Lễ Halloween ngoài được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm với đồ hóa trang ma quỷ và đèn quả bí và còn có nhiều điều kỳ lạ mà không nhiều người biết.
Trang phục Halloween đầu tiên làm bằng da thú
Theo một số tài liệu từ thời La Mã, các bộ lạc sống ở vùng lãnh thổ nay là Đức và Pháp từng mặc những bộ trang phụ bằng da thú với niềm tin chúng sẽ giúp họ liên kết với linh hồn người chết. Truyền thống này còn kéo dài đến ngày nay trong lễ Samhain, nghi lễ được cho là khởi nguồn của lễ Halloween.
Trong lễ Samhain, người ta hóa trang thành các linh hồn bằng cách bôi đen mặt, người dẫn đầu cuộc tuần hành lễ Samhain khoác tấm vải trắng và cầm theo đầu ngựa làm bằng gỗ, hoặc xương sọ ngựa được trang trí.
Đèn quả bí “jack-o’-lantern” đôi khi không làm từ bí
Đèn quả bí “jack-o’-lantern” xuất phát từ truyền thuyết cổ của người Ireland về người đàn ông tên là Stingy Jack, người đánh lừa quỷ đến 2 lần và buộc quỷ phải hứa rằng không chiếm linh hồn ông sau khi ông này chết. Song Jack không được lên thiên đàng và linh hồn ông này lang thang trên mặt đất.
Người Ireland cho rằng cách để Jack và những linh hồn lang thang khác tránh xa họ vào ban đêm là khắc những gương mặt đáng sợ lên củ cải, củ cải đường hay khoai. Đến năm 1866, người Mỹ mới chính thức sử dụng bí ngô để làm đèn quả bí “jack-o’-lantern”.
Lúc đầu bạn phải nhảy múa để được thiết đãi
Nhiều chuyên gia nhận định rằng phong tục “cho kẹo hay bị ghẹo” (trick-or-treat) xuất phát từ nghi lễ nhảy múa ngày giáng sinh, khi những người tham gia mặc đồ hóa trang tới gõ cửa từng nhà và múa hát để được thiết đãi. Khi tới Mỹ, truyền thống này được thay đổi đề phù hợp.
Ở một số phiên bản đầu tiên của “cho kẹo hay bị ghẹo”, những người đàn ông đi từ nhà này sang nhà khác để xin tiền lẻ, theo sau là những bé trai. Truyền thống này được cho là ngừng vào những năm 1930, nhưng sau đó lại được khôi phục vào cuối thế kỷ 20 để tránh việc trẻ em bày ra những trò nghịch ngợm nguy hiểm khác vào ngày Halloween.
Lễ Halloween từng là dịp để tìm kiếm người trong mộng
Ở một số nơi tại Ireland, trong lễ Halloween người ta từng tổ chức những trò chơi lãng mạn như bói toán – trò chơi mà các cô gái sẽ đoán những thông tin về người chồng tương lai của mình.
Những trò chơi này cấm những người đã lập gia đình tham gia, điều này khiến lễ Halloween trở thành dịp tìm kiếm người trong mộng, tương tự lễ Valentine.
Tại Mỹ, nhiều người trẻ tuổi và đặc biệt là các cô gái vẫn tiếp tục truyền thống của người Ireland và những trò chơi lãng mạn truyền thống vẫn được tiếp tục tổ chức vào ngày Halloween, theo ‘Bách khoa toàn thư Oxford về thức ăn và đồ uống tại Mỹ’.
Halloween còn được gọi là “Đêm bắp cải”
Tại một số thành phố ở Mỹ, Halloween còn được gọi là “Đêm bắp cải”, điều này xuất phát từ trò chơi bói toán, các cô gái sử dụng gốc cây bắp cải để đoán những thông tin về người chồng tương lai của mình.
Tuy nhiên, sau này ở Framingham hay Massachusetts, thanh thiếu niên không chơi trò bói toán mà đi xung quanh và ném bắp cải vào nhà hàng xóm vào ngày Halloween.
Cuối thế kỷ 19, tại các vùng nông thôn Mỹ, các cậu thiếu niên cũng đi ném bắp cải, ngô và các loại rau củ bị hỏng vào ngày Halloween, theo cuốn sách “Kẹo: Một thế kỷ hoảng loạn và vui tươi”.
Nhiều nơi không cho nhận nuôi mèo đen gần ngày Halloween
Trên thực tế, chưa có bằng chứng rõ ràng về chuyện mèo đen có bị hiến tế xung quanh ngày Halloween hay không, nhưng nhiều trung tâm cứu hộ động vật ở Mỹ từ chối cho phép nhận nuôi mèo đen vào ngày lễ này.
Lynda Garibaldi, giám đốc trung tâm The Cats’ Cradle tại Morganton, North Carolina cho biết trung tâm này “không chấp nhận việc nhận nuôi mèo đen trong tháng 10… bởi lý do mê tín và lo ngại những người nhận nuôi có thể làm hại chúng”.
Tuy nhiên, phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Phát triển Trung tâm cứu hộ tại ASPCA cho rằng nhiều năm trước các trung tâm cứu hộ động vật không cho phép nhận nuôi mèo dịp Halloween vì sợ điều gì không tốt xảy ra với chúng, nhưng giờ chúng ta ít nghe thấy điều này. Và nhiều trung tâm còn đưa ra chương trình khuyến khích nuôi mèo đen vào dịp này.