Không can thiệp vào công việc kinh doanh quyền lực của chồng như đệ nhất phu nhân (bà Thiệu) nhưng đệ nhị phu nhân (bà Kỳ) cũng có cách thể hiện quyền lực rất “dễ thương”.
Ở nền “đệ nhị cộng hòa”, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật số 1, bà Nguyễn Thị Mai Anh vợ ông là “đệ nhất phu nhân”. Nhân vật số 2 không ai khác là Nguyễn Cao Kỳ (Thủ tướng, rồi Phó tổng thống), bà Đặng Tuyết Mai – vợ ông Kỳ – được người Sài Gòn gọi là “đệ nhị phu nhân”.
Khác với bà Thiệu thường can thiệp vào công việc của chồng, kinh doanh quyền lực, dựa hơi chồng tổ chức buôn lậu…, bà Kỳ “thục nữ” hơn, không can dự vào chính trường. Nhưng bà Tuyết Mai cũng có cách thể hiện quyền lực rất “dễ thương”.
Người được coi là có nhan sắc đẹp nhất tên Đặng Tuyết Mai – nguyên là vợ của tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ, mẹ của MC nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ Duyên.
Túp lều lý tưởng
Ở Sài Gòn trước năm 1975 có một bài hát rất nổi tiếng có tên “Túp lều lý tưởng” gắn liền với tên tuổi đôi nghệ sĩ Hùng Cường – Mai Lệ Huyền. Bài hát nêu lên một quan niệm về hạnh phúc vợ chồng: Không cần tiền bạc, vật chất, chỉ cần yêu thương nhau là sống hạnh phúc.
Bài hát có câu: “Đâu ai mà vui bằng mình, khi ta đứng nhìn một đàn con xinh”. Trong số các chính khách chóp bu ở Sài Gòn thời đó, cuộc sống của đôi vợ chồng Nguyễn Cao Kỳ – Đặng Tuyết Mai là gần với “túp lều lý tưởng” nhất: Sống lãng mạn, phóng túng, bất cần tiền tài, tuy họ không có “một đàn con xinh” (chỉ có duy nhất cô con gái Nguyễn Cao Kỳ Duyên).
Nguyễn Cao Kỳ không bị tai tiếng tham nhũng như Nguyễn Văn Thiệu và hầu hết các tướng lĩnh khác ở Sài Gòn. Khi rời khỏi Tổ quốc, sống lưu vong ở nước ngoài sau 30/4/1975, Nguyễn Cao Kỳ sống cuộc đời nghèo khó, thiếu thốn vật chất, phải đi làm thuê những công việc phổ thông. Đến lúc đó, những người hoài nghi chuyện ông “giàu có nhưng giả dạng thường dân” mới thật sự chấm dứt.
Sau khi cưới bà Tuyết Mai, Nguyễn Cao Kỳ được “thăng” làm Chủ tịch Ủy ban hành pháp (Thủ tướng), nhưng ông vẫn ở nhà “công vụ”, không ở biệt thự riêng theo chế độ. Ông Kỳ hô hào “thắt lưng buộc bụng” và chống tham nhũng và nổi bật trong vai trò chống tham nhũng.
Ông đã chọn một mục tiêu cho chiến dịch chống tham nhũng của mình: Đó là Tạ Vinh – một doanh nghiệp người Hoa giàu có nổi tiếng ở Chợ Lớn. Theo chính phủ của Kỳ thì Tạ Vinh phạm tội ăn gian sắt thép ở một công trình xây dựng cho quân đội Mỹ mà Tạ Vinh đã trúng thầu.
Sắt thép ăn bớt này được Tạ Vinh tuồn ra chợ đen. Một “pháp trường cát” được dựng tại bờ tường trụ sở hỏa xa, nằm bên hông bùng binh chợ Bến Thành, được chính phủ Kỳ quảng cáo như một biểu tượng chống tham nhũng. Chính tại đây, Tạ Vinh bị đem ra hành quyết.
Vợ chồng Nguyễn Cao Kỳ và Đặng Tuyết Mai. |
Dù thể hiện là Chính phủ chống tham nhũng, bản thân cuộc sống của vợ chồng tướng Kỳ cũng tỏ ra “thanh đạm”, nhưng ông Kỳ lại bị chính báo chí Mỹ tố cáo tham gia vào buôn bán ma túy.
Trong cuốn hồi ký mang tên “Đứa con cầu tự”, ông Kỳ cho biết, ông có người chị ruột lớn hơn ông 10 tuổi, tên Nguyễn Thị Lý, rời Việt Nam sang sống tại Lào vào thập niên 1940. Bà Lý trở thành một tay buôn bán ma túy có tiếng ở Lào. Có lẽ vì vậy mà ông bị báo chí Mỹ nghi kỵ là “buôn bán ma túy”.
Bà Tuyết Mai cũng đánh bạc
Trong số rất nhiều những hành vi thể hiện tính cách phong lưu, nghệ sĩ, lãng tử, chuyện “đá gà” (chọi gà) của tướng Kỳ là nổi bật hơn hết. “Đá gà” là môn chơi dân gian, nhưng dưới thời Nguyễn Cao Kỳ đã trở thành cờ bạc. Mê “đá gà”, tất nhiên tướng Kỳ cũng ít nhiều dính dáng tới chuyện cờ bạc. Bà Tuyết Mai vợ ông vì vậy mà ít nhiều cũng thích chuyện bài bạc.
Trước khi trở thành vợ của Nguyễn Cao Kỳ, bà là một hoa khôi trong hàng ngũ nữ tiếp viên hàng không ở Sài Gòn. Tuy vậy, sắc đẹp của bà không được người dân Sài Gòn và miền Nam ngắm nhìn một cách bình thường và thiện cảm.
Bà Tuyết Mai không can thiệp vào các công việc của chồng và cũng không bị tai tiếng ăn hối lộ tham nhũng như các bà vợ tướng tá khác, nhưng cách bà xuất hiện trước công chúng như một siêu người mẫu hay một diễn viên điện ảnh, giữa lúc đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, đã gây nên sự dị ứng, thậm chí gây “sốc” đối với mọi người.
Hình ảnh bà Kỳ từng mặc bộ đồ phi công, quần liền áo, màu vàng nghệ chói lọi như một thứ thời trang cao cấp đi bên cạnh chồng cũng ăn mặc như thế, không được người dân Sài Gòn chấp nhận. Nhưng chuyện bà Tuyết Mai chơi bài thì ít người biết.
Tháng 10/1965, Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ có chuyến thăm chính thức Nam Triều Tiên. Chuyến viếng thăm này của Nguyễn Cao Kỳ nằm trong cuộc vận động của Chính phủ Sài Gòn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nước đồng minh trong khu vực. Bà Tuyết Mai, tất nhiên, cũng có mặt trong chuyến đi như bao lần khác. Trong chuyến đi này có nhà báo Chánh Trinh (Lý Quý Chung) – một ký giả mới nổi lên trong nghề ở Sài Gòn, nhờ vậy mà người Sài Gòn biết được chuyện “hậu trường” những chuyến “công du” của các “nguyên thủ quốc gia” khi ấy.
Theo nhà báo Chánh Trinh, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Cộng hòa viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên theo lời mời của Thủ tướng nước này. Tháp tùng đoàn có Phó thủ tướng (tướng Nguyễn Hữu Có), các phu nhân cùng một số thành viên nội các. Các sĩ quan đi theo “phò” Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ đều thuộc binh chủng không quân, bạn bè thân thiết cũ hoặc đàn em của ông.
Khi chiếc chuyên cơ Caravelle vừa rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất một lúc thì đoàn tháp tùng ngồi phía sau máy bay tổ chức ngay một sòng bài chơi bằng đôla Mỹ trên sàn máy bay. Càng lạ hơn là cả phu nhân của Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ – bà Đặng Tuyết Mai – cũng rời phòng VIP tham gia đánh bạc một cách rất tự nhiên. Nhưng bà Tuyết Mai cứ ra chơi bài một lúc thì lại bị ông Kỳ gọi vào phòng VIP.
Tình cờ gặp mặt tại bến sông Cầu (Phú Yên), thiếu tá Nguyễn Văn Thiệu đã đem lòng yêu thương người con gái lai tên Oanh (17 tuổi) rất xinh đẹp.
Bà Tuyết Mai sai khiến ông Kỳ?
Cũng theo nhà báo Chánh Trinh, trong những ngày viếng thăm chính thức Nam Triều Tiên của phái đoàn chính phủ Sài Gòn, người được báo chí và dư luận nước này chú ý nhiều nhất không phải là nhân vật chính Nguyễn Cao Kỳ mà là vợ của ông – bà Tuyết Mai. Hình ảnh bà Tuyết Mai mặc chiếc áo dài màu xanh ngọc đứng bên cạnh chồng tại sứ quán Sài Gòn ở Seoul trong cuộc tiếp tân chính thức đã được các tờ báo ở nước sở tại đăng trang trọng kèm theo những lời khen bóng bẩy về nhan sắc của “đệ nhị phu nhân” Việt Nam Cộng hòa!
Nhan sắc của bà Đặng Tuyết Mai thời trẻ. |
Sau mấy ngày viếng thăm chính thức, đoàn chuẩn bị sáng hôm sau lên đường trở về nước. Nhưng nhiều người trong đoàn còn nấn ná, muốn ở lại thêm ít ngày và họ hiểu chỉ có bà Tuyết Mai mới làm được điều này. Chiều tối trước khi giã từ Seoul, một số sĩ quan cao cấp thân thuộc của ông Kỳ đã tìm gặp bà Tuyết Mai đề đạt nguyện vọng muốn ở lại Seoul thêm ít ngày để có thời gian mua sắm.
Bà Tuyết Mai nhỏ nhẹ thuyết phục chồng, ông Kỳ tán đồng ngay, cho ở lại thêm một ngày. Tại Sài Gòn, việc phái đoàn Nguyễn Cao Kỳ ở lại Seoul thêm một ngày không thông báo kịp đến các đoàn ngoại giao nên phòng VIP ở sân bay Tân Sơn Nhất đầy nghẹt các đại sứ ra đón phái đoàn theo đúng thủ tục ngoại giao. Sau đó, họ phải tiu nghỉu trở về mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra ở Seoul.
Cuối cùng, đoàn “Chính phủ Việt Nam Cộng hòa” cũng được chủ nhà tiễn khỏi Seoul. Đoàn rời Seoul đúng ngày lễ Song thập (tức Quốc khánh) của lãnh thổ Đài Loan. Trên đường về Sài Gòn, khi máy bay sắp sửa vào không phận Đài Loan, ở khoang sau, nhóm sĩ quan tùy tùng lại “kiến nghị” với bà Kỳ: Cho đoàn đáp xuống Đài Loan chơi, vì hôm nay là lễ quốc khánh của Đài Loan, rất thú vị.
Bà Kỳ thấy có lý, rồi vào phòng VIP dùng lời lẽ ngon ngọt năn nỉ chồng. Và lần nữa, ông Kỳ lại bất chấp các nghi thức ngoại giao, chiều theo ý vợ. Ông Kỳ xuất hiện trước cửa phòng VIP và thông báo với đoàn: “Đoàn ta sẽ dừng lại Đài Loan một hôm”. Thế là tại Sài Gòn, các đoàn ngoại giao có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất một lần nữa lại lũ lượt kéo nhau ra về vì Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ lại dời ngày về mà không biết vì lý do gì.
Khi được phái đoàn Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thông báo từ trên máy bay cuộc viếng thăm đầy bất ngờ, chính phủ Đài Loan rất lúng túng, nhưng không thể không chấp nhận. Do đúng vào ngày lễ lớn của mình, Đài Loan không còn chỗ trong các khách sạn sang trọng để đón khách ở cấp quốc gia. Họ đã phải vội vã dồn khách ở một số khách sạn để dành chỗ cho đoàn của Chính phủ Sài Gòn.
Chủ nhà vừa tất bật lo ngày “đại lễ” của mình, vừa phải dành thời gian tiếp khách, đưa đi thăm thú đó đây. Họ tự an ủi là ngày quốc khánh của mình có được “khách quý” đến dự, nhưng họ có biết đâu chuyến viếng thăm đột xuất ấy hoàn toàn xuất phát từ những lời ngọt ngào của người đẹp Tuyết Mai.
Sáng hôm sau, các đoàn ngoại giao Sài Gòn lại lục tục kéo ra sân bay để đón phái đoàn Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, rồi lại được thông báo dời ngày đón Thủ tướng lần thứ ba vì rằng, khi cả đoàn đã ngồi vào máy bay chuẩn bị rời phi trường Taipei thì phát hiện chiếc Caravelle bị trục trặc, máy bay phải cần một ngày để sửa chữa. Thế là đại diện chính phủ Đài Loan lại phải rước đoàn trở lại thành phố Taipei và dồn khách của họ lần nữa để có chỗ dành cho đoàn của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tá túc thêm một đêm.
Sáng hôm sau, máy bay sửa chữa xong, đoàn mới bay về Sài Gòn.