Mạng lưới Herbalife sẽ sớm sụp đổ?

Sáng lập viên quỹ đầu cơ Pershing Square Capital, ông Bill Ackman, nói công ty đã 32 năm tuổi này là một “mô hình kim tự tháp bất hợp pháp”. Giới đầu cơ Mỹ cho rằng mô hình bán hàng đa cấp của công ty không tạo ra doanh thu thực.

“Nếu tôi đúng, cổ phiếu công ty này sẽ thành mớ giấy lộn”, sáng lập viên quỹ đầu cơ Pershing Square Capital, ông Bill Ackman, nói. Ackman khẳng định ông chưa bao giờ tự tin vào việc bán khống một cổ phiếu nào hơn thế.

Ngày 20/12 vừa qua, ông mời một nhóm nhà đầu cơ đến nghe mình tuyên chiến với công ty chuyên bán vitamin và thực phẩm bổ sung Herbalife. Ackman tuyên bố công ty đã 32 năm tuổi này là một “mô hình kim tự tháp bất hợp pháp”.

Ngay lập tức, giá cổ phiếu Herbalife giảm từ trên 40USD vài ngày trước khi Ackamn tuyên chiến xuống chỉ còn 26USD vào ngày 24/12.

Tuy vậy, Herbalife đang phản công. Lãnh đạo công ty này phủ nhận cáo buộc của Ackman và hứa sẽ giải thích chi tiết sau. Giá cổ phiếu Herbalife lại tăng mạnh và chốt năm 2012 ở mức 33USD, tương đương với vốn hóa thị trường 3,6 tỷ USD.

Herbalife là một trong những công ty bán hàng đa cấp nổi tiếng nhất thế giới, cùng với Avon và Amway. Sản phẩm của công ty được phân phối qua đội ngũ đông đảo các cá nhân chuyên đeo huy hiệu có logo “Lose weight now. Ask me how” (tạm dịch: Giảm cân ngay? Hỏi tôi mau!).

Các “nhân viên bán hàng” này được những người có vị trí cao hơn trong mạng lưới bán hàng tuyển dụng, những người này cũng nhận được một phần hoa hồng nếu người họ tuyển dụng bán được hàng.

Bán hàng đa cấp là một ngành khổng lổ. Năm 2011, khoảng 16 triệu nhà phân phối tại Mỹ mang về doanh số gần 30 tỷ USD. Trên toàn thế giới, có 92 triệu người tham gia bán hàng đa cấp với tổng doanh số 154 tỷ USD.

Người bán hàng đa cấp luôn cố phân biệt ngành mình (hợp pháp) với “mô hình kim tự tháp” (phi pháp). Trong một kim tự tháp, mở rộng mạng lưới là tất cả. Người ta trả tiền để gia nhập nhóm, rồi lại được trả tiền khi tìm được người mới gia nhập. Đến một lúc nào đó, không tuyển thêm được người mới nữa và kim tự tháp sụp đổ.

Bán hàng đa cấp không giống thế. Hoạt động kinh doanh hợp pháp này kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm thực, chứ không phải phí thu từ người mới tuyển.

Ackman cho rằng Herbalife phụ thuộc vào việc tuyển thêm người, chứ không phải bán sản phẩm cho khách hàng thực (khác với nhà phân phối buộc phải mua một số hàng nhất định để tham gia mạng lưới).

CEO Herbalife, ông Michael Johnson, phản pháo bằng con số trên 90% sản phẩm được bán cho người ở ngoài mạng lưới phân phối.

Ackman cho rằng tài liệu marketing của Herbalife làm người ta hiểu lầm rằng bán sản phẩm cho công ty này kiếm tiền rất dễ. Theo tính toán của ông, chỉ 0,14% trong số 2,7 triệu nhà phân phối của Herbalife kiếm được trên 20.000USD mỗi năm (khoảng gần 430 triệu VNĐ) và trên 93% nhà phân phối không kiếm được đồng hoa hồng nào.

Herbalife đang liên tục tiến vào các thị trường mới, từ Mexico tới Ghana, nhưng rồi sẽ chẳng còn thị trường nào để họ tiếp tục thâm nhập nữa, Ackman tuyên bố.

Ackman không phải lúc nào cũng đúng, nhưng ông này đã thu lời lớn nhờ bán khống cổ phiếu của các công ty như nhà bảo hiểm trái phiếu MBIA.

Đòn đánh này của ông theo sau một loạt những câu hỏi khó trả lời mà nhà quản lý quỹ đầu cơ David Einhorn đã đặt cho Herbalife hồi tháng 5 năm ngoái, sau khi cổ phiếu công ty lập đỉnh mọi thời đại 73USD. Einhorn là người đã giàu lên nhờ đoán trước được khủng hoảng tài chính.

Tuy vậy, hồi tháng 7, bà Anne Coughlan từ Trường Kinh doanh Kellogg, ĐH Northwestern đã xuất bản một nghiên cứu cho rằng Herbalife là hợp pháp, và “không có chung các đặc điểm với một “mô hình kim tự tháp”, vì thu nhập của nhà phân phối phụ thuộc trực tiếp vào doanh số (chứ không phải mở rộng mạng lưới) và do đó doanh nghiệp này không thể sụp đổ do áp lực trả tiền cho mạng lưới phân phối.”

Các cơ quan quản lý vẫn chưa có phản ứng gì trước lời buộc tội của ông Ackman. Mọi chuyện sẽ phụ thuộc nhiều vào lời giải thích chi tiết của Herbalife trong một sự kiện dành cho giới phân tích đầu tư vào ngày 10/01 tới.

Giới phân tích muốn thấy những bằng chứng thật thuyết phục rằng phần lớn doanh số đến từ những người nằm ngoài mạng lưới phân phối của Herbalife.

Chỉ có một điều là chắc. Dù cho có đúng, Ackman cũng không giàu hơn. Ông coi chiến dịch chống Herbalife của mình là “việc thiện”, và cam kết sẽ hiến toàn bộ lợi nhuận từ vụ bán khống cổ phiếu này cho các quỹ từ thiện.

Theo TTVN

Leave a Reply