10 ngày trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump, sáng 30/10, máy bay vận tải cỡ lớn C-17 của Mỹ đã đến sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Máy bay vận tải C-17 đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 9h45 ngày 30/10. |
Sau khi lăn vào sân đỗ gần khu vực cảng hàng hoá nhà ga hàng không, chiếc C-17 của không lực Mỹ nằm tại đây khoảng 2 giờ trước khi rời đi. |
Thông thường để phục vụ chuyến công du của tổng thống Mỹ đến một quốc gia nào đó, công tác vận chuyển trang thiết bị diễn ra trước khoảng 10 ngày, với khoảng 50 lượt bay. |
Boeing C-17 Globemaster III là máy bay vận tải quân sự hạng nặng ra mắt năm 1993, được phục vụ trong không quân Mỹ và một số nước khác. C-17 có chiều dài 53 m và sải cánh rộng 52 m, có thể mang được 78 tấn hàng hoá hoặc 158 người. |
C-17 có thể vận chuyển được hầu hết thiết bị chiến đấu di động của quân đội Mỹ như xe tăng M1 Abrams, xe bọc thép M2/M3 Bradley hoặc 4 máy bay trực thăng vận tải UH-60 Blackhawk, 2 máy bay trực thăng tấn công AH-64 Apache. C17 cần 2 phi công và một người phụ trách bốc hàng mỗi khi thực hiện nhiệm vụ. Giá của một chiếc C-17 tại Mỹ vào khoảng 218 triệu USD. |
Trưa 30/10 chiếc C-17 đã cất cánh rời sân bay Nội Bài. |
Trong chuyến công du châu Á tới đây, Tổng thống Donald Trump sẽ dự diễn đàn APEC tại Đà Nẵng vào ngày 10/11, thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội và có các cuộc gặp gỡ, hội đàm với nhiều lãnh đạo cấp cao ở thủ đô vào ngày 11/11. |
Trump thăm châu Á: Chuyến đi dài nhất 25 năm qua của tổng thống Mỹ
Quan chức Nhà Trắng nói lần cuối một chuyến thăm tổng thống Mỹ tới khu vực dài như vậy là chuyến thăm của Tổng thống George H.W. Bush vào tháng 12/1991.
Trong cuộc trao đổi qua điện thoại với báo chí khu vực tối 30/10 (giờ Hà Nội), các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới khu vực từ ngày 3-14/11 là chuyến thăm dài nhất trong vòng 25 năm qua tới châu Á của một tổng thống Mỹ.
Lần cuối cùng một chuyến thăm tổng thống Mỹ tới khu vực dài như vậy là chuyến thăm của Tổng thống George H.W. Bush vào tháng 12/1991. Trong chuyến thăm đầu tiên tới châu Á này, Tổng thống Trump và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump sẽ tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Tính theo số nước, với 5 quốc gia, đây là chuyến thăm có nhiều quốc gia tương đương chuyến thăm của tổng thống George W. Bush vào tháng 10/2003.
“Chuyến thăm dài nhất trong 25 năm qua cho thấy cam kết của tổng thống với khu vực”, một quan chức Nhà Trắng khẳng định về ý nghĩa của chuyến đi.
Ông nhấn mạnh Tổng thống Trump đã có hơn 40 cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo khu vực. Ông cũng đã gặp lãnh đạo từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Indonesia kể từ khi nhậm chức.
Đại diện Nhà Trắng cũng nói tại Đà Nẵng, Tổng thống Trump sẽ dự cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo APEC cũng như phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC.
“Tổng thống sẽ đưa ra tầm nhìn về cam kết của Mỹ tại khu vực, thúc đẩy hệ thống kinh tế công bằng, bền vững và dựa trên các luật lệ của kinh tế thị trường”.
Tại Hà Nội, Tổng thống Trump sẽ “có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Đây là lần gặp quan trọng thứ hai của Tổng thống với lãnh đạo Việt Nam từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhà Trắng hồi tháng 5”.
Đại diện Nhà Trắng cho biết trong chuyến thăm tới Bắc Kinh, ngoài vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump sẽ thúc đẩy Trung Quốc phải “tái cân bằng thương mại đối với Mỹ” để thương mại hai bên “bền vững về lâu dài”. Trung Quốc cần có chính sách hành xử bình đẳng đối với doanh nghiệp Mỹ.
Chuyến đi châu Á sắp tới sẽ là chuyến công du dài nhất của Tổng thống Trump kể từ khi ông tiếp quản Nhà Trắng ngày 20/1.