“Mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi con”, Kathryn O’Bara nói với con gái Edwarda trước khi cô rơi vào hôn mê mãi mãi.
Edwarda O’Bara mới 16 tuổi khi chìm vào hôn mê. Suốt 42 năm qua, cô gái khiến nhiều người suy nghĩ, thậm chí vị bác sĩ đã cứu sống bệnh nhân còn tự hỏi: “Liệu có tốt hơn nếu để cô ấy chết”.
Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, câu chuyện về Edwarda là câu chuyện cảm động về tình yêu vô bờ bến của một người mẹ dành con gái.
Edwarda O’Bara được mẹ chăm sóc suốt 38 năm hôn mê. Ảnh: CNN. |
Theo CNN, Edwarda là con gái đầu của Kathryn McCloskey và Joe O’Bara. Định cư tại Nam Florida, Kathryn làm giáo viên toán còn Joe trở thành giáo viên thể dục. 18 tháng sau khi chào đón bé Edwarda, cặp đôi nhà O’Bara có thêm cô con gái Colleen. “Tất cả những gì tôi hằng mơ ước là hai đứa con gái. Và Chúa nhân từ đã đáp ứng nguyện vọng ấy”, Kathryn thổ lộ.
Cuối năm 1969, Edwarda được chẩn đoán bị tiểu đường và phải dùng insulin dạng viên, loại thuốc hiện không còn kê cho trẻ vị thành niên do loạt tác dụng phụ nguy hiểm. Dù ốm đau, Edwarda vẫn đạt kết quả xuất sắc tại trường học. Cô bé ngày ấy luôn nhận điểm A, thậm chí được nhận vào Đại học Notre Dame vốn chỉ toàn nam và nuôi mộng trở thành bác sĩ nhi.
Edwarda hồi nhỏ. Ảnh: CNN. |
Giữa kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm 1969, tai họa bắt đầu ập đến. Edwarda đổ bệnh vì cúm, ốm đến mức nôn hết mọi thứ. Đến lúc gia đình nhận ra, sức khỏe cô bé đã xấu đi rất nhiều. Edwarda liên tục gào thét, chân thì nổi đầy mẩn. Ngày 3/1/1970, đúng kỷ niệm 22 năm ngày cưới của Joe và Kathryn, Edwarda nhập viện Đa khoa Bắc Miami lúc 2h sáng.
Có mặt tại bệnh viện, bác sĩ Louis Chaykin chứng kiến cảnh mẹ con Edwarda nắm chặt tay nhau trong phòng cấp cứu. “Người con gái nói: ‘Đừng bỏ rơi con’ và người mẹ đáp: ‘Mẹ sẽ không bao giờ bỏ đi'”, vị bác sĩ hồi tưởng.
Nhập viện một lúc, phổi Edwarda ngừng hoạt động. Cả hai bên thận bị suy, tim yếu dần còn não không đủ oxy. Là chuyên gia nội tiết học với những kỹ năng đặc biệt, bác sĩ Chaykin tham gia điều trị cho Edwarda. “Bệnh nhân khi đó đã cận kề cái chết. Chúng tôi làm việc suốt nhiều giờ để cứu cô ấy và chặn đứng các bất thường về trao đổi chất. Thế nhưng, tổn hại về não không thể thay đổi”, bác sĩ Chaykin kể.
Từ đây, Edwarda chìm vào hôn mê. Cô nằm viện năm tháng rồi chuyển về nhà.
Giữ đúng lời hứa, Kathryn dành mọi thời gian bên Edwarda. Bà biến phòng ngủ của hai vợ chồng thành phòng bệnh và đặt một chiếc ghế bên giường con gái. Cứ mỗi hai giờ, Kathryn lại cho Edwarda uống sữa qua ống. Bà đặt hàng chục chuông báo thức vào nửa đêm, 2h, 4h, 6h sáng và chỉ ngủ mỗi lần tối đa 75 phút.
Kathryn đều đặn tiêm insulin, giúp con gái trở mình và thay tã. Bị viêm khớp, lưng người mẹ dần còng xuống nhưng bà chẳng một lần than vãn. Là con chiên mộ đạo, Kathryn nói với mọi người rằng chăm sóc Edwarda như phước lành được Chúa trời ban tặng.
Do chi phí điều trị, gia đình O’Bara rơi vào nợ nần. Joe phải sơn tường và sửa động cơ để có thêm thu nhập. Năm 1976, trước áp lực quá lớn cả về tài chính lẫn tinh thần, cựu lính hải quân qua đời. Colleen cũng phải tạm hoãn kế hoạch vào đại học để giúp mẹ trả nợ.
Bất kể khó khăn đến đâu, Kathryn chưa bao giờ mất đi niềm tin. Cuối mỗi lá thư tâm sự gửi đến nhà báo Charles Whited từ tờ Miami Herald, bà luôn viết: “Hy vọng không bao giờ chết”.
Tháng 5/1982, Kathryn lên cơn đau tim trong lúc trông con gái ngủ. Bà nhập viện 10 ngày và lần đầu tiên Kathryn xa Edwarda cả đêm suốt 12 năm.
Kathryn túc trực bên con gái. Ảnh: CNN. |
Tháng 8/1983, Kathryn khẳng định đã nghe thấy con gái gọi: “Này” lúc đang vào bếp với vài người bạn. “Anh không bao giờ hiểu cảm giác ấy đâu. Đó chính là giọng Edwarda. Con bé đang cười”, Kathryn kể với Charles. Đêm hôm sau, Edwarda cất tiếng lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng.
Năm tháng tới rồi lại đi, Kathryn vẫn kiên định như thế, luôn luôn hy vọng và cầu nguyện. Biết Edwarda đang đọc dở cuốn tiểu thuyết Hawaii của James Michener trước lúc hôn mê, Kathryn đã đọc đi đọc lại quyển truyện cho con gái hơn mười lần.
Tháng 3/2008, Kathryn qua đời trong phòng con gái. Ở tuổi 80, người mẹ đã chăm sóc Edwarda gần bốn thập kỷ và giữ đúng lời hứa không bỏ rơi của mình.
Chứng kiến cả nhà O’Bara vật lộn với bệnh tình của Edwarda, bác sĩ Chaykin từng nghĩ rằng mình đã sai khi cứu sống nữ bệnh nhân. Thế nhưng, theo thời gian, quan điểm của ông dần thay đổi. “Tôi ấn tượng bởi sự hy sinh cùng tình yêu của người mẹ. Dường như Chúa có lý do để tôi cứu sống Edwarda”, vị thầy thuốc giãi bày.
Ngưỡng mộ tình yêu của Kathryn dành cho Edwarda, hàng nghìn người từ Nhật Bản, Australia, Italy, Canada đã tới thăm gia đình O’Bara. Đặc biệt, họ tin rằng Edwarda sở hữu khả năng chữa bệnh thần thánh. Một phụ nữ u não không thể phẫu thuật đã khỏi bệnh sau 3 tháng chạm vào Edwarda. Hai bé gái bị xơ nang khỏe lại chỉ vài tháng kể từ ngày thăm nữ bệnh nhân. Kể cả những người hoài nghi nhất cũng cảm thấy không khí kỳ lạ khi bước vào ngôi nhà ở phía bắc Miami. Trên tường phòng Edwarda, Kathryn dán lên câu trích dẫn: “Ở đâu có tình yêu, ở đó có phép màu”.
“Tôi không thể giải thích điều đó với tư cách bác sĩ. Liệu đó là trùng hợp hay gì khác nữa”, bác sĩ Chaykin tự hỏi.
Tháng 11/2012, sau thời gian được em gái Colleen chăm sóc, Edwarda trút hơi thở cuối cùng. Ngày 28/11, bà được chôn cất cạnh cha và mẹ.