WASHINGTON, DC (NV) – Câu trả lời là “có.” Nhưng trục xuất như thế nào? Và được bao nhiêu cho tới nay?
Anh Tùng Nguyễn (trái), một người từng nằm trong diện bị trục xuất khỏi Mỹ. (Hình minh họa: Coutersy of Tung Nguyen)
Để trả lời câu hỏi này không đơn giản vì cho tới nay, mặc dù chính sách di dân của Hoa Kỳ có cứng rắn hơn kể từ ngày ông Donald Trump làm tổng thống, nhưng không rõ có thật sự thay đổi gì nhiều đối với tình trạng trục xuất người Việt phạm pháp về nước hay không.
Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Ngày 24 Tháng Giêng, 2008, ông Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, được ông Nguyễn Thế Cường, phát ngôn viên tòa Đại Sứ Việt Nam ở Washington, DC, trích lời cho biết về thỏa thuận trục xuất người Việt phạm pháp ở Mỹ như sau:
“Ngày 22 Tháng Giêng, 2008, tại Hà Nội, bà Julie Myers, phụ tá bộ trưởng Bộ Nội An Hoa Kỳ, và ông Đào Việt Trung, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, ký một thỏa thuận, theo đó, chỉ nhận những công dân Việt Nam không phải là công dân Mỹ hoặc công dân bất cứ nước nào, trước đây từng sống ở Việt Nam và hiện không sống tại quốc gia thứ ba, vi phạm luật Hoa Kỳ và bị giới chức thẩm quyền ra lệnh trục xuất, sau khi hoàn tất án tù vì phạm tội.”
“Thỏa thuận này không áp dụng với công dân Việt Nam đến Mỹ trước ngày 12 Tháng Bảy, 1995, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”
“Chương trình hồi hương sẽ được thực hiện một cách trật tự và an toàn, phù hợp với luật của Mỹ, luật quốc tế, và các điều khoản trong thỏa thuận này, trong khi cũng xét đến vấn đề nhân bản, đoàn tụ gia đình, và các trường hợp đặc biệt của từng cá nhân hồi hương, trong khi tôn trọng phẩm giá của người bị trục xuất.”
“Diễn giải mới” của chính quyền Donald Trump
Một bản tin của nhật báo The Washington Post (WaPo) hôm 31 Tháng Tám, 2018, cho biết: “Chính quyền Donald Trump, trong một thay đổi chính sách do cố vấn Stephen Miller soạn thảo, diễn giải thỏa thuận năm 2008 do chính quyền George W. Bush đạt được với Việt Nam – rằng công dân Việt Nam đến Mỹ trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ‘không bị trục xuất.’ Bây giờ, Tòa Bạch Ốc nói, không có miễn trừ như vậy đối với bất cứ người Việt không phải công dân Mỹ phạm tội nữa.”
Có nghĩa là, nếu không phải công dân Mỹ mà phạm tội là đều có thể, hoặc ít nhất là nằm trong diện, bị trục xuất về Việt Nam, cho dù có thỏa thuận năm 2008.
Ngoài ra, vẫn theo WaPo, Bộ Ngoại Giao Mỹ lập luận dựa theo thỏa thuận của hai bên, đó là Việt Nam và Mỹ “duy trì vị thế pháp lý riêng của hai bên,” liên quan đến những trường hợp người Việt đến Mỹ trước năm 1995.
“Quan điểm của Mỹ là mỗi quốc gia có bổn phận pháp lý quốc tế nhận lại công dân của mình mà quốc gia khác tìm cách trục xuất,” Bộ Ngoại Giao Mỹ cho WaPo biết như vậy, nhưng lại không chịu trả lời câu hỏi của báo này hỏi cụ thể trường hợp Việt Nam.
Không hoàn toàn công nhận thỏa thuận?
Cho tới nay, chưa có văn bản nào của cả Mỹ lẫn Việt Nam lên tiếng chính thức hủy bỏ thỏa thuận năm 2008.
Trong khi đó, vẫn theo WaPo, các nhà hoạt động cho quyền di dân nói rằng chính quyền Mỹ “nuốt lời hứa” đối với thỏa thuận này.
Theo WaPo, quan điểm của chính quyền Donald Trump là thỏa thuận 2008 không nhằm bảo vệ một nhóm di dân nào đó để họ không bị ngược đãi chính trị khi trở về Việt Nam.
Chính quyền Donald Trump cho rằng, thỏa thuận năm 2008 đạt được là vì hai bên không giải quyết được “bế tắc” liên quan đến các trường hợp người Việt đến Mỹ trước năm 1995, theo WaPo trích lời một giới chức cao cấp trong chính quyền, cho biết qua điều kiện ẩn danh, vì không thể công khai thảo luận các vấn đề nội bộ.
“Lúc đó, chúng tôi ở trong tình trạng mà trong một thời gian dài, họ không chịu nhận bất cứ người nào hồi hương,” giới chức này nói với WaPo. “Giả thiết (lúc đó, 2008) là ‘Thôi kệ, cứ tạo ra một hệ thống nào đó và cố gắng nhận ít nhất là một số người phạm tội.’”
Việt Nam nói gì?
Trong tuyên bố gửi riêng cho VOA tiếng Việt ngày 25 Tháng Tư, 2018, bà Nguyễn Phương Trà, phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, cho biết: “Việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam là vấn đề quan trọng được Việt Nam và Hoa Kỳ thảo luận nghiêm túc.”
Bà Trà nói thêm rằng các cuộc thương thảo được thực hiện “trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có hiệp định ký năm 2008 giữa chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam về việc nhận trở lại công dân Việt Nam, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định pháp luật của hai nước.”
“Việt Nam đã và đang phối hợp với Hoa Kỳ trong vấn đề này,” phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam nói tiếp.
Có bao nhiêu người Việt Nam bị trục xuất?
Theo dữ kiện của Bộ Nội An, hiện có khoảng 8,600 người Việt Nam nằm trong diện bị trục xuất vì phạm tội.
Mặc dù có thay đổi về chính sách di trú của Mỹ đối với người Việt Nam, cho tới nay, Mỹ vẫn chưa trục xuất được nhiều người Việt về quê cũ của họ.
Theo WaPo, ít nhất có 57 người Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995 bị cảnh sát di trú (ICE) bắt từ giữa Tháng Sáu năm nay, theo con số do ICE cung cấp cho các luật sư.
Ngoài ra, có 11 người bị trục xuất về Việt Nam, nơi chắc chắn họ sẽ bị an ninh nghi ngờ, vẫn theo WaPo. Nhiều người trong số họ vẫn chưa có thẻ căn cước để đi làm, để lấy bằng lái xe, theo các luật sư cho biết.
Theo dữ kiện của ICE, có 71 người Việt bị trục xuất về nước năm 2017, so với 35 người trong năm 2016, và 32 người trong năm 2015, Reuters cho biết.
Những dữ kiện này không cho biết những người này đến Mỹ năm nào.
Trong khi đó, bà Brenda Raedy, phát ngôn viên ICE, nói với WaPo rằng “chúng tôi tập trung vào những cá nhân có thể đe dọa an ninh quốc gia, an toàn công cộng, và an ninh biên giới.”