Mạng xã hội: ‘Kẻ giết người không dao’

Các trang mạng xã hội bùng nổ và mọc lên như nấm thời gian qua đã bộc lộ nhiều mặt trái, có thể đưa tới những hệ lụy khôn lường, thậm chí có trường hợp tiếp tay cho cái ác, trở thành kẻ “giết người không dao”.

 

Mạng xã hội: 'Kẻ giết người không dao'

Bố của Hannah Smith vô cùng đau buồn vì cái chết của con gái sau khi bị tấn công trên mạng xã hội

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 8-8 đã lên tiếng kêu gọi toàn thể người dân xứ sở sương mù tẩy chay các trang mạng có nội dung xúc phạm và đe dọa cá nhân. Với tuyên bố này, người đứng đầu cơ quan hành pháp của nước Anh được cho là đã đích thân, trực tiếp và nhanh nhạy tham gia vào cuộc tranh luận sôi động hiện nay trong xã hội xung quanh vụ tự tử của một cô bé 14 tuổi do tác động của Internet.

Trước đó, dư luận nước Anh đã chấn động bởi việc nữ sinh Hannah Smith, 14 tuổi, treo cổ tự tử tại nhà riêng ở Lutterworth, hạt Leics (Anh) vì bị tấn công trên trang mạng ask.fm mà em là thành viên. Trang mạng được đăng ký thành lập năm 2010 ở Latvia này cho phép người sử dụng đặt câu hỏi và nhiều người tham gia trả lời, hầu hết là nặc danh và mang tính khiêu dâm, xúc phạm, nên đã nhanh chóng thu hút được tới 60 triệu thành viên, đứng thứ 9 trong số các trang mạng có lượng truy cập nhiều nhất trên toàn cầu.

 

Hệ luỵ khôn lường từ mặt trái của các trang mạng xã hội mà nước Anh đang đối mặt cũng đang gây nguy cơ không nhỏ trên thế giới.

Vài tuần trước khi tự sát, Hannah có chia sẻ về tình trạng bị mụn trứng cá song bị cư dân mạng ask.fm chế giễu với những lời bình luận hết sức khiếm nhã, xúc phạm. Thoạt đầu, Hannah còn khá bình tĩnh khi trả lời các tin nhắn khiêu khích song sự việc đau lòng đã xảy ra khi có kẻ nặc danh kích động em hãy tự sát.Trang mạng xã hội ask.fm sau đó đã bị chỉ trích, lên án nặng nề vì cho phép người dùng gửi trên cơ sở ẩn danh những bình luận hoặc các câu hỏi mang tính chất xúc phạm hay thái quá về tình dục. Đây cũng không phải lần đầu tiên một thiếu niên tự tử sau khi bị lăng mạ trên trang mạng này. Nam sinh Josh Unsworth, 15 tuổi, cũng đã treo cổ vào tháng 4 năm nay sau khi bị giày vò và không chịu đựng nổi vì những lời chế giễu trên ask.fm.

Các vụ tự tử của Hannah và trước đó là Unsworth đã làm dấy lên lo ngại về những mối nguy hiểm đe dọa tính mạng đến từ Internet nói chung, các trang mang xã hội nói riêng. Cũng trong vài tuần qua, nhiều phụ nữ, trong đó có hai nữ nghị sĩ Anh, đã nhận được lời đe dọa hãm hiếp và giết chết qua mạng xã hội Twitter.

Hệ luỵ khôn lường từ mặt trái của các trang mạng xã hội mà nước Anh đang đối mặt cũng đang gây nguy cơ không nhỏ trên thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực được thừa nhận về khả năng kết nối, chia sẻ… các trang mạng xã hội với lượng truy cập tới gần 1 tỷ lượt mỗi ngày có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khó có thể lường hết, nhẹ nhất là chỉ tốn quá nhiều thời gian, tiếp xúc thông tin không lành mạnh… nặng nề hơn có thể là lừa đảo, bảo mật… và thậm chí là dẫn tới các vụ việc đau lòng như với 2 học sinh Hannah và trước Unsworth.

Trong lời kêu gọi tẩy chay các trang web có nội dung xúc phạm và đe dọa đến cá nhân, Thủ tướng Anh đã nhấn mạnh 3 phương diện cần đặc biệt chú ý. Thứ nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trang web về các nội dung đăng tải, những lời lẽ mang tính chất xúc phạm cá nhân cần phải bị phong tỏa; thứ 2, phải coi bất kỳ sự khiêu khích bạo lực, gây hại cho người khác dù trên Internet hay trong đời thực là vi phạm pháp luật; thứ 3, phải có biện pháp ngăn chặn thảm kịch tương tự trong tương lai.

Theo ANTĐ

Leave a Reply