“Chuyện lấy chồng ồ ạt xưa lắm rồi. Con gái bây giờ không còn nhắm mắt đưa chân như trước”, một quan chức khẳng định. Sau nhiều rủi ro nơi xứ người, gái cù lao bây giờ cân nhắc dữ lắm. Con rể cũng phải nhập gia tùy tục.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Lấy chồng Tây” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”] Tân Lộc (TP Cần Thơ) được mệnh danh là “cù lao Đài Loan” rồi “cù lao Hàn Quốc” từ những năm đầu thế kỷ. Làn sóng lấy chồng ngoại lan nhanh ồ ạt, thậm chí thành một trào lưu với nhiều hệ lụy. Có thời điểm cứ 3 nhà xứ cù lao thì có một nhà gả con cho chồng ngoại.
Những câu chuyện bất hạnh của cô dâu nơi xứ người khiến việc lấy chồng ngoại bị lên án kịch liệt. Tuy nhiên, nhu cầu là chính đáng. Con gái cù lao vẫn đều đặn xuất ngoại bằng những con đường ít rủi ro hơn.
Nghèo đói lùi xa
Những năm 1980, cù lao Tân Lộc rất giàu có với gần 300 lò nấu đường, 150 lò nấu rượu mật, và bạt ngàn rẫy mía. Khi các chủ lò nấu đường bị phá sản do những nhà máy đường với công nghệ hiện đại ra đời và chiếm lĩnh thị trường, rất nhiều người ở đây rơi vào cảnh nợ nần.
Một người trong số đó đã phục hồi kinh tế khi gả con gái cho người Đài Loan. Rồi “tiếng lành đồn xa”, lấy chồng Đài Loan trở thành “cứu cánh” cho những gia đình bị phá sản cũng như nhiều người muốn trở nên giàu có, đổi đời.
“Phong trào” lấy chồng Đài Loan phát triển càng mạnh khi các cô dâu Đài Loan trở về thăm quê: Sang trọng, giàu có. Các cô gái Tân Lộc ấp ủ chuyện lấy chồng nước ngoài nhiều đến nỗi con trai nơi này nếu không có kinh tế khá giả thì rất khó lấy được vợ.
Mỗi lần cò hôn nhân về quê, gái cù lao mấy chục người lên xe, đưa lên thành phố để người ta xem mắt tuyển lựa. Cô nào trượt đám này thì tìm cơ hội ở đám khác.
Dạy rể ngoại… hát vọng cổ
Gặp ông Năm Hơn ở căn nhà bề thế giữa cù lao Tân Lộc. Ở xứ này, ông nổi tiếng khá giả. Trước em vợ ông xuất ngoại lấy chồng rồi lần lượt tìm mối cho hai con gái ông sang xứ Đài. Vợ chồng con cái hạnh phúc, làm ăn khá giả. Mỗi năm gửi cho cha mẹ vài trăm triệu. Ông bà tỉnh dưỡng tuổi già. Nhớ con cháu thì bay sang Đài Loan vài tháng.
“Năm nào vợ chồng tụi nó cũng về ăn Tết”-ông nói. Mỗi lần con cháu về, nhà cửa vui hẳn. Rể ai ông không biết, chứ rể ông ngày Tết cũng biết dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ. Cũng đi chợ mua hoa về chưng. Không khác gì rể xứ mình.
“Về riết rồi quen hà. Cũng phải dạy chúng nó văn hóa mình chứ” – ông Năm Hơn hồ hởi. Hồi đầu khác biệt ngôn ngữ cũng hơi khó. Nhưng dần dà rồi quen. Rể quý ông quá học tiếng Việt nói chuyện. Hồi đầu chưa quen thì cứ “chía chía, góa góa”, nay trơn tru rồi, “tía tía, má má” nghe không mắc cười nữa.
“Chuyến sau về, tui quyết dạy tụi nó ca vọng cổ. Rể cù lao mà không biết ca vọng cổ là không được à nghen” – ông Năm rổn rảng.
Nhiều cuộc chuyện trò, thấy cù lao yên bình đến lạ. Như chưa hề có cơn lốc “da trơn” hoặc “chồng ngoại” từng khiến cuộc sống dân tình đảo lộn. Cái chất rổn rảng lại ngấm vào từng con người, nguyên vẹn qua nhiều biến cố thăng trầm. Có lẽ vì vậy mà Tân Lộc luôn sống động, luôn có sức hút lạ kỳ.
Trường Tiến