Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Little Saigon sẽ được tổ chức tại thương xá Phước Lộc Thọ vào ngày thứ Bảy 15-6-2013. Nhân dịp này, phóng viên Viễn Đông đã phỏng vấn một số đồng hương có mặt lâu năm nhất tại Nam California để tìm hiểu về danh xưng “Little Saigon,” nơi có đến trên nửa triệu đồng hương đang làm ăn sinh sống. Little Saigon được coi là thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại.
Trong số những người biết rõ nhất về nguồn gốc và sự ra đời của Little Saigon có nhà báo Du Miên, ông Khanh Nguyễn, ông Phùng Minh Tiến, ông Ba, chủ nhân nhà hàng Thành Mỹ, bà Tuyết, chủ nhân nhà sách Tú Quỳnh và nhiều người khác nữa. Theo những người được phỏng vấn, tất cả đều công nhận người có công khai sinh ra tên “Little Saigon” chính là nhà báo Du Miên.
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”little saigon nam cali” resultsPerPage=”10″ orderBy=”relevance”] Giai đoạn trước khi có tên Little Saigon
Từ tháng 5/1975, có độ vài ngàn người Việt tỵ nạn đến trại Pendlenton (Căn cứ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trên đường đi San Diego) và được cư dân địa phương giàu lòng nhân ái giúp định cư rải rác trong các thành phố Santa Ana, Garden Grove, Westminster, Costa Mesa và các vùng phụ cận. Từ năm 1977 đến năm 1979 có gần 100 cơ sở thương mại của người Việt xuất hiện trên đường Bolsa (Westminster), đường First thuộc thành phố Santa Ana, đường Westminster, Garden Grove. Vùng này được gọi là “Khu Việt Nam”, trong đó có một chợ nhỏ, chùa Trúc Lâm Yên Tử và các cơ sở thương mại như nhà sách Tú Quỳnh, nhà hàng Thành Mỹ, văn phòng bảo hiểm Farmers của anh Phước, văn phòng khai thuế của anh Lưu Hồng Sơn, đoàn quán Hướng Đạo Bạch Đằng và tòa soạn báo Saigon của anh Du Miên. Kế đến là Danh Pharmacy, chợ Hòa Bình, chợ Ái Hoa và một số cơ sở thương mại khác xuất hiện làm cho khu vực này trở nên khởi sắc và lôi kéo người Việt khắp nơi về định cư đông đúc như hiện nay.
Đặt tên Little Saigon
Năm 1980, ký giả Du Miên và một số thân hữu trong đó có ông Khanh Nguyễn, (hiện là Chủ tịch Little Saigon Foundation), khởi xướng cuộc vận động thành lập khu phố Việt Nam tại Quận Cam. Sau khi bỏ thì giờ đi đến tất cả các cơ sở thương mại, tôn giáo trong vùng, ký giả Du Miên vẽ tấm bản đồ ghi rõ địa chỉ từng cơ sở thương mại do người Việt làm chủ và đặt tên là “Phố Saigon” trên đất Mỹ, để nhớ về một thủ đô Saigon của Việt Nam Cộng Hòa đã không còn nữa. Tấm bản đồ này đã được đăng nhiều lần trên tuần báo Saigon suốt năm 1980.
Đầu năm 1981, tờ Orange County Register cũng dành nhiều trang đăng các sinh hoạt mừng Tết Nguyên Đán của người Việt do nữ ký giả Rosa Kwong viết trong số báo ra ngày 1 tháng 2, 1981 cũng như đăng tấm bản đồ và dịch chữ Phố Saigon của ký giả Du Miên thành chữ “Little bit of Saigon.” Một số đài truyền hình Hoa Kỳ cũng tường thuật sinh hoạt vui nhộn như múa Lân, đốt pháo của người Việt mừng Xuân, và danh xưng “Little Saigon” bắt đầu xuất hiện từ đây.
Thời tiết thuận lợi của miền Nam California đã khiến nhiều người Việt ở các tiểu bang lạnh tìm về đây, nâng số người Việt định cư lên rất cao, lên đến trên một trăm ngàn vào năm 1984. Các hàng quán, chợ búa nở rộ trên đường Bolsa và một số đường chung quanh.
Vận động công nhận khu vực Phố Bolsa là Little Saigon
Năm 1987, thương xá Phước Lộc Thọ khai trương, hai nhóm thương gia Việt Nam và Trung Hoa tranh chấp về danh xưng. Phía thương gia gốc Hoa muốn biến khu vực hai bên đại lộ Bolsa thành “Asian Town” hay “China Town” và họ ráo riết vận động với Hội Đồng Thành Phố Westminster để đạt được ước muốn của họ. Biết được điều này, ông Phùng Minh Tiến đã cùng một số thương gia Việt Nam thành lập “Ủy Ban Thương Mại Việt Nam” và sau đó cùng ký giả Du Miên và ông Khanh Nguyễn cùng một số nhân sĩ trong cộng đồng thành lập “Ủy Ban Phát Triển Little Saigon.” Ủy Ban đã nhanh chóng liên lạc với Hội Đồng Thành Phố Westminster và văn phòng Dân biểu Richard Longshore qua sự giúp đỡ tích cực của ông Trần Thái Văn, phụ tá dân biểu. Dân biểu Longshore đã vận động Ủy Ban Giao Thông của Quốc Hội California, với Thống Đốc George Deukmejian và với Bộ Công Chánh California để công nhận Little Saigon.
Danh Xưng Little Saigon được chính thức công nhận
Ngày 9.2.1988, qua sự vận động ráo riết của Ủy Ban Phát Triển Little Saigon, dân Biểu Longshore, và nghị viên Frank Fry, Hội Đồng Thành Phố Westminster đã biểu quyết với đa số tuyệt đối thông qua Quyết Nghị số 58, công nhận khu phố của người Việt trên đại lộ Bolsa là “Little Saigon,” và thành phố cũng thành lập ủy ban với tên là “Little Saigon Community Development Advisory Committee” để giúp đẩy mạnh việc phát triển khu này thành một khu thương mại và du lịch sầm uất.
Ngày 27.3.1988, 18 dân biểu tiểu bang California viết thư gửi Giám Đốc Điều Hành Cơ Quan Caltrans khu vực 72 lên tiếng ủng hộ việc đặt các bảng chỉ dẫn trên xa lộ vào khu vực thương mại của người Việt là “ Little Saigon.”
Ngày 17.6.1988 Thống Đốc Cali, ông George Deukmejian đã đến cắt băng khánh thành các bảng chỉ dẫn “Little Saigon Next Exit” được Bộ Công Chánh Cali (Caltrans) dựng ở các xa lộ 405 và 22 dẫn vào các đường Brookhurst, Magnolia. Rất tiếc, 9 ngày trước khi cắt băng khánh thành, người có công vận động mạnh nhất là dân biểu Richard Longshore đã đột ngộ từ trần vào ngày 8 tháng 6 năm 1988.
Từ ngày danh xưng Little Saigon được chính thức công nhận đến nay, khu vực này đã trở nên biểu tượng của tinh thần Quốc Gia chống Cộng mãnh liệt và kiên trì của người Việt tỵ nạn, trong đó có những cuộc xuống đường liên tục 58 ngày đêm của mấy chục ngàn người chống Trần Trường trưng hình Hồ Chí Minh và cờ máu cộng sản, những cuộc xuống đường đả đảo Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Việt Nam khi sang Nam California, cũng như những cuộc xuống đường đấu tranh, thắp nến cầu nguyện cho Thái Hà, Hà Nội, cho các tù nhân lương tâm, các nhà đấu tranh dân chủ, các người dân bị cướp đất, cướp nhà đang bị đàn áp, tù đày, và sẽ có những cuộc xuống đường chống Tàu Cộng xâm lược qua việc Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đến hội kiến với Tổng Thống Barak Obama vào hai ngày 7 & 8/6/2013.
Little Saigon cũng là nơi có nhiều Trung Tâm Việt Ngữ nhất, nhiều chùa chiền xây cất vĩ đại nhất như chùa Bảo Quang, Hoa Nghiêm, Huệ Quang và hiện có hai ngôi chùa to lớn khác đang được xây dựng là chùa Bát Nhã ở Santa Ana và chùa Điều Ngự ở Westminster; một Trung Tâm Công Giáo với ngôi đền Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nguy nga đồ sộ tại Santa Ana và một Thánh Thất Cao Đài được xây cất tại Garden Grove như tại Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, một cuộc diễn hành với nhiều hội đoàn, đoàn thể, nhiều xe hoa diễn ra trên đại lộ Bolsa, một Hội Chợ Tết hàng năm thu hút hàng chục ngàn người tham dự ở công viên Garden Grove. Những buổi sinh hoạt văn nghệ, ra mắt sách, và đặc biệt Little Saigon có hàng chục đài truyền hình VN, Radio Việt Nam, ba tờ nhật báo Việt ngữ và hàng trăm tuần báo, nguyệt san, đặc san. Nhiều ngôi chợ khang trang rộng lớn với thức ăn Việt, hoa quả, rau trái lúc nào cũng đầy đủ để phục vụ nhu cầu hiện nay của khoảng nửa triệu người Việt tại quận Cam và vùng phụ cận.
Sau gần 40 năm xa quê hương, người Việt đã đạt nhiều thành quả lớn lao làm ngạc nhiên cư dân bản xứ và các sắc dân khác khi Cộng Đồng Việt Nam có người làm Dân Biểu như ông Trần Thái Văn, có người làm Phó Thị Trưởng như ông Michael Võ, Dina Nguyễn, Andy Quách, làm Giám Sát Viên như cô Janet Nguyễn; có người làm Nghị Viên như các ông Tony Lâm Quang, Diệp Miên Trường, Chris Phan và thật hãnh diện khi chúng ta có một Thị Trưởng gốc Việt đầu tiên tại thành phố Westminster, ông Tạ Đức Trí, một người trẻ, rất xứng đáng, không những được cộng đồng Việt Nam mà cả dân bản xứ và các sắc dân khác tín nhiệm.
Vận động để cho vùng đất sinh hoạt của chúng ta được công nhận danh xưng là “Little Saigon” không phải chuyện đơn giản nhưng nhờ sự cố gắng và hy sinh của một số người, Little Saigon đã góp mặt trên bản đồ nước Mỹ. Tuy thủ đô Sài Gòn thân yêu của chúng ta tạm bị Việt cộng thay tên, nhưng ở hải ngoại, tên Sài Gòn vẫn tồn tại và Little Saigon luôn ngập cờ vàng ba sọc đỏ tung bay phấp phới.
Bài và hình: Thanh Phong/Viễn Đông