Tổng thống Donald Trump kế thừa một nền kinh tế mạnh và tiếp tục phát triển với tốc độ ổn định trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, nhưng đại dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả.
Website của dự trữ Liên bang chính phủ Mỹ:
https://www.federalreserve.gov/monetarypolicy/fomcprojtabl20200916.htm
Trước năm 2020, việc làm của Mỹ tăng trưởng ổn định trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xóa sạch mọi thành tích, “thổi bay” 15% việc làm chỉ trong 2 tháng. Từ tháng 5 đến nay, chỉ một nửa số việc làm đã mất được phục hồi. Và ông Trump đang hướng tới kỳ tái cử với số việc làm bị mất tồi tệ nhất so với bất cứ đời tổng thống nào. Ngược lại, ở cùng thời điểm tái tranh cử của ông Barack Obama, số lượng việc làm bị cắt giảm tại Mỹ chỉ là vài trăm nghìn. |
Ở thời điểm nhậm chức, ông Trump kế thừa thị trường việc làm thuộc hàng mạnh nhất trong lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã đặt dấu chấm hết cho điều đó. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã tăng lên 14,7%, tăng 10 điểm phần trăm. Dù đã cải thiện phần nào, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn tăng trong tháng 9. Chưa có tổng thống Mỹ nào đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt như vậy trong nhiệm kỳ của mình. |
Trump thường thích nói về thu nhập của tầng lớp trung lưu tăng lên như thế nào trong nhiệm kỳ của mình. Trên thực tế, điều này đúng trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông. Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy thu nhập trung bình của hộ gia đình Mỹ là 68.703 USD trong năm 2019, tăng 5.800 USD – tương đương 9% so với năm 2016 – sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Bên cạnh đó, hơn 20 bang của Mỹ cũng nâng lương tối thiểu, từ đó thúc đẩy thu nhập của người lao động thu nhập thấp. |
Thời kỳ tăng điểm dài nhất của chỉ số S&P 500 bắt đầu ngay sau khi ông Obama nhậm chức và tiếp tục trong nhiệm kỳ của ông Trump. Các nhà đầu tư cũng đặc biệt hoan nghênh chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp của Trump vào năm 2017. Bất chấp chiến tranh thương mại, nhiều cổ phiếu vẫn tăng giá mạnh cho tới trước năm 2020. Khi bắt đầu đại dịch năm 2020, chỉ số S&P 500 đã giảm 34% chỉ trong khoảng một tháng, trước khi hồi phục vào cuối mùa hè. Tính từ khi ông Trump nhậm chức tới ngày 27/10, chỉ số này tăng 49%. Cùng thời điểm trong nhiệm kỳ của ông Obama và ông Clinton, chỉ số này tăng lần lượt 76% và 64%. |
Thị trường nhà ở là một trong số ít lĩnh vực không bị suy giảm mạnh do đại dịch. Đây là một kết quả của lãi suất thấp kỷ lục và xu hướng làm việc tại nhà khiến người dân thành phố đua nhau mua nhà ở ngoại ô và nông thôn, đẩy giá nhà tại một số vùng tăng lên. Tính đến nay, giá nhà tại Mỹ tăng 21% kể từ khi Trump nhậm chức. |
Đại dịch đẩy giá thực phẩm tăng đột ngột. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, giá thực phẩm tại Mỹ trong suốt nghiệm kỳ của ông Trump duy trì ở mức ổn định. Trong khi đó, cùng thời điểm này của nhiệm kỳ Reagan, George H.W. Bush, Clinton và George W. Bush, giá thực phẩm tăng từ 9% trở lên. Trong khi đó, giá thực phẩm chỉ tăng 6,1% dưới thời ông Trump và tăng 5,9% dưới thời Obama. |
Dù người tiêu dùng Mỹ cắt giảm mạnh chi tiêu khi đại dịch bùng phát, sau đó họ đã nhanh chóng mua sắm trở lại vào tháng 5 và tháng 6 với tiền trợ cấp từ các gói kích thích và trợ cấp thất nghiệp. Chi tiêu bán lẻ hàng hóa, đặc biệt là qua các nhà bán lẻ trực tuyến, tăng mạnh. (Chi tiêu cho các dịch vụ như cắt tóc, du lịch và ăn uống tại nhà hàng vẫn thấp hơn nhiều so với trước Covid-19.) Tuy nhiên, ngay cả khi phục hồi nhanh chóng, chi tiêu của người tiêu dùng dưới thời ông Trump vẫn tăng ít hơn so với các đời tổng thống trước đó. |
Việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đạt đỉnh vào năm 1979 và kể từ nhiệm kỳ của ông Clinton, chưa có đời tổng thống nào chứng kiến việc làm sản xuất tăng. Trong ba năm đầu tiên của Trump, lĩnh vực sản xuất tạo thêm một số việc làm, nhưng vào năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xóa sạch thành tích ít ỏi đó. Tính đến tháng 9, lĩnh vực này đã giảm 164.000 việc làm, tương đương 1,3% so với thời điểm ông Trump nhậm chức. |
Nợ trên GDP của chính phủ liên bang Mỹ chưa từng cao như mức hiện tại kể từ Thế chiến thứ hai. Dưới thời ông Reagan, nợ/GDP tăng mạnh dẫn tới việc cắt giảm thuế. Trong khi đó, dưới thời ông Obama, nợ/GDP cũng tăng mạnh và ông Obama đã dùng quỹ kích thích liên bang để hỗ trợ nền kinh tế trong cuộc Đại suy thoái. Vào thời điểm ông Trump nhậm chức, tổng nợ công của Mỹ khoảng 76% GDP. Nhưng đến giữa năm 2020, tỷ lệ này là 105%, tăng 29 điểm phần trăm trong nhiệm kỳ của ông Trump. |
Thước đo rộng nhất của nền kinh tế là GDP, đo lường giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước. GDP thường tăng 2-3% mỗi năm sau khi điều chỉnh theo lạm phát. Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của ông Trump, tăng trưởng GDP của Mỹ đều nằm trong khoảng này. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tăng trưởng GDP giảm sâu. Dù chưa có đầy đủ dữ liệu của năm 2020, quý II/2020 chứng kiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 1947. |