Cứ vào độ lập thu, hàng loạt tử tù bị đem ra bãi đất trống này, kẻ bị trảm quyết, người bị bêu đầu… Người xưa kể lại rằng, do chết không toàn thây, chẳng thể siêu sinh, nên những hồn ma ấy, ngày đêm cứ hiện về, quấy phá người dương.
Pháp trường tàn khốc
[youtube_wpress search=”1″][tubepress mode=”tag” tagValue=”Mỹ Tho Tiền Giang + Lộ ma ” resultsPerPage=”5″ orderBy=”relevance” paginationBelow=”false”] Đường Thái Sanh Hạnh, ranh giới hành chính giữa phường 9 và phường 8 thuộc TP.Mỹ Tho, Tiền Giang, từ xưa đến nay đã nổi tiếng với cái tên Lộ Ma. Người miền Tây gọi đường đi là “lộ”, nên Lộ Ma nôm na có nghĩa là con đường đầy rẫy ma quỷ.
Lộ Ma trước kia là đất nền cũ của thành Định Tường (nay là TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), vì dời thành qua vị trí mới nên khu đất này trở nên hoang tàn, trống trải.
Theo đó, năm 1792, chúa Nguyễn cho xây thành Định Tường, còn gọi là thành Trấn Định. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì, thành được xây vuông vức, chu vi 998 tầm, có mở 2 cửa ở bên phải và bên trái, ở các cửa có làm cầu treo bắc ngang.
Sau 2 năm, thành Định Tường mới được hoàn thành. Về sau, Nguyễn Ánh bấy giờ đã thành vua Gia Long còn cho xây hầm chứa kho tàng trong thành, dựng thêm hành cung và các sảnh thự ở ngoài thành.
Tuy tốn không ít công phu như thế, nhưng tuổi đời của thành Định Tường lại khá thấp. Đến khoảng năm 1826, triều Nguyễn lại quyết định dời thành qua vị trí mới, thành cũ bị phá nát. Khu đất nền của thành trì kiên cố ngày xưa bỗng trở nên hoang tàn đổ nát.
Năm 1836, triều Nguyễn cho lập địa bạ, đo đạt khu thành Định Tường cũ được hơn 40 mẫu, đem rao bán. Nhưng không hiểu sao chẳng ai mua, thấy đất cằn không lợi lộc, triều đình mới giao lại cho quan lại sở tại quản lý. Quan tỉnh Định Tường lập bảng cho thuê vì không dám bán đất của triều đình, nhưng cũng không ai tới mướn.
Triều Nguyễn đến hồi thoái trào, dân lầm than nảy sinh đạo tặc, loạn đảng hoành hành, hàng loạt án tử tại tỉnh Định Tường được triều đình phê chuẩn. Thấy bãi đất trống tại khu thành Định Tưởng cũ hầu như không có giá trị, quan lại địa phương mới trưng dụng làm pháp trường xử án tử.
Tương truyền, cứ mỗi độ lập thu là dân trong vùng lại bàng hoàng hoảng sợ, bởi tội phạm tử hình theo quy định sẽ bị đem đi thi hành án vào mùa thu. Trong Bộ Hình ghi rõ: “Nếu kẻ nào phạm tội ác quá nặng thì đem thi hành ngay, không phải đợi đến kỳ xét án. Còn các tội khác đều đợi đến hạn mùa thu mới đem thi hành án”.
Và hằng năm cứ đến tháng giêng, tháng 6 đều phải đình hoãn việc hành hình. Cũng theo Bộ Hình thì: “Ở trong Kinh và ngoài các tỉnh, những tù nặng phải đem xử ngay đều phải giam chặt lại đến đầu tháng 2 và tháng 7 sau ngày lập thu mới được hành hình. Nếu trong tháng 5 giao với tiết tháng 6 và ngày lập thu vào trong tháng 6 cũng đình hoãn việc hành hình”.
Không như thời hiện đại, pháp trường là nơi hoang vắng, chỉ có tù nhân và người thi hành án, triều Nguyễn lúc bấy giờ còn có khi áp dụng phương pháp thi hành án tử công khai. Nghĩa là phạm nhân bị dắt ra pháp trường trống trải, và thường có rất đông dân chúng đến xem.
Cảnh thi hành án tử công khai ở triều Nguyễn – Ảnh: TL
Không chỉ có trảm quyết nghĩa là “chém đầu”, pháp trường chỗ thành Định Tường cũ còn là nơi thi hành án “giảo” (treo cổ), án cưu thủ (chém rồi đem thủ cấp bêu ở chốn đông người).
Ngoài ra, án tử của triều Nguyễn còn có những loại hình thi hành tàn khốc bật nhất trong lịch sử chế độ phong kiến. Như án “lăng trì”, tử tù bị xẻo từng miếng thịt cho đến chết, án “lục thi”, bị băm xác đến nhuyễn ra.
Các cao niên tại Mỹ Tho kể lại, có khi triều đình đem phạm nhân ra trảm quyết tập thể, máu loang đỏ một vùng lớn, nhìn xa còn thấy. Thế nên, khu đất nơi thành Định Tường cũ tử khí nồng nặc, hoang lạnh rùng rợn không khác nào bãi tha ma.
Người dân khi có việc đi qua khu này, toàn chọn bạch nhật mà đi, buổi tối không ai đủ can đảm một mình ngang qua khu pháp trường thảm khốc.
Rùng rợn Lộ Ma
Những câu chuyện về ma cụt đầu, những thủ cấp đầy máu bay lơ lửng giữa khu đất trống, … một thời khiến người dân vô cùng khiếp sợ.
Ông Trần Minh Thuận, 56 tuổi, quê quán tại huyện chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, kể lại: “Thuở xưa, tổ tiên tôi sống gần khu vực thành Định Tường cũ, mà nay gọi là Lộ Ma đó. Ông bà hay kể lại, ma cụt đầu thường ngồi vắt vẻo trên gốc cây gạo, thấy người đi qua là bay xuống nhát, hỏi rằng: “Mày có thấy cái đầu tao đâu không?”. Người nào yếu bóng vía, ma cụt đầu còn chỉ cho thấy cái đầu đầy máu, ai bị vậy là về bị ám ảnh đến phát điên”.
Ông Thuận còn cho biết, ông bà xưa hay dùng chuyện này để dọa con cháu, và mỗi khi trời vừa chạng vạng, con nít sống gần pháp trường không đứa nào dám ló mặt ra đường.
“Một đồn mười, mười đồn thành trăm”, thêm phần tội nhân bị xử tử tại pháp trường ngày càng nhiều, nên người dân xung quanh đã lập một miếu nhỏ dưới gốc cây gạo – nơi được cho là ma cụt đầu vẫn hay ngồi vắt vẻo mỗi đêm. Dân trong vùng gọi là miếu Cây Gạo, miếu không thờ gì, chủ yếu hương khói cho những cô hồn, bị chết không toàn thây.
Và bởi gắn liền với khu đất nổi tiếng nhiều “hồn ma bóng quế” nên bỗng chốc miếu Cây Gạo cũng trở nên linh thiêng. Thuở ấy, người dân qua miếu Cây Gạo phải “đi nhẹ, nói khẽ” và cúi đầu xá.
Người ta còn đồn có vài người ở tỉnh khác qua thăm Định Tường, do không biết nên không tôn trọng miếu Cây Gạo. Đi chơi về mấy ngày họ bị “dương”, bị loạn trí, các sư thầy phải soạn lễ, tới cầu xin, cúng bái mong người âm, tha thứ cho người dương mới hòng khỏi bệnh.
Cứ thế, những lời đồn đại ma quỷ nhiều dần lên, người dân sợ hãi gọi con đường dẫn vào khu pháp trường là Lộ Ma, và hầu như không ai dám bén mảng tới.
Đến thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân dùng khu pháp trường làm bãi rác, vì vậy nơi đây còn có tên là ngã ba Sở Rác. Cho đến bây giờ, ngã ba Sở Rác đã trở thành đường Thái Sanh Hạnh khang trang, là một trong những con đường chính của TP.Mỹ Tho, ngang qua Trường Cao đẳng Y tế Tiền Giang.
Lộ Ma rùng rợn thuở nào đã thành đường Thái Sanh Hạnh khang trang, quang đãng
Tuy sầm uất là vậy, nhưng những câu chuyện về ma cụt đầu vẫn ăn sâu vào tiềm thức người Mỹ Tho. Họ vẫn gọi nơi đây là Lộ Ma và khi khách phương xa đến hỏi về pháp trường thảm khốc ngày xưa, thì “món quà” của các cao niên luôn là những câu chuyện ma đơn giản nhưng rùng rợn đến dựng tóc gáy.
Như chuyện nữ sinh trường Cao đẳng Y tế ngồi đợi xe buýt giữa trưa, luôn lạnh người vì cảm giác có ai đó bên cạnh, như chuyện ma cụt đầu đứng dưới gốc cây xin quá giang, đi nửa đường lại nói: “Cái đầu đằng kia là của tui đó”; chuyện anh bán hũ tiếu gõ lóc cóc, leng keng nghe như tiếng mõ gọi hồn, nên bị ma cụt đầu nhập, ám đến mức phải bỏ nghề, bỏ xứ đi xa, .v.v.
Nhưng nhìn đường Thái Sanh Hạnh bây giờ, không mấy ai nghĩ đó xưa kia lại là con đường hoang lạnh dẫn vào một trong những pháp trường thảm khốc nhất triều Nguyễn. Cây cối xanh mát, sinh viên trường Y áo trắng phau đến lớp, xe cộ lại qua, khiến người ta dễ liên tưởng đến những điều lãng mạn hơn là chuyện rùng rợn về những hồn ma cụt đầu.
Bà Nguyễn Phương An, 42 tuổi, ngụ phường 9, đường Thái Sanh Hạnh, TP.Mỹ Tho, kể xong một câu chuyện ma rồi hồn nhiên vỗ vai chúng tôi, cười nói: “Hù mấy chú vậy thôi, chứ tui ở đây mấy chục năm rồi. Có thấy ma cỏ gì đâu, lâu lâu tụm ba tụm bảy, kể lại cái chuyện pháp trường xử trảm, rồi “trà dư tửu hậu” sẵn kể chuyện ma nghe cho vui. Người hùn một câu, hạp một ý rồi thành những chuyện ma rùng rợn. Cũng chỉ để cho vui thôi, thời đại này, có ai còn tin ma cỏ gì nữa đâu”.
Và cứ thế, Lộ Ma tuy không còn nữa nhưng với người dân Mỹ Tho, danh xưng về một con đường ẩn chứa những huyền tích ly kì của quá khứ vẫn được lưu truyền từ thời xa xưa cho đến bây giờ.
Hồ Bá Nguyễn
Chú thích ảnh:Lộ Ma ở Mỹ Tho, Tiền Giang luôn gắn liền với những án trảm quyết bi thảm – Ảnh minh họa