Trong bản tin về hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra, KCNA viết: “Ông Kim Jong-un mời Tổng thống Trump đến Bình Nhưỡng vào thời điểm thuận tiện, và ông Trump cũng mời nhà lãnh đạo Kim sang Mỹ. Hai nhà lãnh đạo hàng đầu rất vui lòng chấp nhận lời mời của nhau”.
Ngoài ra, KCNA còn cho biết khi hội đàm, nhà lãnh đạo Kim đã khẳng định Bình Nhưỡng cùng Washington nên ngưng tiến hành “những hành động quân sự gây khó chịu, thù địch nhắm vào nhau”. Tổng thống Trump bảo rằng ông “đã hiểu” và hứa dừng tập trận chung với Hàn Quốc trong lúc các cuộc đàm phán với Triều Tiên được tiếp tục.
“Hai ông Kim Jong-un và Trump đều công nhận cần phải tuân thủ nguyên tắc thực hiện từng bước và đồng thời trong việc đạt được hòa bình, ổn định cũng như phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, theo KCNA.
Nhà lãnh đạo Kim còn nói rằng nếu phía Washington có “những biện pháp xây dựng lòng tin thực chất”, thì Bình Nhưỡng sẽ đáp lễ tương xứng.
KCNA cũng cho biết hai nhà lãnh đạo cùng nhau tản bộ sau bữa ăn trưa, “làm sâu sắc thiện cảm với nhau” và có một buổi chụp ảnh chung đầy ý nghĩa để kỷ niệm việc ký kết thỏa thuận đạt được sau khi làm việc cùng nhau.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim ngày 12.6 đã ký tuyên bố chung Mỹ-Triều, cam kết sẽ cùng làm việc để hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, đổi lại Washington cam kết đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng.
Trong họp báo sau đó, Tổng thống Trump còn cho biết Mỹ sẽ dừng các cuộc tập trận “khiêu khích và tốn kém” với Hàn Quốc. Tuyên bố này gây bất chờ cho giới chức Washington, Seoul lẫn Tokyo.
Phía Trung Quốc đưa ra phản ứng khá tốt với thượng đỉnh Mỹ-Triều và kết quả mà cuộc gặp đạt được. Thậm chí, Bộ Ngoại giao nước này còn tuyên bố có thể xem xét dỡ bỏ cấm vận với Bình Nhưỡng.
Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in gọi cuộc gặp Kim-Trump là “sự kiện lịch sử” giúp chấm dứt di sản chiến tranh lạnh cuối cùng trên thế giới, đồng thời cam kết: “Chính quyền của tôi sẽ nỗ lực hết sức trong hợp tác với Mỹ và Triều Tiên, cũng như cộng đồng quốc tế, để đảm bảo thỏa thuận (đạt được giữa hai lãnh đạo Kim-Trump ngày 12.6) được thực thi đầy đủ”.
Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe cũng hoan nghênh tuyên bố chung Mỹ-Triều, xem đây là bước đầu tiên trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Lãnh đạo chính quyền Tokyo cũng gửi lời cảm ơn đến Tổng thống Trump, do ông đã đề cập chuyện công dân Nhật bị bắt cóc khi hội đàm với phía Bình Nhưỡng. Thủ tướng Abe nhấn mạnh sắp tới Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên để giải quyết vấn đề này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 12.6 đánh giá kết quả của thượng đỉnh Mỹ-Triều là một bước tiến quan trọng, mặc dù các chi tiết cụ thể của thỏa thuận chưa được làm rõ. Ông cũng khẳng định Moscow sẵn sàng hỗ trợ để các bên thực hiện thỏa thuận, nhằm tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn và sau đó là mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế một cách bình thường.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã lên tiếng. Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano cho biết: “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về chuyện thực hiện kết quả của thỏa thuận đạt được hôm 12.6. Tổ chức này cũng sẵn sàng tiến hành bất kỳ hoạt động kiểm chứng phi hạt nhân hóa nào tại Triều Tiên, theo yêu cầu của các nước liên quan”.
Cẩm Bình (theo Reuters)