Cái nhìn của ông về những “diva”, “ông hoàng” hôm nay là cái nhìn có chiều kích thời gian của một người hơn 6 thập niên hoạt động âm nhạc.
“Thật ra, giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu!”. Trong một lúc thành thật và bộc trực với những suy nghĩ của mình, vị nhạc sĩ 74 tuổi hiền lành và kín đáo đã chia sẻ như vậy trên một tờ báo điện tử.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, người gần đây gây ra vụ tai tiếng hôn sư thầy trên sân khấu |
Ông cũng nhận xét nhiều ngôi sao nhạc Việt hôm nay như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Bằng Kiều, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà là phô diễn kỹ thuật, khoe giọng, diễn kịch, đẹp và giỏi múa, mà không chú tâm đến nhạc cảm.
Phát ngôn của ông dĩ nhiên gây tranh cãi, có thể gây tổn thương tình cảm vì đụng chạm đến những giá trị đang được một bộ phận đám đông ưa thích. Cũng như vì lẽ cấm kỵ không nên công khai những nhận xét quá thẳng thắn giữa những người nổi tiếng với nhau, mà hãy để chuyện diễn ra nơi hậu trường.
Nhưng chắc chắn, bằng sức nặng của tuổi tác, uy tín nghề nghiệp và nhân cách đáng kính, ông khiến một số đông lớn hơn cảm thấy thỏa lòng vì đã nói giúp họ những gì “ấm ức” bấy lâu nay. Có thể hiểu họ từ chối việc xem những màn trình diễn hú hét kịch tính một cách giả tạo, lấy những màn múa phô diễn cơ thể và những trò trang hoàng sân khấu để khỏa lấp giọng ca khều khào…là những thứ thuộc về âm nhạc. Tiếc rằng, đây lại là những thứ ầm ĩ nhất trong làng âm nhạc từ một thập niên trở lại đây.
Là người có hơn 60 năm tuổi nghề, cũng gần bằng thời gian sinh hoạt âm nhạc ở Sài Gòn bắt đầu rộn ràng với những phòng trà đầu tiên, nên cái nhìn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng là cái nhìn có chiều kích thời gian. Thời của ông, thời mà ông nói Đàm Vĩnh Hưng chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót, các danh ca từ Thái Thanh, Lệ Thu, Hoàng Oanh, Thanh Thúy đến Thanh Tuyền, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Giao Linh…ngoài tài năng thiên bẩm còn cần thêm nỗ lực rèn luyện vượt bậc không ngừng để làm nên sự nghiệp và giọng hát để đời.
Thế nên cũng là dễ hiểu khi ông thấy “Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật”. Cảm nhận và diễn từ ngắn gọn, rõ ràng của của ông rõ ràng giúp giải thích được xu hướng tìm về nhạc xưa để hát lại, nghe lại ngày một phổ biến gần đây.
Mặt khác, tính giải trí lâu nay vẫn được nhìn nhận một giá trị nào đó của âm nhạc đương đại, ít nhất là giá trị thương mại mà các nhân vật trong làng giải trí đang đeo đuổi bằng mọi giá. Nhưng điều không may là trong môi trường âm nhạc mà truyền thông và danh hiệu có thể được mua, cuộc sống xa hoa mang lại sự ngạo mạn, một vài người đem cuộc đời và tiếng hát ra múa may quay cuồng mua vui cho đám đông đôi khi tưởng mình là những nghệ sĩ làm nghệ thuật đích thực. Nhìn qua cách phản ứng bằng bức tâm thư với lời lẽ đầy hằn học và bất kính của Đàm Vĩnh Hưng đối với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người ta có thể tin anh ta là một trường hợp ngộ nhận như vậy.
Tiếng hát cũng chính là tiếng lòng được cất lên vậy. Và rõ ràng, khi khoác vào chiếc áo thiên nga, phương tiện bị nhầm lẫn thành mục đích, tiếng hát dù bay cao đến mấy cũng chẳng thể nào che giấu được sự rỗng tuếch và vô hồn của chính nó
Minh Chánh