Khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tìm cách bác đi quyết định hoãn thi hành lệnh cấm nhập cảnh với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo của Thẩm phán liên bang Seattle, chuyên gia nghiên cứu hiến pháp cho rằng nước Mỹ đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng hiến pháp toàn diện.
“Đây là một cuộc đối đầu giữa tổng thống và hiến pháp”, bà Marci Hamilton, một chuyên gia nghiên cứu hiến pháp và học giả về tôn giáo tại Đại học Pennsylvania nói.
“Khoảnh khắc mà ông Trump hay bất cứ ai không tuân theo lệnh của tòa án liên bang là lúc chúng ta sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng hiến pháp”, bà Hamilton nói thêm.
Phán quyết hoãn thi hành lệnh cấm nhập cảnh được Thẩm phán liên bang Seattle James Robart ban bố hôm 3.2. Hôm 4.2, Tổng thống Donald Trump đã nói rằng phán quyết của Thẩm phán Robart là “vô lý và sẽ được thay đổi”.
Tuy nhiên, theo bà Hamilton, trái với tuyên bố của ông Trump, trên thực tế Bộ Tư pháp không nộp bất kỳ văn bản đình chỉ khẩn cấp nào nhắm vào quyết định của Thẩm phán Robart trong ngày 3.2, vì vậy đã làm giảm nguy cơ của cuộc khủng hoảng hiến pháp đang trên đà phát triển.
Cho đến khi Bộ Tư pháp ra văn bản đình chỉ khẩn cấp phán quyết của Thẩm phán Robart thì cánh cửa đến Mỹ lại mở ra đối với những người tị nạn và công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo bị ông Trump “cấm cửa”.
Phán quyết của Thẩm phán Robart chỉ là tạm thời, tuy nhiên vẫn có nhiều vụ kiện khác liên quan đến lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump, và dựa theo án lệ hiện nay thì các tòa án liên bang khác sẽ đưa ra phán quyết bất lợi cho ông Trump.
Với việc Bộ Tư pháp Mỹ đang phản ứng mạnh với lệnh chống nhập cảnh của ông Trump thì có thể vụ việc sẽ được hình sự hóa.
“Sau đó, chúng ta hướng đến mức độ Tòa phúc thẩm và Tòa án tối cao của Mỹ”, bà Hamilton khẳng định.
Chuyên gia nghiên cứu hiến pháp Hamilton nói với The Guardian rằng bà rất ngạc nhiên trước sự không chắc chắn về nền tảng pháp lý của lệnh chống nhập cảnh vừa được ông Trump ban hành, từ đó dẫn đến tình trạng hiện nay.
Ông Trump và các cộng sự lập luận rằng ông ra lệnh chống nhập cảnh là để giữ nước Mỹ an toàn khỏi các nguy cơ khủng bố từ nước ngoài và Nhà Trắng có quyền hạn lớn trong vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, quyền hạn này thông thường chỉ được thực hiện trong những tình trạng khẩn cấp, và ông Trump lại không chứng minh được có mối đe dọa chống lại nước Mỹ từ công dân của 7 quốc gia Hồi giáo bị cấm nhập cảnh.
“Tổng thống có thể bỏ qua hiến pháp bằng quyền hạn ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhưng đó phải là một mối đe dọa thật sự chứ không phải chỉ là một vài người đến từ một số quốc gia”, bà Hamilton nói.
“Vụ khủng bố ngày 11.9.2011 là một trường hợp khẩn cấp, Tổng thống Mỹ khi đó đã đơn phương đóng cửa các sân bay và mọi người không thể nhập cảnh vào Mỹ trong một thời gian”, chuyên gia nghiên cứu hiến pháp lấy ví dụ.
Thiên Hà (theo The Guardian)