Chiều 26/5, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đã bất ngờ gặp tại biên giới hai nước trong nỗ lực nối lại thượng đỉnh đã bị hủy giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc thông báo thông tin này và cho biết Tổng thống Moon sẽ trực tiếp thông báo kết quả cuộc gặp thượng đỉnh vào sáng mai. Đây là bước ngoặt bất ngờ mới trong một loạt diễn biến đối ngoại gần đây liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc gặp lần này diễn ra trong 2 giờ đồng hồ và ở bên phía lãnh thổ Triều Tiên. Hai ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim Jong Un – bước đi làm bất ngờ hoàn toàn phía Hàn Quốc.
Theo các nguồn tin thân cận với Nhà Xanh, ban đầu nhà lãnh đạo hai bên điện đàm qua đường dây nóng về chủ đề cuộc gặp thượng đỉnh của ông Kim Jong Un với Donald Trump. Sau khi cuộc trao đổi trở nên sâu hơn, ông Moon Jae In đề xuất gặp gỡ trực tiếp với ông Kim Jong Un và cuộc tiếp xúc lần hai nhanh chóng được tiến hành.
Nỗ lực cứu vãn thượng đỉnh Mỹ – Triều
Nhà Xanh đã rất nỗ lực để cứu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên. Chỉ trong vòng 1 tháng, Tổng thống Moon đã hai lần gặp ông Kim Jong Un ở Bàn Môn Điếm – điều chưa từng có trong lịch sử.
“Hai nhà lãnh đạo thẳng thắn trao đổi ý kiến trong vấn đề thi hành Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm được đưa ra ngày 27/4 và hướng đến cuộc thượng đỉnh thành công giữa Mỹ và Triều Tiên”, Yonhap dẫn lời Thư ký báo chí của phủ tổng thống Hàn Quốc Yoon Young Chan cho biết.
Khác với cuộc gặp lần trước được truyền hình trực tiếp và dàn dựng kỹ lưỡng cho truyền hình, cuộc gặp lần 2 giữa hai ông được tiến hành hoàn toàn bí mật và chỉ được thông báo sau khi đã kết thúc.
“Dựa vào sự thống nhất giữa hai bên, ông Moon sẽ công bố kết quả cuộc gặp gỡ vào 10h ngày mai 27/5 (giờ địa phương)”, ông nói thêm.
Nhà Xanh xác nhận em gái ông Kim Jong Un, bà Kim Yo Jong, cũng có mặt tại cuộc thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều trong vòng một tháng. Hiện chưa rõ ai là người đề xuất gặp gỡ lần này.
Trong cuộc thượng đỉnh đầu tiên hồi tháng 4, Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã công bố nguyện vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và không có vũ khí hạt nhân. Seoul xem đây là một bước tiến đầy ý nghĩa và dùng nó để thúc đẩy thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước liên Triều có phần lạnh nhạt trong vài tuần qua, với việc Bình Nhưỡng hủy hội đàm cấp cao với Seoul sau cuộc tập trận chung định kỳ giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời nhất quyết khẳng định sẽ không đối thoại trừ khi vấn đề này được giải quyết.
Đối thoại trực tiếp và gần gũi hơn
Hàn Quốc, nước đóng vai trò trung gian kết nối đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng rõ ràng bất ngờ trước việc ông Trump vội vàng soạn thảo một lá thư hủy thượng đỉnh viện dẫn các phát ngôn mang tính thù địch gần đây của Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết quyết định của người đồng cấp tại Mỹ khiến ông “lúng túng” và “vô cùng tiếc nuối”. Điều này cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại về kết nối ngoại giao giữa các đồng minh. Sau đó, ông thúc giục “lãnh đạo hai bên đối thoại trực tiếp và gần gũi hơn” nhằm giải quyết những bất đồng.
Việc ông Trump liên tục hủy rồi lại xúc tiến kế hoạch thượng đỉnh bộc lộ sự yếu ớt của Hàn Quốc trong vai trò là người trung gian. Seoul lo sợ mình mất tiếng nói trước một tổng thống Mỹ ít coi trọng mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc hơn những người tiền nhiệm.
Giới quan sát cho rằng việc ông Kim Jong Un liên tục vươn ra thế giới bên ngoài bằng hàng loạt diễn biến ngoại giao trong vài tháng qua thể hiện mong muốn được quốc tế dỡ bỏ cấm vận nhằm xây dựng lại nền kinh tế. Có thể ông kỳ vọng cuộc thượng đỉnh với Tổng thống Trump sẽ mang lại điều này.
Tuy nhiên, không chắc chắn liệu ông Kim có sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà mình và những người tiền nhiệm đã tốn công xây dựng hay không, trong khi đây là “con bài” duy nhất mà ông có.
Từ những bình luận của truyền thông nhà nước Triều Tiên, có thể thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un cho rằng mọi cuộc thượng đỉnh với Tổng thống Trump là đàm phán giữa hai nước hạt nhân hơn là tiến trình phi hạt nhân hóa đất nước của ông. Bình Nhưỡng từng khẳng định sẽ từ chối tham gia bất kỳ đối thoại nào nếu nó là cưỡng bách đơn phương buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.