Little Saigon: ‘Share phòng’ và những rắc rối với hàng xóm

WESTMINSTER, California (NV) “Share phòng” là một hiện tượng khá phổ biến ở Mỹ. Thế nhưng, có những “nỗi niềm” quanh chuyện “share phòng” mà ít ai biết đến, như tác động của việc này đến lối xóm. Ảnh hưởng này đã gây ra những tác hại cho chủ nhà và người thuê.

Một cư dân thuộc Westminster, bà Noreen, không muốn cho biết tên họ, than phiền: “Họ sai luật là cái chắc. Ra thành phố coi lô đất ở địa chỉ đó thì thấy ngay – nhà có bốn phòng mà họ nhét cả tá người vô đó như vậy thì rõ ràng là sai rồi. Rồi đậu xe lung tung.”

“Nhà gì mà nhiều người cứ vô bằng cửa hông vậy?”


Ðậu xe trên cỏ nhường chỗ người khác cũng làm hàng xóm khó chịu. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)

Ông Tommy Lâm, 58 tuổi, “share phòng” tại Westminster, nói: “Tôi làm ở Irvine, không có thời gian giao du với lối xóm. Thì ra vô chào hỏi lịch sự thôi.”

“Hai vợ chồng ở ngay sát bên nhà là da trắng. Họ rất khó chịu. Tôi chào bao nhiêu lần mà họ cứ trừng trừng nhìn tôi, không hề chào lại,” ông nói tiếp.

Ông Lâm, hai người “share phòng” và hai vợ chồng chủ đều rất thầm lặng, không ồn ào bao giờ.

“Tôi có hỏi chủ nhà thì anh ấy chỉ lắc đầu không hiểu vì anh cũng bị như tôi,” ông Lâm nói tiếp. “Sáu tháng trước. Tôi mua cặp rượu qua biếu thì họ nằng nặc không nhận vì không biết uống. Sau đó, nhiều lần tôi thấy vỏ rượu trong thùng rác của họ.”

Cũng ở cùng thành phố, bà Linda Ðoàn, 49 tuổi, là người có năm phòng cho share.

Bà phân trần: “Tôi chọn người kỹ lắm, toàn người đàng hoàng mà không hiểu sao bà hàng xóm bên kia đường cứ gườm gườm mọi người.”

“Trước đây bà vui vẻ lắm. Bà thích chả giò, tôi mang qua hoài. Sau này tôi không thèm cho nữa vì lần chót mang qua, bà nói là bà ăn bị đau bụng,” bà Linda nói.

Ông Michael Hoành là người “share phòng” ở Westminster lâu đời, chia sẻ: “Tôi ‘share phòng’ cả thảy là 11 năm rồi mà chưa thấy hàng xóm nào khó chịu như bà này.”

“Mình đậu xe ngoài đường chứ đâu mắc mớ gì tới bà, vậy mà vài bữa là bà qua đập cửa kêu tôi dời xe. Tôi cứ ‘okay, okay’ cho qua chuyện chứ sức mấy mà dời,” ông Michael nói. “Mấy bữa cần chỗ để thùng rác thì tôi đã lịch sự tránh rồi.”

Ông Michael nói thêm: “Tôi hiểu hai vợ chồng này về hưu, suốt ngày trồng bông ở sân trước nên họ hãnh diện về cái vườn. Nhưng tôi chỉ đậu buổi tối thôi.”

Ông kể thêm là có khi họ rêu rao khắp xóm là nhà này bán cần sa, nhiều người tới đòi mua, toàn con nít.

“Chưa hết đâu, có mấy lần có tụi Mỹ gọi điện thoại hỏi chủ nhà có phải chứa gái không,” ông phân trần. “Riết rồi phải cắt đường dây điện thoại luôn.”

Ông cho rằng ông bị hàng xóm phá vì “bà vợ chỉ mặt tôi hăm sẽ kêu cảnh sát bắt tôi vì bán cần sa.”

“Thuốc lá tôi còn không đụng tới, “rấc, riếc” gì đâu,” ông Michael Hoành khẳng định. “Tháng rồi hai ông bà này có thằng con tới thăm. Mỗi đêm nó lái mô tô ngang nhà là nó ‘nẹt bô’ om sòm làm mấy cái xe trên sân kêu alarm rầm rầm làm cho em bé bốn tháng trong nhà khóc inh ỏi, mọi người phải thức giấc.”

Bà Noreen, cũng là hàng xóm của ông Michael, than phiền: “Ðây là khu nhà ở chứ đâu phải quán trọ đâu. Ðồng ý là họ không trái luật. Nhưng làm vậy không đẹp.”


Ba xe nhét vào sân dành cho hai xe cũng làm hàng xóm ngứa mắt. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)

Một vấn đề nữa là người “share phòng” gặp chuyện bực mình, chủ nhà thì hao hụt tài chánh vì hàng xóm.

Bà Linda Ðoàn từng bị nhân viên kiểm tra phát giác là bà sửa garage thành hai phòng và ba phòng trên nhà không giấy phép. Tổng số tiền bà phải tốn lên trên $22,000.

Ông René Ramirez, trưởng phòng kiểm tra an toàn nhà ở của Wesminster, cho biết: “Tôi phải đi kiểm tra chừng 30 vụ than phiền chuyện sửa nhà bất hợp phát mỗi tháng. Chúng tôi kiểm soát tất cả mọi than phiền, không cần biết người gọi và chủ nhà là sắc dân gì.”

Ở Fountain Valley, bà Mỵ Hương Nguyễn cũng gặp trường hợp tương tự.

Bà nói: “Ông già lối xóm này khó chịu vô cùng, có lần về khuya quá, tôi đậu xe trên cỏ thì sáng hôm sau, mới bảy giờ là cảnh sát tới bắt dời xe và đưa giấy phạt hơn $100.”

“Mình sai thì mình chịu. Tôi chỉ ghét là cô ‘share phòng’ bị đâm lủng vỏ xe bốn lần rồi,” bà Linda nói thêm. “Lúc trước nhà này có hồ cá mà cứ mấy tuần là có người tới nói hàng xóm than là có muỗi, phiền quá, tôi cho rút hết nước rồi trùm kín luôn.”

Bà Linda cũng cho rằng, chính ông hàng xóm là người đi “méc.”

“Sao tôi biết là ông này? Vì chỉ có nhà ông mới thấy được hồ bơi của nhà tôi,” bà Linda Ðoàn nói một cách chắc chắn. “Rồi tháng trước, tự nhiên ông ấy qua trách là nấu ăn gì hôi quá. Mà bữa đó cả nhà ăn pizza.”

Bà phàn nàn: “Kỳ thị? Tôi không biết. Khu này Mỹ trắng nhưng mọi người thân với vợ chồng người Nhật dối diện.”

Ông Jim Smith, người hàng xóm da trắng nói về nhà bà Mỵ Hương như sau: “Tôi không cần biết họ thuộc sắc dân gì. Nhưng đậu xe ẩu tả, người dọn vô, người dọn ra hàng tháng làm giá trị nhà cả xóm giảm sút.”

Rồi từ những phiền toái lặt vặt, chuyện trở nên căng thẳng hơn.

“Mới hồi mùa Hè, tất cả mấy người trong nhà phải lần lượt đi ‘nghỉ mát’ vì cảnh sát bắt phải sửa nhà vì làm thêm phòng không xin phép,” bà Mỵ Hương than.

“Gặp tháng hao tài nên tôi mất $30,000. Vừa đập ra sửa lại sáu phòng, vừa đóng phạt,” bà Linda than thở.

Bà Ashlyn Newman, trưởng phòng kiểm tra an toàn nhà ở Fountain Valley, nói: “Ở đây, cho thuê phòng ngắn hạn, như một tháng trở lại là bất hợp pháp nên chúng tôi phải cẩn mật. Hễ có tố giác là chúng tôi kiểm soát ngay.”

“Mọi vi phạm luật nhà cửa ở Fountain Valley đều bị phạt gấp đôi. Nghĩa là nếu ai sai phạm sẽ bị đóng tiền giấy phép và tiền không xin phép từ ban đầu,” bà Newman khẳng định. “Chuyện tố giác xảy ra rất thường. Mỗi tháng chúng tôi có chừng 30 vụ.”

Leave a Reply