Từ trái qua: Phạm Nhật Vũ (em trai tỉ phú Phạm Nhật Vượng), Nguyễn Thanh Phượng (con gái cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng) và Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Mobifone. (Hình: Internet)
Hầu hết các báo tại Việt Nam đều đưa tin, sau một phiên họp giữa đại diện hai công ty Mobifone và AVG có sự tham dự của đại diện Bộ Thông Tin và Truyền Thông, hai công ty vừa kể đã “thống nhất” hủy bỏ “toàn bộ” hợp đồng trong đó Mobifone sẽ mua AVG với giá chuyển nhượng là 8,889.8 tỷ đồng (khoảng $391 triệu) mà hai bên đã ký kết với nhau từ Tháng Giêng, 2016.
Theo những gì thấy nêu trên mặt báo: “MobiFone và AVG thống nhất hủy việc chuyển nhượng 344.66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thỏa thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 8,889.8 tỷ đồng. Các cổ đông đã chuyển nhượng (phía AVG) sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán. Còn MobiFone cũng trả lại AVG số cổ phần và các tài sản đã nhận chuyển nhượng. Đồng thời, hai bên “sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này.” Bản tin của VNExpress viết hôm 13 Tháng Ba, 2018, về sự thỏa thuận ký hôm 12 Tháng Ba, 2018.
Theo VNExpress tường thuật: “Đại diện cho AVG trong cuộc thương thảo với MobiFone, ông Phạm Nhật Vũ đã đồng ý không yêu cầu phạt và đòi bồi thường khi hủy giao dịch. Ngoài số tiền đã thanh toán cho AVG, MobiFone cho biết đã phải trả một số chi phí liên quan như thuê tư vấn và đại diện AVG cũng đồng ý sẽ thanh toán cả những khoản này.”
Mobifone là tổng công ty quốc doanh kinh doanh dịch vụ điện thoại di động trực thuộc Bộ Thông Tin và Truyền Thông. AVG là công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) có ông Phạm Nhật Vũ, em ruột nhà tư bản đỏ tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng, làm chủ hơn 50% cổ phần.
Cuộc họp và thỏa thuận xé bản hợp đồng hai công ty đã ký với nhau được vội vã xúc tiến sau khi “ban bí thư” đảng CSVN do chính ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ngồi chủ tọa ngày 8 Tháng Ba, 2018, “nghe Ban Cán Sự Đảng Thanh Tra Chính Phủ báo cáo kết quả việc thanh tra dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.”
Sau khi nghe, theo tường thuật của tờ Thanh Niên: “Ban Bí Thư cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh Tra Chính Phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận và báo cáo với Ban Bí Thư.”
Theo đó, “Ban Bí Thư đề nghị Thường Trực Chính Phủ, Thanh Tra Chính Phủ chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, sớm công bố kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật. Các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc bảo đảm khách quan, chính xác theo quy định của đảng và pháp luật nhà nước với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật và thu hồi tài sản nhà nước bị thất thoát,” báo Thanh Niên tường thuật.
Diễn giải đoạn tin này, người ta thấy nhóm lãnh đạo công ty quốc doanh Mobifone với sự chống lưng của các sếp trực tiếp tại Bộ Thông Tin và Truyền Thông, bị nhìn thấy đã mánh mung, toa rập với nhóm tư bản đỏ, tẩu tán tài sản nhà nước để chia nhau trước khi Mobifone được cổ phần hóa, bán lại trên thị trường chứng khoán để nhà nước rút tiền ra.
Hợp đồng Mobifone mua AVG vào đầu năm 2016 khi ông Nguyễn Bắc Son chưa rời ghế bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông và ông Trương Minh Tuấn vẫn còn là thứ trưởng của bộ này, chưa được đôn lên làm bộ trưởng.
Vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG đã âm ỉ trên mạng xã hội từ năm 2015 vì những khuất tất và những đồn đoán về vai trò của Bộ Trưởng Tuấn và bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái “rượu” của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị cho là “chủ mưu” trong vụ này.
Ông Tuấn, khi còn là thứ trưởng, đã ký quyết định phê duyệt để ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Mobifone, ký hợp đồng mua AVG. Bà Nguyễn Thanh Phượng, cựu chủ tịch ngân hàng Bản Việt, là người bị cáo buộc “đưa Lê Nam Trà lên ghế chủ tịch Mobifone và cùng Phạm Nhật Vũ (em trai của Phạm Nhật Vượng và là chủ tịch AVG) tính kế đưa AVG lên mức giá cao hơn chín lần giá trị thực.”
Tuy là một vụ mua bán không có gì gọi là “bí mật quốc gia” cần phải giấu đút, nhưng nội dung cuộc mua bán giữa Mobifone và AVG lại bị giữ kín. Hồi đó, đã có tin ì xèo về việc Mobifone bỏ ra một số tiền rất lớn (tương đương gần $400 triệu) để mua công ty AVG đang lỗ chỏng gọng, trị giá chỉ khoảng hơn $80 triệu, có thể thấp hơn.
Bởi vậy, nhà cầm quyền trung ương đã “yêu cầu qua thanh tra, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”
Theo tờ Dân Trí ngày 4 Tháng Tám, 2016, một nhóm nhân viên của Mobifone đã gửi đơn tố cáo đến nhiều báo trong nước nghi ngờ đám lãnh đạo Mobifone và có thể cả những chức sắc cầm đầu Bộ Thông Tin và Truyền Thông toa rập với nhau để rút ruột nhà nước.
Tờ Dân Trí kể: “Trên cơ sở định giá, MobiFone đã đưa ra kế hoạch kinh doanh đối với AVG sau khi mua lại cổ phần với dự kiến trong hai năm 2015 và 2016 của AVG vẫn lỗ lần lượt 316 và 91 tỷ đồng. AVG được xác định bắt đầu có lãi từ năm 2017 với 156 tỷ đồng và được cho là sẽ bứt tốc mạnh mẽ trong các năm sau đó, đạt 732 tỷ đồng năm 2018, đạt 945 tỷ đồng năm 2019 trước khi gặt 1,876 tỷ đồng năm 2020.”
Tờ Dân Trí viết tiếp: “Kế hoạch mua lại AVG của MobiFone hồi năm ngoái (tức năm 2015) đã gặp phải phản đối của một bộ phận cán bộ, nhân viên trong tổng công ty này. Trong một đơn tố cáo gửi đến cơ quan báo chí thời điểm Tháng Tám, 2015, nhóm nhân viên nội bộ MobiFone cho rằng việc lãnh đạo MobiFone mua lại AVG một cách vội vàng có thể làm sụp đổ cả một tổng công ty mạnh có lợi nhuận hàng năm lên tới 5,000-6,000 tỷ đồng. Tại đơn tố cáo này, nhóm cán bộ, nhân viên trên đánh giá, truyền hình An Viên là đơn vị đang kinh doanh thua lỗ triền miên, không một tổ chức hay cá nhân nào muốn đầu tư mua cổ phần của AVG vậy mà các lãnh đạo của MobiFone lại quyết định đầu tư số tiền khổng lồ vài trăm triệu USD để mua lại. Việc này khiến nhân viên MobiFone lo ngại sẽ dẫn kinh doanh của MobiFone bị thua lỗ, thậm chí sụp đổ.”
Thanh tra chính phủ đã được đẩy vào điều tra nhì nhằng hơn một năm trời không thấy công bố kết luận điều tra cho dân biết dẫn đến việc mới đây “Ban Bí Thư yêu cầu Thanh Tra Chính Phủ sớm công bố kết luận thanh tra.” Tiếp theo là loan báo “thống nhất hủy bỏ” vụ mua bán và sáng ngày 13 Tháng Ba, 2018, “Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã báo cáo Ban Bí Thư, Thường Trực Chính Phủ, Tổng Thanh Tra Chính Phủ về thông tin hủy bỏ thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần giữa Mobifone và AVG,” bản tin của tờ Người Lao Động.
Tờ Tuổi Trẻ hôm Thứ Ba tiết lộ vài chi tiết đáng chú ý.
“Trong thương vụ Mobifone mua lại cổ phần của công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG), các cá nhân nhận đa số (khoảng 8,051 tỷ đồng hay khoảng $355 triệu) trong tổng giá trị của thương vụ là 8,889.8 tỷ đồng (khoảng hơn $391 triệu).” Tuổi Trẻ viết như vậy và nói “có 8 trường hợp chuyển nhượng cổ phần của công ty AVG cho Mobifone, trong đó có 2 doanh nghiệp và 6 cá nhân.”
Thêm nữa “AVG đăng ký trụ sở chính cùng địa điểm với bưu điện tỉnh Bình Dương nhưng chủ yếu chỉ dùng địa chỉ này để liên lạc, nhận thư từ còn bộ máy không có.” Một đại công ty “nghe nhìn toàn cầu” vốn cả ngàn tỉ đồng mà trụ sở chính lại chỉ là một hộp thư ở bưu điện tỉnh Bình Dương?
Độc giả nhiều tờ báo tại Việt Nam bày tỏ ngạc nhiên và nhiều người cho rằng đám quan chức nhà nước và đám tư bản đỏ toa rập với nhau nhưng nuốt không trôi nên đành nhả ra.
Trên tờ Người Lao Động độc giả bút danh “Tran Hung” bình luận: “Tui ăn trộm bò đem về chuồng nhà mình. Biết bị lộ tui đem trả lại. Huề cả làng.” Độc giả “ông chín Paris” bình luận: “Ăn được là Trời cho, không được là trò chơi.” Độc giả “Nguyễn bá thuyền” viết: “Vụ việc vi pham đặc biệt nghiêm trong được phát hiện phải được xử lý theo pháp luật. Việc khắc phục hậu quả chỉ là tình tiết giảm nhẹ mà thôi.” Độc giả “Đinh Hữu Chinh” viết: “Đây chỉ là hành động đối phó khắc phục hậu quả chứ không được tha thứ hoàn toàn vì đã có hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự.” Còn độc giả tên “Hoàng” viết: “Nếu không xử vụ này thật nghiêm, sẽ tạo tiền đề và khe hở để kẻ tham nhũng thoát tội…”
Trên tờ Tuổi Trẻ người ta cũng thấy những lời bình luận tương tự của độc giả. Điều này chứng tỏ dư luận biết vụ Mobifone mua AVG là trò rút ruột nhà nước “của công thành của ông” một cách trắng trợn núp dưới những hình thức có vẻ bề ngoài hợp pháp.
Liệu vụ việc “nhất trí” hủy hợp đồng Mobifone mua AVG sẽ coi như cho chìm xuồng để cứu các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà hay ông “chủ lò” Nguyễn Phú Trọng sẽ làm tới nơi tới chốn “kiên quyết, chặt chẽ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật”? Thiên hạ, như độc giả các tờ báo tại Việt Nam viết bình luận, đang chờ xem. (TN)