn thủ của ông và quan trọng hơn cả là trong tiếng đàn, tiếng hát của ông. Tôi không còn nhớ ông hát hay ra sao nhưng chắc chắn là không dở và tiếng đàn của ông, tiếng đàn măng đô lin cùng với tiếng hát đã đi vào trái tim non nớt của tôi và ở lại đó vĩnh viễn.

 

Chắc chắn ông cũng không thể ngờ rằng, những ca khúc ông hát cho đứa con gái xấu xí của ông ngày đó, lại có lúc mở ra cánh cửa định mệnh gần như dành sẵn cho nó, chắc chắn bố tôi cũng không hề nghĩ rằng, những ca khúc buồn bã ấy sẽ ảnh hưởng như thế nào trên cuộc đời của tôi”.

 

2. “Ngày di cư tôi, tôi mới 9, 10 tuổi. Đó là năm 1956. Mê hát do thừa hưởng dòng máu văn nghệ của cha nên khi nghe Sài Gòn tổ chức cuộc tuyển lựa ca sĩ nhi đồng, tôi không thể gạt bỏ ý nghĩ liều lĩnh của một đứa bé gái mới trên 10 tuổi.

 

Năm đó gia đình bác tôi ở Sài Gòn. Các anh chị con bác đều hát hay và vì bác trai sử dụng kèn clarinette. Tôi tin bác sẽ cho tôi ở vài ngày và che chở cho tôi. Thế là tôi quyết định ra đi.

 

Mượn quần soọc, áo sơ mi của anh, tôi tới bến xe hàng chuyên chở rau xin quá giang. Đêm đó, tôi nằm sau xe tải ôm đám bắp cải ngủ cho tới khi xe tới Sài Gòn. Ông tài xế già tốt bụng còn dặn nếu muốn trở lại, cứ tới bến tìm, ông sẽ cho trở về.
Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Tuấn Ngọc,
Khánh Ly trên sân khấu năm 2010

 

Tôi không nhớ rõ nhưng chắc chắn gia đình bác tôi đã ghi tên cho tôi dự cuộc thi tuyển đó. Em bé Lệ Mai ghi danh bài “Từ giã kinh thành” nhưng bị từ chối. Con nít không được hát bài đó.

 

Tôi nhớ ngay đến “Ngày trở về” của ông Phạm Duy và được chấm đậu hạng nhì, thế thôi nhưng đủ làm tôi sung sướng đến có thể chết đi được và không cần biết chuyện gì đang chờ đón tôi ở nhà.

 

Nửa thế kỷ đã trôi qua, không biết còn mấy ai nhớ đến con bé đen ngòm, tóc tém, mặc quần soọc trắng, áo sơ mi ca rô xanh… hùng dũng hát “Ngày trở về” trong buổi thi tuyển ca sĩ nhi đồng tại rạp Norodom. Đối với tôi, dẫu sau đó bị một trận đòn thê thảm, tôi vẫn cho rằng việc làm liều lĩnh của tôi ngày đó là đúng, không có gì, không còn gì đúng hơn”.

 

3. Tôi hay bu theo đám bạn con trai. Đi nhảy đầm… ké, vì đôi khi những nhà giàu có, dân trường Tây tổ chức bal famille tại nhà hoặc ở cercle, làm sao chúng tôi được mời. Ấy thế mà cũng mò vào được cả đám.

 

Nhảy đầm thời đó là nhảy biểu diễn, lấy hay lấy đẹp chứ không có chuyện lợi dụng nhau nên những cuộc nhảy với dân nhà giàu, chọn lọc thật vui. Tôi biết nhảy tự… mình ên, không ai dạy cả và bị đòn bằng củi tạ cũng nhiều vì cái vụ bỏ nhà đi nhảy. Cái tật ham vui phải trả những giá thật đắt. Thường là thế. Nhảy tại gia chưa đủ, tới vũ trường luôn.

 

Khiêu vũ trường Đồng Khánh là nơi đầu tiên tôi tới để nhảy và ở đó, tôi nghe nữ ca sĩ Mai Ly hát. Tôi không còn nhớ mặt chị, chỉ mang máng là dưới ánh đèn mờ ảo, chị Mai Ly xinh đẹp và hát hay.

 

Thế rồi trong một lúc hứng thú, lại được các bạn khuyến khích, tôi trèo đại lên sân khấu và xin với ban nhạc cho tôi hát bài “Con thuyền không bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Giám đốc, ban nhạc coi tôi như một người khách nổi hứng bất tử nên chẳng ai thắc mắc.
Nhiều lần sau đó, chúng tôi kéo nhau đến nữa và lần nào tôi cũng leo lên hát. Nào là “Lá thư” nào là “Chiều vàng” nào là “Gửi gió cho mây ngàn bay” cũng chẳng ai thắc mắc gì cho đến một đêm cảnh sát ruồng xét và phát giác ra tôi mới… gần gần 16 tuổi.

 

Tôi được vào ngủ trong Tổng Nha Cảnh Sát đời lần đầu tiên trong đời. Ngày hôm sau, dượng tôi vào ký giấy tờ lãnh tôi ra. Tới cổng, ông quay sang tặng tôi một cái tát trời giáng, thấy mấy trăm ông trời, rồi lên xe bỏ đi. Tôi đi bộ về nhà, mặt tỉnh queo. Sau đó, ông và mẹ tôi nói thẳng… Muốn đi hát thì đừng bao giờ về nhà vì nhà này không có… mả làm ca sĩ”.

 

4. Từ ngày di cư vào Nam, dẫu mới có 10 tuổi, tôi phải trông em, giặt quần áo, đi chợ rồi mới đi học. Mấy anh chị em chúng tôi sàn sàn tuổi nhau nhưng lại chẳng bao giờ có thời gian hay có chuyện gì để chia sẻ với nhau. Nói tóm lại, tuổi thơ của tôi hoàn toàn mờ nhạt, không có gì đáng ghi nhớ trong sinh hoạt gia đình, ngoại trừ người dượng đêm nào cũng say rượu và bà mẹ hết ca cẩm chồng đến mắng chửi con.

 

Đà Lạt chính là khoảng trời tôi mơ ước, tưởng chừng như cuộc sống ngừng lại ở đó… Nhưng không. Cuộc đời tôi bắt đầu. Từ đó, ở đó.

 

Vũ trường Night Club dọn ra hôtel Du Parc, cạnh Nhà Thờ Chánh Toà, Bưu điện và đài phát thanh Đà Lạt. Bà chủ vũ trường là một người Việt Hoa, có một đứa con lai không biết lai gì, khoảng 6, 7 tuổi. Bà mướn một căn phòng ngay bên kia đường cho các chị vũ nữ ở, có người nấu cơm.

Tôi thường ngủ lại đây vì khuya chẳng có ai đưa tôi về tận Chi Lăng. Trong căn nhà nhỏ này, tuyệt không có bóng dáng một người đàn ông, thế nên tôi thích ngủ lại để sáng hôm sau đi chợ rồi mới về nhà, mang đồ ăn, bánh kẹo và chơi với con rồi chiều tối, lại đi xe lam đến vũ trường.

Night Club là vũ trường duy nhất ở Đà Lạt. Với khí hậu lành lạnh về đêm là nơi giải trí lý tưởng của thành phố du lịch, vậy mà khách khứa cũng không có bao nhiêu
Những đêm trời lạnh, mưa rất nhẹ, không gì thú vị hơn ngồi hát hay nghe một tình khúc tiền chiến. Những người lính Mỹ non trẻ kia đang miệt mài bước nhảy, cố quên đi nỗi buồn xa nhà, nỗi lo sợ súng đạn trên mảnh đất mà họ không bao giờ hiểu được vì sao họ đến đây. Họ lại càng không hiểu ý nghĩa của khúc hát kia.

Chỉ biết trong đêm lạnh, khúc hát buồn, tiếng hát còn non trẻ với những ước mơ chưa thành hình và nỗi lòng khắc khoải của kẻ xa nhà quấn quít lấy nhau ấm áp chia sẻ đến không ngờ. Nhiều năm sau, nếu những người lính ấy còn sống mà trở về, chắc chẳng bao giờ họ nghĩ đến cái vũ trường xưa, nơi thành phố có những cơn mưa bất ngờ nghiêng nghiêng bay trên con phố vắng người vào những đêm gió lạnh. Cũng có thể họ đã không bao giờ trở về để mà nhớ.

… Nếu có điều gì làm tôi đau lòng, ấy là tại tôi. Tôi muốn sống bình yên nhưng tâm tôi chưa yên. Tôi nhạy cảm quá . Tôi dễ vỡ quá, cho dù dưới mắt nhìn và sự nhận xét của nhiều người thì tôi là một người bản lãnh, can đảm. Điều này thật ra cũng không có gì gọi là sai hay xa sự thật bởi vì nếu tôi không can đảm, liệu giờ này tôi còn sống nổi với bao nhiêu tang thương chưa giây phút nào nguôi ngoai trong từng hơi thở.

Cái gọi là bản lãnh, can đảm đôi khi chỉ là sự dối lừa, là cái vỏ mầu mè bên ngoài mà nó cũng có thể được xem như thái độ bất cần của một người chẳng mấy tha thiết đến cái gọi là ngày mai, của một người không mấy bình thường nếu không muốn nói là điên.

Thấy đời chán quá, chán đời quá, mà vẫn cứ ôm lấy cuộc đời. Là vì sao. Vì còn nhớ đến nhiều người. Vì còn nhiều người, nhiều điều để nhớ. Vì rằng đôi lúc tưởng đã quên nhưng cũng lại chỉ tự lừa dối mình mà thôi. Tôi không hề quên những điều cần phải nhớ và rồi chẳng có gì an ủi cho bằng đến một lúc nào đó như lúc này, tất cả sẽ mở ra. Phải được mở ra, nào phải chỉ mười năm, đã 40 năm rồi đó. Nếu không phải là bây giờ, sẽ chẳng còn bao giờ nữa”…

(Theo Pháp luật online)

Leave a Reply