Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 20/6 bắn hạ một máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của hải quân Mỹ. Đây là lần đầu tiên Iran trực tiếp tấn công nhắm vào quân đội Mỹ kể từ khi căng thẳng vùng Vịnh bùng phát.
Động thái là bước leo thang mạnh nhất trong hơn hai tháng căng thẳng giữa Washington và Tehran tại khu vực, có khả năng đẩy cả hai đến bờ vực chiến tranh.
Sải cánh lớn hơn Boeing 737
“Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) xác nhận một máy bay Giám sát Hàng hải Khu vực Rộng (BAMS-D) đang thực hiện sứ mệnh ISR (Tình báo, Giám sát và Do thám) đã bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa đất đối không của Iran khi ở không phận quốc tế trên eo biển Hormuz vào khoảng 23h35 GMT ngày 19/6/2019”, Đại úy Bill Urban, người phát ngôn CENTCOM, cho biết.
“Đây là vụ tấn công vô cớ nhắm vào khí tài giám sát của Mỹ trên không phận quốc tế”, người đại diện CENTCOM nhấn mạnh.
Trong khi đó, phía Tehran cáo buộc máy bay Mỹ đã đi vào không phận Iran ở tỉnh Hormozga, miền Nam nước này.
“Biên giới chính là giới hạn đỏ của chúng tôi. Mọi kẻ thù xâm phạm đường biên giới sẽ không thể trở về. Chúng tôi không có ý định phát động chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào, nhưng tuyệt đối sẵn sàng cho chiến tranh”, Tư lệnh IRGC Hossein Salami tuyên bố sau vụ bắn hạ máy bay không người lái, cảnh báo đây là “thông điệp rất rõ” gửi đến Mỹ.
Thông điệp “sẵn sàng cho chiến tranh” ngày 20/6 khiến nhiều người bất ngờ về năng lực phòng thủ của Iran. Chiếc RQ-4A Global Hawk trị giá từ 130-220 triệu USD tùy theo trang bị và là một trong những máy bay không người lái đắt giá, hiện đại nhất thế giới. Để dễ dàng hình dung, máy bay do hãng Northrop Grumman phát triển còn đắt hơn cả F35, tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ, với giá mỗi chiếc rơi vào khoảng 90 triệu USD.
Theo Ulrike Frank, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu, Global Hawk nằm trong số máy bay không người lái lớn nhất đang được sử dụng trên thế giới. Sải cánh của RQ-4A Global Hawk là hơn 39 m, còn lớn hơn cả ba phiên bản của dòng máy bay thương mại Boeing 737 là 35,8 m. Nó hoạt động ở độ cao lớn (high-altitude), với mức trần gần 19.000 m. Franke đánh giá máy bay này không phải bất khả chiến bại, tuy nhiên nó vẫn “rất khó bị bắn hạ”.
So sánh giữa máy bay không người lái Global Hawk do Mỹ phát triển và máy bay do thám không người lái Black Hornet của không quân Anh. Đồ họa: Ulrike Frank/Twitter. |
Trang phân tích quân sự C4ISRNet cho biết, trước vụ việc ngày 20/6 tại eo biển Hormuz, mới có bốn chiếc Global Hawk rơi kể từ khi đưa vào hoạt động từ năm 2001.
Vụ việc có thể xem là lần đầu tiên loại máy bay không người lái của Mỹ bị tiêu diệt thành công bởi một lực lượng thù địch. Bản chất hành động cố ý tấn công, trong trường hợp máy bay thật sự nằm ngoài không phận Iran, cùng mức đắt đỏ của chiếc RQ-4A Global Hawk cũng khiến vụ việc được xem là chưa từng có tiền lệ.
Quan chức Mỹ bối rối
Việc Iran có đủ năng lực xác định mục tiêu và tiêu diệt một máy bay không người lái hoạt động ở độ cao lớn, được phát triển để né tránh chính loại tên lửa đất đối không được sử dụng rạng sáng 20/6, đã khiến nhiều quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cảm thấy bất ngờ, theo New York Times.
Giới chức Mỹ xem diễn biến này chứng tỏ Tehran đủ sức gây khó khăn cho Washington trong bối cảnh Lầu Năm Góc vừa tuyên bố tăng viện quân nhân và khí tài giám sát đến khu vực.
Những phản ứng mâu thuẫn của giới chức Mỹ ngay sau vụ việc phần nào cho thấy bầu không khí bối rối trong nội bộ Washington. Nhiều quan chức cấp cao giấu tên ban đầu tiết lộ máy bay bị bắn hạ là chiếc MQ-4C Triton, một trong những thiết bị bay không người lái mới nhất của Mỹ.
Thông tin này lập tức gây xôn xao trong giới phân tích hàng không. Những chiếc MQ-4C đầu tiên đáng lẽ phải đến mùa hè này mới được triển khai và sẽ đến căn cứ tại Guam ở tận Thái Bình Dương chứ không phải vùng Vịnh, theo Gizmodo. CENTCOM cuối cùng cũng xác nhận máy bay bị bắn hạ là chiếc RQ-4A Global Hawk.
Cách Mỹ phản ứng về thông tin máy bay bị bắn hạ ngoài hay trong không phận Iran cũng thiếu nhất quán. Trong khi phát ngôn chính thức của Mỹ khẳng định máy bay bị bắn cách bờ biển Iran gần 33 km, Tư lệnh không quân CENTCOM Joseph Guastella lại lên án vụ việc có thể đe dọa “dân thường vô tội”, đồng nghĩa vụ việc có thể nằm gần khu vực có dân cư sinh sống.
Cuối ngày 20/6, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố thêm hình ảnh để quy kết Tehran là phía có hành động hung hăng. Tuy nhiên, cơ quan này lại chú thích lộ trình bay của chiếc RQ-4A thành địa điểm máy bay bị bắn hạ. Hình ảnh máy bay phát nổ được đăng tải không kèm theo mô tả cụ thể vụ việc khiến giới chuyên gia bối rối, theo New York Times.
Iran bắn thêm thiết bị không người lái nhưng hụt
Đây có thể không phải là lần duy nhất các lực lượng thân Iran nhắm đến mục tiêu là máy bay không người lái của Mỹ. Fox Newstiết lộ sau khi bắn hạ chiếc Global Hawk vào rạng sáng 20/6, lực lượng IRGC còn tìm cách bắn hạ thêm một thiết bị bay không người lái khác nhưng hụt mục tiêu.
Trước đó gần đúng một tuần, khi tàu dầu MV Altair bị tấn công trên vịnh Oman, một chiếc MQ9 Reaper của Mỹ đến ứng cứu đã bị các phần tử chủ mưu vụ việc nhắm bắn nhưng thất bại. Mỹ cáo buộc các phần tử này là thành viên của IRGC, trong khi Iran bác bỏ mối liên hệ với vụ việc.
Iran dần cho thấy rõ mô-típ hành động của mình là gửi thông điệp cảnh cáo Mỹ bằng cách nhắm vào các máy bay không người lái. Mẫu máy bay RQ-4A Global Hawk, tương tự như nhiều máy bay không người lái mà Mỹ sử dụng, mang tính biểu tượng cho những cuộc chiến dai dẳng của Washington tại Trung Đông trong thế kỷ 21, theo C4IRSNet.
Với tầm cao hoạt động tối đa gần 19.000 m, máy bay do thám không người lái độ cao lớn của Mỹ được bảo vệ phần nào khỏi các mối đe dọa trong vùng trời không có lực lượng phòng không thù địch. Điển hình tại chiến trường Afghanistan hoặc Iraq, pháo phòng không và thiết bị phòng không vác vai (MANPADS) với tầm bắn thấp vốn không phải là đối thủ xứng tầm, theo chuyên gia công nghệ tình báo quân sự Mauro Gilli, làm việc tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich).
Vụ việc ngày 20/6 cho thấy các hệ thống phòng không trong biên chế IRGC đủ khả năng đe dọa máy bay Mỹ. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, từ những năm 1960, các hệ thống tên lửa phòng không đã đủ sức bắn hạ máy bay do thám ở độ cao hơn 19.000 m. Chiếc RQ-4A bị Iran bắn hạ hôm 20/6 bằng hệ thống phòng không Ra’ad, một phiên bản được thiết kế đặc biệt để đối phó không quân Mỹ, với tầm bắn gần 50 km và độ cao mục tiêu lên đến 27.000 m.
Việc IRGC sử dụng bệ phóng Ra’ad có khả năng di chuyển cơ động gửi đến CENTCOM thông điệp cảnh cáo: Iran có khả năng truy đuổi và nhắm bắn mục tiêu trên không.
Điều này buộc máy bay Mỹ phải thay đổi lộ trình nhiệm vụ thường xuyên hơn vì phải đối diện mối đe dọa biến đổi liên tục, theo Jacquelyn Schneider, chuyên gia về vũ khí không người lái tại ĐH Hải Chiến Mỹ.
Với lộ trình bay dễ đoán và thiếu các phương án chống phòng không, máy bay không người lái dễ dàng trở thành mục tiêu tiềm năng cho các lực lượng Iran. Đây là cách để chính quyền Tehran gửi thông điệp cảnh cáo rõ ràng nhất cho Washington và đủ táo bạo để khiến giới chức nước này phải bất ngờ.