Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết việc cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Vũ Văn Bình về Tội cố ý gây thương tích là hoàn toàn khách quan và có căn cứ pháp luật.
Sáng ngày 26/11/2015, tại Trại tạm giam công an (CA) TP. Hà Nội, trước sự chứng kiến của Luật sư Nguyễn Anh Thơm là người bào chữa cho bị can Vũ Văn Bình, cơ quan cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã tống đạt Bản kết luận điều tra đối với Bị can Vũ Văn Bình.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm |
Xác định đây là vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, đối tượng phạm tội là người chưa thành niên và xảy ra trong quá trình giam giữ nên ngay sau khi xảy ra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can và đề nghị luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho bị can và cũng để đảm bảo quá trình điều tra vụ án được thực hiện một cách khách quan theo đúng qui định của pháp luật.
Trên cơ sở điều tra cơ quan chức năng đã làm rõ hành vi phạm tội của bị can như sau: Trong quá trình tạm giam tại buồng giam C15 – Khu C (buồng tạm giam người chưa thành niên) gồm có các bị can: Nguyễn Nam Trường, sinh năm 1998; Đỗ Đăng Dư, sinh năm 1998; Lê Đức Anh, sinh năm 1998 và Vũ Văn Bình, sinh năm 1998.
Khoảng 8h30 ngày 04/10/2015, các bị can ăn sáng tại buồng giam. Theo sự phân công của các bị can trong buồng, sau khi ăn xong Đỗ Đăng Dư đi rửa bát. Do thấy Dư rửa bát bẩn (các mép bát Dư không rửa), Vũ Văn Bình gọi Dư đến ngồi giữa 02 bệ xi măng nơi các bị can ngủ. Bình ngồi đối diện Dư dùng tay tát liên tiếp vào má trái Dư và nói: “Từ sau mày phải rửa bát cho sạch. Bát của cả buồng chứ không phải của riêng mày”. Dư nói: “Từ sau em sẽ rửa bát sạch sẽ”. Sau đó Bình đứng dậy và dung gót chân trái nện liên tiếp vào đầu, trán Dư theo hướng từ trên xuống. Khi bị đánh, Dư có nói “Em xin lỗi”. Sau đó, Bình đi ra ngoài phía cửa còn Dư đi vệ sinh.
Khoảng 05 phút sau, Dư đứng dậy thì bị trượt ngã xuống sàn nhà. Thấy vậy, Vũ Văn Bình, Nguyễn Nam Trường, Lê Đức Anh chạy đỡ Dư dậy. Vũ Văn Bình hỏi Dư: “Có sao không?”. Dư nói “Em đau bụng”. Trường hỏi Dư “Có cần đi trạm xá không?” Dư nói “Có”. Nguyễn Nam Trường và Lê Đức Anh dìu Dư đến lối đi giữa 2 bệ xi măng thì Dư quay mặt nôn ra một ít thức ăn và nước. Đến gần cửa ra vào, Dư không đi được và khụy đầu gối xuống nhà. Vũ Văn Bình và Lê Đức Anh tiếp tục đỡ Dư dậy. Cùng lúc đó có cán bộ quản giáo đi kiểm tra buồng phát hiện thấy sự việc liền mở cửa buồng nhanh chóng đưa Dư xuống Bệnh xá của Trại cấp cứu đồng thời báo cáo Ban giám thị Trại.
Ngay sau đó, Đỗ Đăng Dư được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông. Do tiên lượng nặng, Bệnh viện đa khoa Hà Đông đã chuyển Dư đến Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai để tiếp tục theo dõi và điều trị. Đến 18 giờ ngày 10/10/2015, Đỗ Đăng Dư đã tử vong.
Theo yêu cầu của gia đình Đỗ Đăng Dư, Cơ quan Cảnh sát điều tra – CATP Hà Nội đã ra quyết định trưng cầu Viện pháp y Quân đội tiến hành pháp y tử thi để làm rõ nguyên nhân chết của Đỗ Đăng Dư. Tại Bản kết luận giám định pháp y ngày 5/11/2015 của Viện pháp y Quân đội kết luận:
“Chấn thương sọ não do tác động của vật tày vào vùng trán phải; Tụ máu dưới da đầu, vùng trán phải kích thước 3cm x 2,5 cm; chảy máu não; tụ máu quanh lỗ chẩm gây chèn ép cuống não… Tình trạng phù não, chảy máu não do chấn thương sọ não gây chèn ép cuống não dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp không hồi phục là nguyên nhân gây tử vong của Đỗ Đăng Dư. Chấn thương sọ não do tác động của vật tày vào vùng trán phải khi đầu ở tư thế tự do”
Ngày 11/11/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra – CATP Hà Nội đã tiến hành thực nghiệm điều tra vụ án có sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, Luật sư được cấp Giấy chứng nhận bảo vệ quyền lợi cho bị hại, nhân chứng và Luật sư Nguyễn Anh Thơm bào chữa cho bị can Vũ Văn Bình. Kết quả thực nghiệm điều tra phù hợp với lời khai của bị can, nhân chứng và phù hợp với cơ chế hình thành thương tích dẫn tới Đỗ Đăng Dư bị tử vong.
Cơ quan điều tra đã mời bà Đỗ Thị Mai là mẹ đẻ Đỗ Đăng Dư đến Cơ quan điều tra làm việc, thông báo kết luận giám định và kết quả điều tra. Bà Mai đã đề nghị xử lý người vi phạm theo qui định pháp luật, còn vấn đề bồi thường dân sự gia đình sẽ có đề nghị sau.
Trong vụ án này, để làm rõ trách nhiệm của các cán bộ quản giáo tại Trại giam số 3 – CATP Hà Nội, Cơ quan điều tra đã tách hành vi và tài liệu liên quan đến trách nhiệm của cán bộ quản giáo để chuyển Cơ quan điều tra – Viện kiểm sát nhân dân Tối cao điều tra xử lý theo đúng qui định của pháp luật.
Như vậy, sau gần 02 tháng, kể từ ngày xảy ra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã kết thúc điều tra vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra tại Trại tạm giam số 3, CATP Hà Nội. Theo đó, Bị can Vũ Văn Bình bị đề nghị truy tố về tội: “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điều 104 Bộ Luật Hình sự.
Trao đổi với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết việc cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Vũ Văn Bình về Tội cố ý gây thương tích là hoàn toàn khách quan và có căn cứ pháp luật. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã khách quan xem xét đầy đủ các chứng cứ để xác minh hành vi phạm tội của bị can đã thực hiện. Đặc biệt trong bất kỳ buổi hỏi cung bị can đều có sự chứng kiến của luật sư và mẹ bị can là người đại diện hợp pháp của bị can chưa thành niên.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Trúc Dâ