Nga yêu cầu NATO chú tâm những lo ngại an ninh của nước này khi tổ chức mở rộng về phía đông, cảnh báo đừng dồn Moskva vào thế bí.
“Suốt vài thập kỷ, chúng tôi đã nói với NATO rằng chúng tôi e ngại việc NATO mở rộng về phía đông. Chúng tôi cũng e ngại NATO tiến gần hơn đến biên giới của chúng tôi bằng cơ sở hạ tầng quân sự của họ. Hãy quan tâm đến điều đó. Đừng dồn chúng tôi vào chân tường”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời phỏng vấn đài PBS của Mỹ tối 28/3.
Peskov cũng nói rằng trong những năm qua, Nga nhiều lần bày tỏ lo ngại an ninh nhưng đều không nhận được phản ứng nào từ NATO.
“Khi chúng tôi không hài lòng về cuộc đảo chính ở Ukraine. Không có phản ứng nào. Khi chúng tôi không hài lòng khả năng Ukraine gia nhập NATO bởi sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của Nga và phá hỏng sự cân bằng răn đe lẫn nhau ở châu Âu. Họ tiếp tục không phản ứng”, Peskov nói. “Khi chúng tôi muốn có mối quan hệ bình đẳng, muốn tính đến mối lo ngại của nhau. Vẫn hoàn toàn không có phản ứng nào”.
Người phát ngôn Điện Kremlin mô tả các biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt gần đây giống như cuộc chiến chống lại Nga trong lĩnh vực thương mại.
“Đối với chúng tôi, họ là kẻ thù, hoặc như kẻ thù. Chúng tôi đang bước vào giai đoạn cuộc chiến tổng lực. Nga sẽ cảm thấy đang ở giữa chiến tranh, vì các nước Tây Âu, Mỹ, Canada, Australia thực sự đang dẫn đầu cuộc chiến chống lại chúng tôi về thương mại, kinh tế, chiếm đoạt tài sản, tiền và chặn các mối quan hệ tài chính của chúng tôi”, ông cho hay. “Chúng tôi phải tự thích nghi thực tế mới. Các ngài phải hiểu nước Nga”.
Phóng viên PBS Ryan Chilcote nói rằng có vẻ đang xảy ra bế tắc trong cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu sau khi Tổng thống Vladimir Putin nói rằng ông muốn các nước thanh toán bằng đồng ruble. “Liệu Nga có cắt xuất khẩu khí đốt sang châu Âu nếu các nước đó từ chối thanh toán bằng đồng ruble?”, phóng viên hỏi.
Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi họ bác khả năng này”, Peskov trả lời. “Vì vậy, ngay sau khi có quyết định cuối cùng, chúng tôi sẽ xem xét những gì có thể được thực hiện. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không làm từ thiện và gửi khí đốt miễn phí đến Tây Âu”.
Chilcote cũng đề nghị ông Peskov làm rõ quan điểm của Nga về khả năng tấn công hạt nhân, sau khi quan chức Nga trước đó nói rằng Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân khi đối mặt mối đe dọa sống còn.
“Trước hết, chúng tôi chắc chắn rằng tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine sẽ được hoàn thành. Chúng tôi không nghi ngờ gì về điều đó”, Peskov trả lời. “Nhưng tất nhiên, bất kỳ kết quả nào của chiến dịch đều không phải lý do sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có khái niệm an ninh rất rõ ràng rằng chỉ khi có mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước, chúng tôi mới có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ mối đe dọa”.
Peskov tiếp tục làm rõ rằng mối đe dọa sự tồn tại của nhà nước và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine “không liên quan gì đến nhau”, đồng thời đề cập Tổng thống Putin trước đó cảnh báo các quốc gia khác không can thiệp vào vấn đề giữa Ukraine và Nga trong thời gian chiến dịch diễn ra.
“Ý ông Putin là sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bên thứ ba tham gia cuộc xung đột sao?”, phóng viên hỏi.
“Tôi không nghĩ vậy”, Peskov trả lời. “Không ai nghĩ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, thậm chí chẳng ai nghĩ đến ý tưởng sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 và giao tranh đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đà tiến của quân đội Nga thuận lợi nhất ở vùng duyên hải phía nam Ukraine, khi kiểm soát được thành phố lớn Kherson và một số mục tiêu nhỏ hơn như Melitopol.
Nga từ giữa tháng ba tăng cường không kích các mục tiêu ở tây Ukraine. Nhiều nước phương Tây đã cấp tập chuyển vũ khí hiện đại, với hàng nghìn tên lửa chống tăng và phòng không, cho Ukraine, chủ yếu qua cửa ngõ ở phía tây nước này.