TTO – Nước Mỹ đang hướng tới một tương lai “xanh” trong 3 thập niên tới khi năng lượng mặt trời là nguồn cung tới 45% nhu cầu điện của xứ cờ hoa, gấp 15 lần mức hiện tại.
Ngày 8-9, Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo “Nghiên cứu tương lai năng lượng mặt trời”, trong đó cho biết dự kiến đến năm 2035 điện mặt trời chiếm 40% nguồn cung điện của Mỹ và đến năm 2050 là 45%. Đây sẽ là những mục tiêu rất đột phá so với mức 3% hiện nay.
Mục tiêu tham vọng
Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ bao gồm một số mục tiêu chính sách, nhưng còn nhiều chi tiết và quyết định cuối cùng sẽ còn chờ Quốc hội phê chuẩn.
Báo cáo vạch ra một số bước cần thực hiện để đạt được mục tiêu 40%. Trong đó có lắp đặt hệ thống điện mặt trời với tổng công suất 30 gigawatt mỗi năm từ nay đến 2025, và 60 gigawatt mỗi năm trong giai đoạn 2025 – 2030.
Nghiên cứu cũng kêu gọi triển khai thêm các hạ tầng giúp nâng cao khả năng truyền tải như thiết bị lưu trữ, lưới điện siêu nhỏ và hệ thống dự báo. Những công cụ này đóng vai trò duy trì độ tin cậy và hiệu suất của lưới điện khi năng lượng tái tạo chiếm ưu thế.
“Nghiên cứu này đã làm sáng tỏ một sự thật: Năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng sạch rẻ nhất và phát triển nhanh nhất của chúng ta – có thể cung cấp đủ điện dùng cho mọi gia đình Mỹ vào năm 2035” – Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, bà Jennifer Granholm, nói.
“Để có được tương lai tươi sáng đó, cần triển khai năng lượng tái tạo quy mô lớn và công bằng cũng như các chính sách khử carbon mạnh mẽ. Đây vốn là những điều đã được nêu trong Đạo luật việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng của hai đảng (Cộng hòa và Dân chủ) và chương trình nghị sự “Xây dựng lại tốt đẹp hơn” của Tổng thống Biden” – bà Jennifer Granholm chỉ ra.
Hiệp hội Công nghiệp năng lượng mặt trời Mỹ (SEIA) ủng hộ kế hoạch của chính quyền ông Biden. Nhóm môi trường NRDC cũng đồng tình và kêu gọi Quốc hội Mỹ tài trợ đủ cho các khoản đầu tư điện sạch trong quy trình phân bổ ngân sách hiện tại để hiện thực hóa kế hoạch này.
Liệu có khả thi?
Bộ Năng lượng Mỹ đưa ra báo cáo trên trong bối cảnh Tổng thống Biden đang thúc đẩy nhiều chương trình hành động mạnh mẽ về năng lượng tái tạo và chống biến đổi khí hậu.
Quốc hội Mỹ cũng đang tranh luận về các đề xuất lớn nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng sau một loạt thiên tai nghiêm trọng gần đây như cháy rừng, bão. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã làm lộ ra những khiếm khuyết nghiêm trọng trong lưới điện và hạ tầng sản xuất điện tại các bang như California, Texas và Louisiana. Tại những nơi đó, hàng trăm ngàn người đã phải sống không điện đóm suốt hơn một tuần sau khi bão Ida đổ bộ.
Tháng trước, Nhà Trắng công bố mục tiêu từ nay đến năm 2030, 50% số ôtô bán tại Mỹ phải là loại không phát thải. Đây được xem là mục tiêu táo bạo và để đạt được sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các chính sách công, đầu tư của khu vực tư nhân và thị hiếu người tiêu dùng.
Cũng tháng trước, Bộ Nội vụ Mỹ thông báo sẽ khởi động quy trình tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tiếp cận các vùng đất rộng của liên bang phục vụ nhu cầu phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Theo ông Dan Pickering, nhà sáng lập Công ty Pickering Energy Partners ở TP Houston, cũng như các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng khác, mục tiêu về điện mặt trời của Tổng thống Biden “chứa đầy khát vọng nhưng không thực tế” vì sẽ phải tiêu tốn hàng ngàn tỉ USD.
Báo cáo trên là dấu hiệu rõ ràng nhất đến nay cho thấy chính quyền ông Biden có ý định chủ yếu dựa vào điện mặt trời thay vì điện gió để khai thác năng lượng tái tạo.
“Đây thật sự là một cuộc cạnh tranh giữa gió và mặt trời” – ông Fengqi You, giáo sư kỹ thuật hệ thống năng lượng tại ĐH Cornell (Mỹ), bình luận.
Cho rằng phần lớn các tấm pin mặt trời được lắp đặt tại Mỹ là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, ông Fengqi You nhận định: “Nếu Mỹ tăng cường sản xuất điện mặt trời, điều đó sẽ còn liên quan đến các vấn đề địa chính trị phức tạp”.
Chính sách và nguồn lực
Theo Bộ Tài chính Mỹ, tương lai của điện mặt trời tại Mỹ cũng phụ thuộc vào các khoản đầu tư công khổng lồ cho lưới điện (vốn ban đầu được thiết kế cho hệ thống khai thác năng lượng từ than đá và khí tự nhiên) và những thay đổi chính sách nhằm giảm nguồn năng lượng khai thác từ carbon.
Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho rằng để đạt mục tiêu khử carbon trong ngành điện vào năm 2035 của ông Biden, sẽ cần dành riêng một khu vực có diện tích lớn hơn cả đất nước Hà Lan cho ngành công nghiệp điện mặt trời.