Elon Musk và Twitter đang đếm ngược từng ngày để kết thúc thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD vào ngày 28/10 tới, hoặc buộc phải chuẩn bị cho một phiên tòa sau khi các thủ tục pháp lý bị tạm dừng vào ngày 6/10.
Theo CNN, mấu chốt để hoàn tất thương vụ này hiện nằm ở việc Musk cần gom đủ số tiền vốn. Dù là người giàu nhất thế giới với khối tài sản 210 tỷ USD, ông vẫn cần sự hỗ trợ.
Trước đó, hồi tháng 4, vị tỷ phú này thông báo rằng ông đã thu xếp đủ 46,5 tỷ USD để hoàn tất kế hoạch mua lại, trong đó có 2 khoản cho vay từ Morgan Stanley và một tổ chức tài chính giấu tên khác. Một khoản trị giá 13 tỷ USD và một khoản 12,5 tỷ USD (sau đó giảm xuống còn 6,25 tỷ USD). Bản thân Elon Musk cũng cam kết sẽ chi ra khoảng 21 tỷ USD tiền túi cùng với 7 tỷ USD kêu gọi từ các nhà đầu tư khác như Larry Ellison và Binance.
Điểm nghẽn hiện tại giữa Musk và Twitter chỉ còn nằm ở sự thiếu chắc chắn của những thỏa thuận cho vay này.
Những rắc rối pháp lý
Đội ngũ pháp lý của Musk hôm 6/10 đã đề nghị không cần thiết phải kiện tụng nữa, vì ông đã cam kết thực hiện thỏa thuận theo đúng các điều khoản ban đầu. Hơn nữa, các ngân hàng trước đây đảm bảo cho Musk vay cũng “đang hợp tác tích cực để cấp vốn hoàn tất thỏa thuận”.
Tuy nhiên, Twitter – vốn đã không hài lòng về việc Musk cố trì hoãn thương vụ suốt vài tháng nay – thì phản đối việc hoãn xét xử. Trong báo cáo, mạng xã hội này cho biết, đại diện một trong các ngân hàng tham gia điều trần hôm 6/10 khẳng định Musk chưa hề gửi yêu cầu vay tiền và “cũng chưa thông báo về ý định hoàn tất thỏa thuận”, chứ đừng nói đến mốc thời gian cụ thể. Vì vậy, Twitter nhấn mạnh rằng Musk cần hoàn tất thương vụ chậm nhất vào tuần sau.
Nhận xét về điều này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng Musk lần này thực sự muốn mua Twitter. Những người theo sát thương vụ nhận định rằng Musk có nhiều khả năng thua kiện và sẽ bị buộc phải mua lại Twitter với giá cao hơn. Bản thân vị tỷ phú cũng nhận thấy được điều này và muốn thực hiện thương vụ sớm để tránh những bất lợi.
Bà Ann Lipton – Phó giáo sư tại Đại học Luật Tulane – cho biết: “Tôi nghĩ rằng Musk muốn hoàn tất việc mua bán này. Và lý do chưa hoàn thành đơn giản là ông ấy cần thời gian để thu xếp vốn”.
Rủi ro của các nhà băng
Theo bà Lipton, Musk có lẽ đang giúp Morgan Stanley quảng cáo về việc vay nợ với các nhà đầu tư khác, để họ cho ông vay tiền. Dù không có điều gì bắt buộc vị tỷ phú phải làm điều này, mối quan hệ kéo dài hơn 1 thập kỷ với Morgan Stanley vẫn khiến ông cảm thấy cần hỗ trợ. Đặc biệt là khi tình hình hiện tại khó khăn hơn nhiều so với thời điểm hai bên chốt thỏa thuận vào tháng 4.
Ngoài ra, cũng có một số người ngờ vực về khả năng Morgan Stanley và các nhà băng khác muốn rút khỏi thương vụ, do giá trị Twitter hiện thấp hơn so với vài tháng trước. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng sẽ giống Musk, họ có thể gặp nhiều rắc rối nếu muốn rút chân.
“Cách duy nhất các ngân hàng có thể rời đi là viện dẫn điều khoản thay đổi bất thường (material adverse effect – PV), rằng giá trị Twitter đã thay đổi quá nhiều so với thời điểm hai bên đồng ý thương vụ nên họ không muốn cấp vốn nữa”, George Geis – Giáo sư Chiến lược tại UCLA – cho biết.
Tuy nhiên, kể cả khi các ngân hàng rời đi được, Musk cũng không thể rời theo.
Theo thỏa thuận, ông chỉ phải bồi thường 1 tỷ USD cho Twitter nếu một trong hai chấm dứt thỏa thuận mua bán. Nhưng nếu thẩm phán cho rằng Musk gây ảnh hưởng đến giá trị thị trường của Twitter, ông sẽ bị tòa án buộc phải đâm đơn kiện Morgan Stanley để được cấp vốn, hoặc tự thu xếp số tiền để hoàn thành thương vụ.
Ngoài vấn đề vốn vay, Musk có lẽ cũng sẽ cần bỏ thêm tiền túi bằng cách bán bớt cổ phiếu Tesla. Tuy nhiên, ông sẽ phải đợi đến sau khi hãng xe điện công bố báo cáo tài chính mới được làm điều đó. Musk cũng có cổ phần lớn trong SpaceX, nhưng vì công ty này chưa niêm yết nên hiện chưa rõ quy trình bán như thế nào.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng một nguyên nhân nữa là Musk đang phải trấn an các đối tác góp vốn cùng ông, sau nhiều tháng Twitter rơi vào scandal do chính ông tạo ra.