GARDEN GROVE, California (NV) – Chỉ sau hai ngày đến Mỹ, nhạc sĩ Việt Khang đã xuất hiện trên Đài truyền hình SBTN nói chuyện tâm tình cùng đồng hương và bầy tỏ lòng biết ơn của mình với tình cảm sâu nặng của cộng đồng người Việt khắp nơi đã dành cho anh.
Trên sân khấu của Đài SBTN, trước một hội trường nhỏ để thâu hình, vào lúc 1 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 11 Tháng Hai, nhạc sĩ Việt Khang tươi tắn ngồi giữa hai xướng ngôn viên của SBTN là Tường Thắng và Ngọc Đan Thanh đặt những câu hỏi trong chủ đề “Việt Khang Tâm Tình & Cám Ơn Cộng Đồng Người Việt.”
Tường Thắng mở đầu buổi tâm tình của Việt Khang hỏi: “Khi sáng tác, Việt Khang có nghĩ những bài hát của mình sẽ đưa mình vào tù không?”
Bằng một giọng nói hòa nhã, Việt Khang cho biết được một tổ chức trẻ có tên là “Tuổi Trẻ Yêu Nước” mời tham gia. Nhận thấy mục tiêu của tổ chức rất phù hợp với nguyện vọng của mình nên đã tham gia cộng tác. Đó là mục tiêu chống bất công, chống giặc Tàu. Bài hát đầu tiên “Anh là ai?,” “Việt Nam, quê hương tôi đâu” là những xuất phát từ những cảnh bất công, đàn áp người dân… của nhà nước. Khi làm xong Việt Khang có hát cho vợ nghe và rồi góp ý với nhau là phải thận trọng khi phổ biến. Nhưng Việt Khang chỉ tin rằng cùng lắm là tù một tháng… Anh em trong Tuổi Trẻ Yêu Nước đã coi đó là những bài hát thức tỉnh người dân và đã cùng nhau phổ biến. Bài hát được lan truyền nhanh chóng không chỉ trong nước và cả ngoài nước nhờ làn sóng truyền hình của đài SBTN của anh Trúc Hồ.
Ngọc Đan Thanh hỏi về cảm xúc nào khiến Việt Khang viết nên những bài ca giá trị như vậy. Việt Khang bầy tỏ, mỗi bài hát được ra đời như là một cái duyên của nó nghĩa là không phải tự nhiên mà nó thoát ra đâu mà phải có một điều gì thiêng liêng, một điều gì nó làm thổn thức người sáng tác nên người sáng tác phải cho nó ra đời bằng tình cảm đặc biệt.
Ngay sau đó Đài đã phát bài “Việt Nam, quê hương tôi đâu” do chính tác giả ca.
Tiếp tục buổi tâm tình, nhạc sĩ Việt Khang đã kể những ngày tháng trong tù và việc tiếp tục sáng tác.
Bài “Trả lại cho em,” theo Việt Khang là làm ở trong tù, khi chuyển được ra ngoài một anh em xin đổi thành “Trả Lại Cho Dân” hay “Trả Lại Cho Toàn Dân” để sát thực tế và có ảnh hưởng rộng lớn hơn.
Việt Khang cho biết anh không hề nghĩ tới những bài nhạc của mình lại có được ảnh hưởng lớn rộng đến thế. Các bài nhạc của Việt Khang không chỉ cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới biết đến mà cả những quốc gia như Na Uy, cộng đồng người Việt mình đã phổ biến trong bạn bè thân hữu và đến tai một danh ca Na Uy, danh ca Pal Moddi Knutsen. Ông này đang soạn một Album về những bài ca bị nhà cầm quyền cấm đoán phổ biến trong nước nên đã tìm cách gặp Việt Khang và đưa bài “Việt Nam, quê hương tôi đâu” vào Album gồm có 12 ca khúc bị cấm đoán tại 12 quốc gia.
Việt Khang cho biết tiếp: “Sự liên lạc giữa chúng tôi tiếp tục và khi biết tôi đã ra tù và được định cư ở Hoa Kỳ ông đã mời tôi sang Na Uy lưu diễn cùng ông vào mùa hè năm nay trên khắp đất nước Na Uy.”
Tiếp đó nhạc sĩ Trúc Hồ đã cùng Tường Thắng kể lại quá trình vận động cho Việt Khang, nhắc đến những gian lao nhưng anh em và cộng đồng người Việt hải ngoại không nản lòng và đã được Thượng Nghị Sĩ John McCain can thiệp với sự trợ giúp của nữ luật sư của ông là cô Thục Minh cùng là các hội đoàn đấu tranh của người Việt hải ngoại cho đến khi Việt Khang đến được bến bờ tự do! (Nguyên Huy)