Người dân Triều Tiên hiểu rằng chính phủ của họ thường xuyên nói dối và những lời tuyên truyền mâu thuẫn với thực tế. Dù vậy, họ ít biết được sự khác biệt thực sự giữa Triều Tiên với thế giới bên ngoài, theo lời một người đào thoát khỏi Triều Tiên.
Anh Kim Young-il, 39 tuổi người sáng lập của tổ chức Thống nhất hai miền (PSCORE), đã trốn thoát khỏi Triều Tiên khi anh mới 19 tuổi. PSCORE là một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ thống nhất đất nước, giúp nâng cao nhận thức về các vấn đề nhân quyền ở Triều Tiên và giúp người đào thoát khỏi Triêu Tiên hòa nhập với cuộc sống ở Hàn Quốc.
Năm 1997, Kim và cha anh đã trốn thoát khỏi Triều Tiên giữa lúc quốc gia bí ẩn này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và thiếu lương thực trầm trọng kéo dài suốt bốn năm. Ước tính có khoảng 240.000 đến 3,5 triệu người, trong số 22 triệu dân của nước này, đã bị chết đói trong thời gian đó.
Chính quyền Triều Tiên thời điểm đó đã không để cho người dân biết sự thật về những gì đang diễn ra, anh Kim nói với Business Insider trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Anh cho biết thêm, ngay cả bây giờ, tình hình cũng không thay đổi, người Triều Tiên vẫn biết chính phủ của họ đang nói dối.
“Người dân biết rõ là chính phủ nói dối bởi vì họ biết so sánh. Khi chính phủ nói về sự thịnh vượng và đầy đủ lương thực, người dân sẽ đối chiếu với tình trạng của họ, rõ ràng họ thấy tất cả mọi người xung quanh đang không kiếm được thứ gì để ăn”, anh Kim nói.
“Khi họ thấy rằng những gì chính phủ Triều Tiên nói không khớp với những gì đang thực sự diễn ra, họ hiểu rằng chính phủ này đang nói dối”, anh Kim lý giải thêm.
Nhưng có một điều mà người Triều Tiên không thể biết, anh Kim tiết lộ, là sự chênh lệch thực sự giữa đất nước của họ với Hàn Quốc, hay Trung Quốc hoặc Mỹ.
“Họ biết {những nước này thịnh vượng và phát triển hơn}, nhưng họ không biết {sự thịnh vượng} ở cấp độ nào và giữa các nước khác nhau ra sao. Họ không có khung tham chiếu. Tất cả những gì chính phủ Triều Tiên tuyên truyền là dối trá”, anh Kim nói. “Họ không có cách nào để có được thông tin về Hàn Quốc hoặc Hoa Kỳ, họ không biết gì về những nước này”.
Anh Kim nhớ lại, lúc còn ở Triều Tiên anh và gia đình nghĩ đơn giản rằng ở Triều Tiên “bị hạn chế về tự do”. Chỉ khi đến Hàn Quốc anh mới nhận ra “chúng tôi đã thiếu may mắn đến mức nào”.
Trí Dũng