Công việc của những người mua sắm giùm ra sao? Theo trang web Best Job Descriptions, những người “personal shopper” này sẽ giúp khách hàng chọn, mua thực phẩm hay quần áo và các món đồ khác. Công việc của họ còn có mua quà giùm đến cho khách hàng lời khuyên về thời trang.
Những người mua sắm giùm phải rành khách hàng để đưa ra lời khuyên và tạo ra dịch vụ để đáp ứng đúng với nhu cầu của từng người. “Personal shopper” phải đảm đương trách nhiệm thỏa mãn nhu cầu của từng khách hàng nên phải rành các trào lưu.
Nghề này có nhiều cấp độ, từ đi mua sắm giùm đến chuyên gia tư vấn riêng cho từng khách hàng. Những người “personal shopper” ở mọi cấp độ cần phải tạo ra được một mối quan hệ thân thiết với khách hàng vì họ là một nhà tư vấn cho khách. Có thể nói, những người “personal shopper” này là định nghĩa của từ “dịch vụ.” Những người theo nghề này phải có “khách quen” vì không phải lúc nào cũng có người cần mua sắm giùm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng trở thành chuyên gia tư vấn được, nên nhiều người chỉ làm mua sắm giùm khách hàng, nhất là đi chợ.
Các siêu thị ở địa phương thường hay có dịch vụ giao hàng đến nhà khách. “Personal shopper” không chỉ thay siêu thị giao hàng mà còn lựa chọn các món hàng và thực phẩm theo đúng ý khách.
Nếu đi chợ hay mua sắm giùm người khác thì lương bổng ra sao? Trang web Money Pantry cho biết các siêu thị có thể thuê người mua, giao hàng cho khách và trả lương đến $25/giờ. Mức lương của “personal shopper” còn tuy theo kiện hàng lớn bao nhiêu và lương có thể từ $20 đến $50/giờ. Ngoài ra, họ còn có thể tính thêm phí 10% của hóa đơn mua sắm. Theo trang web tìm việc làm Glassdoor, mức lương trung bình theo năm của “personal shopper” là $34,429 nên hoàn toàn “đủ sống.”
Nghề “personal shopper” đòi hỏi người làm có bằng cấp ra sao? Ở cấp độ đi chợ hay mua sắm giùm thì không cần bằng cấp gì. Nhưng ở cấp độ tư vấn, những người muốn theo nghề này cần biết về thời trang, thương vụ, truyền thông và cần có kinh nghiệm mua bán.
Hiện nay, có nhiều công ty làm dịch vụ mua sắm giùm người khác như Instacart. Công ty này sẽ kết nối những người mua sắm giùm với khách hàng cần đi chợ. Những nhân viên làm cho công ty này không cần có xe. Ngoài ra, họ còn được trả lương theo tuần và giờ làm việc thoải mái. Nhân viên có thể chọn những ngày có nhiều khách để làm và muốn nghỉ ngày nào cũng được.
Ngoài Instacart ra, còn có công ty Shipt. Công ty này làm dịch vụ mua, giao hàng cho thành viên và đang tuyển người để làm dịch vụ này. Cũng như Instacart, nhân viên có thể kiếm tiền nhanh và định giờ làm việc tùy ý. Công ty Shipt hoạt động ở 72 thành phố tại Hoa Kỳ và hợp tác với nhiều cửa hàng bán lẻ để nhân viên có thể dễ dàng làm việc. Mức lương cao nhất của nhân viên là $25/giờ.
Nếu không muốn làm việc cho công ty nào, những người “personal shopper” có thể tự mở dịch vụ của mình và nên định giá từ $20 từ đến $50/giờ tùy theo dịch vụ. Nếu tự mở dịch vụ mua sắm giùm, những người chủ cần có xe tốt, cần phải có thời gian để nhận khách hay giao hàng và cũng cần có tờ rơi và danh thiếp để quảng bá dịch vụ của mình. Tuy nhiên, những người chủ dịch vụ cần phải lập ra một hệ thống thu tiền ổn định như tạo ra một trang web hay ứng dụng điện thoại và phải chịu trả tiền mua sắm trước giùm khách rồi mới thu tiền khi giao hàng.
Nghề mua sắm giùm hay “personal shopper” thường được những người ở khu đô thị theo vì có nhiều người bận bịu đi làm và không tự đi mua sắm được. Lương của những người đi mua sắm giùm từ $20 đến $50/giờ và những người làm nghề này ở cấp độ tư vấn có thể kiếm đến $300/giờ. Vì vậy, đây là một nghề đáng để cân nhắc. (Thiện Lê)