Aspirin là môt tên thuốc rất quen thuộc với đa số chúng ta, một thứ thuốc làm giảm đau và sốt được sử dụng rất thường.
Nhưng từ khoảng 35 năm trở lại đây, Aspirin bớt thông dụng vì các tác dụng phụ tai hại như làm chảy máu ruột hay Reyes syndrome. Sau khi các thuốc giảm đau khác như acetaminophen, ibuprofen dần thay thế nó, aspririn được khám phá là có thể giúp chống những cơn đột quị tim và tai biến mạch máu não nếu uống hằng ngày. Tuy nhiên việc dùng aspirin thường ngày như vậy không phải bao giờ cũng là điều tốt vì aspirin có nhiều tác dụng phụ tai hại.
Aspirin ngăn ngừa đột quị tim và stroke bằng cách nào?
Aspirin làm ngăn trở cơ chế đông máu. Khi chúng ta chảy máu, những tiểu cầu (platelets) có trong máu sẽ đóng cục ngay chỗ mạch máu bị đứt làm máu ngưng chảy. Nhưng cục tiểu cầu này có thể được thành lập ngay trong những mạch máu chạy đến nuôi tim và óc. Những mạch máu này có thể đã bị hẹp lại do những mảnh mỡ đóng trong thành mạch máu. Khi những mảnh mỡ này vỡ ra, tiều cầu sẽ đóng cục ngay tại đó làm mạch máu tắc, máu không chảy đến tim hay óc được gây ra đột quị tim hay stroke. Thuốc aspirin có thể ngăn chận các tiểu cầu đóng cục lại, nhờ thế ngăn được heart attack và stroke.
Tác dụng của aspirin lên đàn ông và đàn bà khác nhau
-Nơi đàn ông mọi lứa tuổi, aspirin có thể ngăn ngừa cơn đột quị tim đầu tiên và thứ nhì, giảm nguy cơ bị bệnh tim.
-Nơi đàn bà 65 tuổi hay lớn tuổi hơn, aspirin có thể ngăn ngừa cơn đột quị tim đầu tiên và thứ nhì, giảm nguy cơ bị bệnh tim và ngăn ngừa cơn stroke đầu tiên.
-Nơi đàn bà dưới 65 tuổi, aspirin có thể ngăn ngừa cơn đột quị tim thứ nhì, giảm nguy cơ bị bệnh tim và ngăn ngừa cơn stroke đầu tiên.
Tuy nhiên nguy cơ bị chảy máu khi uống aspirin hằng ngày thì giống nhau cho cả hai phái.
Như vậy có nên uống aspirin mỗi ngày không?
Điều này tùy thuộc vào nguy cơ bệnh tim và srtoke của bạn có cao không. Những yếu tố dễ gây ra nguy cơ bệnh tim và stroke gồm có:
– Hút thuốc
– Huyết áp cao trên 140/90
– Mực cholesterol là 240 mg/dl hay cao hơn
– Mực cholesterol xấu LDL 130mg/dl hay cao hơn
– Không tập thể thao thường xuyên
– Bị bệnh tiểu đường
– Bị stress nhiều
– Uống rượu nhiều, đàn ông trên 2 ly mỗi ngày, đàn bà trên 1 ly mỗi ngày
– Trong gia đình có người bị stroke hay heart attack
Nếu bạn đã từng bị heart attack hay stroke, phần nhiều là bác sĩ đã có nói với bạn về chuyện uống thuốc aspirin để ngăn ngừa cơn bệnh thứ hai.
Nếu bạn có những yếu tố dễ gây bệnh nhưng chưa từng bị heart attack hay stroke, bạn cũng có thể uống aspirin để tránh chúng. Tuy nhiên, bạn nên nói chuyện với với bác sĩ để xem mình có những yếu tố gây nguy cơ chảy máu nguy hiểm không.
Nếu có bệnh dễ gây chảy máu thì có uống aspirin được không?
Bạn không nên uống aspirin nếu bạn bị những bệnh có thể gây ra chảy máu như sau:
– Bệnh về đông máu khiến bạn bị chảy máu dễ dàng
– Bệnh suyễn
– Bệnh loét bao tử
– Bệnh suy tim
Cũng rất quan trọng là bạn nên nói cho BS biết tất cả những thuốc bạn đang uống kể cả thuốc bổ (supplements) hay thuốc mua tự do. Uống aspirin chung với thuốc ibuprofen (Advil, Motrin…) làm giảm lợi ích của aspirin. Uống aspirin chung với thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin) có thể làm tăng cao nguy cơ chảy máu.
Nên uống lượng aspirin nào?
Không có một liều lượng nhất định cho tất cả mọi người. Bạn và BS của bạn sẽ phải quyết định liều lượng. Liều thật thấp là 71mg/ ngày có thể cũng hiệu nghiệm. Bác sĩ có thể cho uống từ 81 tới 325mg/ ngày.
Chuyện gì xảy ra khi bạn ngưng uống thuốc?
Có thể bạn không ngờ rằng hành động giản dị là ngưng uống thuốc aspirin lại có thể gây ra hậu quả tai hại. Nhưng điều này có thể và đã xẩy ra: ngưng uống aspirin đột ngột sẽ có thể đưa tới tác dụng ngược là làm máu dễ đông khiến xẩy ra heart attack và stroke. Nếu bạn muốn ngừng uống aspirin, cần bàn với BS của bạn.
Bạn đang uống ibuprofen để chữa một bệnh khác, vậy bạn có thể uống aspirin không?
Aspirin và ibuprofen đều có tác dụng ngăn tiểu cầu làm việc. Uống cả hai thứ có thể làm tăng nguy cơ chảy máy bên trong. Nếu bạn chỉ cần uống ibuprofen 1 lần trong ngày, nên uống nó 8 tiếng đồng hồ trước hay 30 phút sau khi uống aspirin. Nếu bạn cần uống ibuprofin nhiều lần hơn, nên nói chuyện với bác sĩ để tìm ra một thuốc thích hợp nhất
Những tác dụng phụ của aspirin
Gồm có:
-Stroke do chảy máu (hemorrhagic stroke): aspirin giúp tránh stroke do máu đông nhưng lại có thể gây ra stroke do chảy máu.
-Chảy máu đường ruột: uống aspirin mỗi ngày có thể làm bạn dễ bị loét bao tử. Nếu bạn đang chảy máy vì loét bao tử, uống aspirin sẽ làm bạn chảy máu nhiều hơn và có thể nguy đến tính mạng.
-Dị ứng: nếu bạn dị ứng với aspirin, dù uống rất ít bạn cũng có thể bị phản ứng rất nặng nguy đến tính mạng.
-Ù tai và lãng tai: uống nhiều có thể gây ra ù tai và lãng tai nơi một số người.
Nếu bạn đang uống aspirin và cần phải đi mổ hay làm răng, bạn nên cho bác sĩ mổ hay nha sĩ biết điều này hầu có thể đối phó. Nếu không, bạn có thể bị chảy máu nhiều khi đang mổ hay làm răng.
FDA cũng khuyên bệnh nhân đang uống aspirin nên uống giảm bớt rượu vì rượu cũng có tác dụng loãng máu và loét bao tử. Nếu bạn đang uống aspirin mỗi ngày, bạn chỉ nên uống không quá 2 ly mỗi ngày nếu là đàn ông và không quá 1 ly mỗi ngày nếu là đàn bà.
Tác dụng của thuốc khác khi uống chung với aspirin
Nếu bạn đang uống thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin) để chữa một bệnh khác, uống thêm aspirin sẽ làm bạn dễ chảy máu nặng nhiều hơn. Nếu có bệnh như thay van tim nhân tạo ngăn ngừa cơn stroke thứ nhì, bệnh nhân có thể được cho uống cả 2 thứ, tuy nhiên, cần sự theo dõi sát của bác sĩ.
Những thuốc sau có thể làm tăng nguy cơ chảy máy nếu uống chung với aspirin:
-Warfarin (Coumadin)
-Heparin Ibuprofen uống thường xuyên
-Corticosteroids
-Thuốc chống trầm cảm như clomipramine, paroxetine…
Những thuốc bổ (supplements) sau có thể làm tăng nguy cơ chảy máu:
-Danshen
-Dong quai
-Evening primrose oil
-Ginkgo
-Omega-3 fatty acid (dầu cá)
-Policosanol
-Willow bark
Nếu đang uống aspirin mỗi ngày, có nên uống thêm khi đang bị heart attack?
Một số lớn các bệnh nhân đang bị heart attack thường được khuyên nên nhai 1 viên aspirin người lớn hay 2 tới 4 viên aspirin con nít. Bệnh nhân vẫn cần phải theo lời khuyên này dù đang uống aspirin hằng ngày. Nhai viên thuốc giúp thuốc được hấp thụ vào máu nhanh hơn. Tuy nhiên nếu bạn bị bệnh loãng máu, không nên uống aspirin khi đang bị heart attack. Không nên uống aspirin nếu nghĩ rằng bạn đang bị stroke vì không phải stroke nào cũng gây ra do cục máu đông mà có thể do một mạch máu vỡ ra làm chảy máu. Uống thêm aspirin vô sẽ làm stroke nặng hơn.
Có nên uống thuốc aspirin có vỏ bọc ngoài?
Thuốc aspirin có vỏ bọc có mục đích đi qua bao tử nguyên vẹn và chỉ tan ra khi tới ruột. Thuốc này dễ chịu cho bao tử hơn và có thể thích hợp cho những người đang uống aspirin thường ngày, nhất là những người từng bị loét bao tử. Tuy nhiên, nó cũng không giúp tránh chảy máu trong bao tử và ruột, lại lâu được hấp thụ vào máu hơn.
Superaspirin là gì?
Đây là một loại thuốc mới có thể dùng thay thế hoặc dùng thêm với aspirin. Chúng được gọi là thuốc cản tiểu cầu đóng cục và làm giảm nguy cơ đông máu. Chúng có tác dụng giống aspirin nhưng hành động cách khác. Các loại thuốc này gồm có Plavix, Integrilin và các tên khác. Chúng có thể được dùng như sau:
-Kèm chung với aspirin để ngăn ngừa cơn heart attack hay stroke thứ nhì
-Trong 1úc bị heart attack hay stroke do đông máu
-Trước và sau khi thông tim và đặt ống trong mạch máu tim
-Chữa bệnh nghẽn động mạch trong tay và chân
Bạn có thể được cho uống superaspirin nếu cơ thể bạn chống tác dụng của aspirin khiến nó không hiệu quả, bị dị ứng với aspirin hay không chịu được những phản ứng phụ.
Plavix và aspirin dùng chung chỉ dành cho những người bị những bệnh tim và van tim đặc biệt. Nếu bạn đang dùng Plavix và aspirin nhưng chưa từng bị heart attack hay stroke, không nên ngưng uống bất thình lình mà phải hỏi ý kiến bác sĩ trước.
BS Nguyễn Thị Nhuận