Nhiều người lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc đang bị mắc kẹt trong hệ thống môi giới, và họ không khác gì nô lệ.
Đó là nhận định của Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô Dâu Việt Ở Đài Loan, đưa ra trong cuộc phỏng vấn được báo mạng The News Lens của Đài Loan đăng tải hôm Thứ Tư 27/12. Linh mục Hùng cho biết, khi người lao động sang Đài Loan làm việc, họ đã phải trả rất nhiều tiền cho các công ty môi giới. Để thanh toán những khoản lệ phí khổng lồ, nhiều người phải đi mượn tiền, cầm cố nhà hoặc đất, đôi khi mượn hoặc cầm cố đất của người thân. Do mắc nợ lớn, người lao động Việt Nam sang tới Đài Loan thật sự không có tự do, mà họ bị các công ty môi giới và chủ nhân kiểm soát.
Linh mục Hùng cho rằng, người lao động Việt trong tình trạng hiện nay phù hợp với định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về nô lệ. Ông nói, sự bóc lột sức lao động diễn ra khi người ta bị trói buộc, không thể thoát ra ngoài.
Linh mục Hùng nêu một ví dụ. Theo điều 52 Đạo Luật Dịch Vụ Tuyển Dụng của Đài Loan, người lao động nhập cư không phải rời khỏi đảo quốc sau 3 năm để gia hạn hợp đồng. Nhưng trên thực tế, rất ít người lao động Việt Nam có thể gia hạn hợp đồng làm việc với chủ nhân. Lý do là các công ty môi giới đã toa rập với các chủ nhân, để buộc công nhân phải trả thêm một đợt lệ phí môi giới nữa.
Linh mục Hùng cho biết, hầu hết người lao động Việt Nam đến văn phòng ông xin giúp đỡ đều cho biết, ở Việt Nam người ta nói với họ rằng sang Đài Loan, họ sẽ được trả lương cao, và có cơ hội làm thêm 3 đến 5 giờ mỗi ngày. Nhưng sang tới Đài Loan, họ muốn bỏ về vì không được làm thêm giờ phụ trội, và cũng không thực sự được trả lương cao. Vấn đề càng tệ hại hơn, khi nhiều người không có tay nghề và cũng không biết ngôn ngữ bản xứ.
Huy Lam / SBTN