MC Kỳ Duyên dạy con bằng công việc bồi bàn

Khi con gái muốn xin vào làm ở nhà hàng do mẹ mở, MC nổi tiếng đề nghị con phải nộp đơn, chờ phỏng vấn và cô bé bắt đầu từ công việc… bồi bàn. Bài viết mới trên Facebook của Nguyễn Cao Kỳ Duyên kể lại câu chuyện của mẹ con chị thu hút được hơn 43.000 like và 4.200 chia sẻ chỉ trong chưa đầy một ngày.

ty1-6732-1436869359.jpg

MC Kỳ Duyên có hai con gái Maili và Yenli với người chồng đầu tiên. Trong ảnh là Kỳ Duyên trong ngày con gái lớn Maili tốt nghiệp. Ảnh: Facebook.

Biết con muốn vào làm cho quán gia đình mới mở, Kỳ Duyên đề nghị con làm theo đúng quy trình xin việc: nộp đơn, đợi phỏng vấn. Quyền lựa chọn thuộc về quản lý nhà hàng, mẹ sẽ không can thiệp. Con gái có thể bị sa thải nếu không làm việc tốt. Một tháng sau, con gái của Kỳ Duyên được nhận vào làm bồi bàn, ngày làm 10 tiếng liên tục.

Thấy con phải lau nhà tắm, nhặt từng mẩu rác, chị rất vui, vì ba lý do: “Thứ nhất, nếu con có thể nhặt rác ở nhà cầu thì mẹ không còn lo sau này con không thể kiếm ra một nghề nuôi thân. Thứ hai, khi con không cần dựa vào một người đàn ông thì họ không thể khinh hoặc ngược đãi con. Đây là câu nói bà ngoại đã ‘nhồi’ vào đầu mẹ từ nhỏ, mẹ truyền lại cho con. Thứ ba, chỉ khi con hoàn toàn tư lập, con mới có quyền lựa chọn để lấy người con thật sự yêu… và lý do duy nhất là tình yêu”.

Dù vất vả nhưng cô con gái cũng rất hạnh phúc vì đã có thể tự lao động kiếm tiền. Không chỉ thế, “nhân viên bồi bàn” này còn được mẹ đưa đi massage chân.

ty2-9940-1436869359.jpg

Kỳ Duyên và hai cô con gái Maily và Yenly khi còn nhỏ. Ảnh: Ngôi sao.

Đa số bạn đọc cho rằng đây bài học dạy con rất thực tiễn và hiệu quả, sáng suốt. Anh Xuân Hiến tỏ vẻ thán phục: “Không biết cô ấy có phải là một người vợ thú vị hay không nhưng tôi thấy cô ấy là một người mẹ tuyệt vời!”.

Nhiều độc giả khác cũng nhận xét cách giáo dục con khéo léo của Kỳ Duyên là “thực tế, nhân bản, rất sáng suốt và thông thái… khi dạy con đứng lên bằng chính đôi chân của mình”. Đánh giá về tính chất công việc mà con gái Kỳ Duyên đang thử việc, một bạn nhận xét: “Không có nghề nào thấp kém. Chỉ có người không làm việc mới đáng chê”.

Anh Trần Hùng Tiến thì cho rằng: “Dù là công tử hay tiểu thư vẫn phải lao động để nên người chứ đừng dựa hơi vào gia đình. Đó là chìa khóa sự thành công, các bé lo mà noi gương nhé”.

Câu chuyện của Kỳ Duyên cũng giống như một tấm gương để nhiều bạn đọc soi lại mình và sự giáo dục của cha mẹ. Bạn đọc Diễm My chia sẻ: “Bây giờ mới hiểu tại sao ba mẹ mình không chiều chuộng mình như mẹ của các bạn khác. Từ nhỏ mẹ bắt mình tự giặt đồ đi học, đồ cá nhân, tiền tiêu vặt cho đúng không hơn không kém. Từ lớp một tới 12 tự đi học, không có xe thì đi bộ tới trường, muốn mua gì tự để dành lấy, không đua đòi, nhiều lúc rất là lười biếng không muốn động chạm vào thứ gì hết, mẹ cũng không làm cho, chỉ khi mình bị bệnh. Nhiều lúc tức mà khóc oà lên. Bây giờ sống xa mẹ, mình biết làm tất tần tật về việc nhà, từ chùi toilet cho tới nhà cửa tươm tất, chỉ có nấu ăn mình hơi hậu đậu nhưng sau này sẽ mày mò. Khi mà người khác nhìn vào bạn, bạn tốt hay xấu là do chính gia đình bạn tạo nên và dạy dỗ. Và cách báo hiếu cho cha mẹ chính là làm họ tự hào về bạn”.

Đọc câu chuyện của Kỳ Duyên, tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cảm thấy rất thú vị vì chính chị cũng rèn con theo cách đó. Cô con gái 15 tuổi của chị cũng đang là nhân viên – công tác viên trong công ty của mẹ. Tuy không phải viết đơn xin việc nhưng cô bé cũng phải làm việc như mọi nhân viên khác. Để tham gia những chương trình hè của công ty, cô bé cũng phải có mặt từ 7h sáng, trưa không ngủ để trông các bạn nhỏ, 5h chiều khi bọn trẻ về thì nhân viên mới được về, có những hôm em phải ở lại làm đến 7h tối. Tiền lương của cô bé không phải để tiêu vặt mà để lo ăn sáng và mua sách vở.

“Tôi nói với con rằng, 18 tuổi con đã là công dân, phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật tất cả mọi việc con làm, vì thế lúc đó, ít ra con cũng phải có khả năng tự lo cho mình. Có thể mẹ vẫn cho tiền ăn học nhưng ít ra con cũng phải lo được một bữa ăn cho mình. Bây giờ con 15 tuổi, con có thể tự chuẩn bị dần”.

Theo chuyên gia giáo dục, cho trẻ đi làm như thế hoàn toàn không phải là hành hạ trẻ, mà chỉ là cho trẻ tập làm quen dần với sự khắc nghiệt của cuộc sống. Bố mẹ không nên vẽ một cuộc sống toàn màu hồng cho con, bởi vì cuộc sống có cả màu xám. Ở với bố mẹ, ít ra con còn được bao bọc, nhưng khi ra đời thì không còn sự bao bọc ấy nữa.

Tiến sĩ cũng nhấn mạnh muốn dạy con tự lập, cha mẹ cần phải dạy từ tấm bé, ví dụ cho ăn bốc lúc một tuổi, rồi tự xúc ăn lúc tuổi rưỡi, 3 tuổi làm những việc tự lo cho bản thân như đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, 5 tuổi có thể làm một số việc nhà…

Tuy nhiên về bài học yêu đương, theo tiến sĩ Hương, bài học tự lập của Kỳ Duyên là chưa đủ. Mẹ cần phải dạy con biết yêu chính bản thân mình trước khi yêu người khác, phải yêu bản thân mình hơn yêu đối tượng thì con sẽ không bị sốc khi tình yêu tan vỡ, không bị đau khổ khi yêu một anh chàng đẹp trai hấp dẫn nào đó mà anh ta không để ý đến con. Thực tế có rất nhiều cô gái giỏi giang, tự lập nhưng không biết yêu bản thân mình, dẫn đến lụy tình, vật vã đau khổ và đánh mất mình vì một người con trai không biết yêu và tôn trọng cô ấy.

Bích Thục – Hồng Liên

Câu chuyện con gái xin việc của MC Kỳ Duyên

Mẹ mở nhà hàng, con gái xin việc. Mẹ nói: “Được nhưng con phải nộp đơn xin việc như bao nhiêu người khác và được hay không là tùy ở quản lý của nhà hàng, và nếu con làm không tốt bị đuổi việc, mẹ cũng không can thiệp đâu nhé. Được hay không hoàn toàn nơi con”.

Thế là con nộp đơn và sau một tháng chờ đợi, con được gọi đi phỏng vấn và được nhận vào làm… bồi bàn. Hôm qua, mẹ đến tiệm thấy con gái chạy bàn đứng 10 tiếng đồng hồ (mỗi 4 tiếng được nghỉ 15 phút). Sau khi đóng cửa còn ở lại thêm một tiếng để dọn dẹp bàn ghế lau chùi.

Chính mắt mẹ thấy con lau nhà tắm và cuối xuống nhặt từng miếng rác. Cảm nghĩ của mẹ? Vui sướng và hạnh phúc hơn bao giờ!

Thứ nhất, nếu con có thể nhặt rác ở nhà cầu thì mẹ không còn lo sau này con không thể kiếm ra một nghề nuôi thân.

Thứ hai, khi con không cần dựa vào một người đàn ông thì họ không thể khinh hoặc ngược đãi con. Đây là câu nói Bà Ngoại đã “nhồi” vào đầu mẹ từ nhỏ, mẹ truyền lại cho con.

Thứ ba, chỉ có khi con hoàn toàn tư lập con mới có quyền lựa chọn để lấy người con thật sự yêu… và lý do duy nhất là tình yêu.

Đóng cửa nhà hàng xong hai mẹ con ra về. Tưởng con mệt lắm ai ngờ mắt con sáng ngời khoe mẹ hôm nay làm những gì, “tip” bao nhiều, cộng thêm tiền lương bao nhiêu… Mẹ thấy được sự tự hào nơi con với đồng lương do mình làm. Mẹ thấy được mẹ trong con của thời xa xưa.

– Mai con có phải đi làm không?

– Không mai con được nghỉ.

– Ồ vậy mai hai mẹ con mình đi massage chân nhé… mẹ bao!

Con cười sung sướng “Oh yeeesssss please!!” (Ồ, vâng ạ).

Leave a Reply