Tình báo Mỹ nhận định Trung Quốc có thể trang bị pháo điện từ với tầm bắn tới 200 km cho tàu chiến trong chưa đầy 10 năm nữa.
Pháo điện từ được Trung Quốc thử nghiệm hồi tháng 2/2018. Ảnh: Twitter. |
Các nguồn tin tình báo Mỹ hôm 22/6 tiết lộ Trung Quốc đang tích cực thử nghiệm pháo điện từ mạnh nhất thế giới và có thể đưa loại vũ khí này vào biên chế trước năm 2025. Mẫu pháo của Trung Quốc có thể đạt tầm bắn 200 km và sơ tốc đầu nòng 9.300 km/h, cho phép tiêu diệt mọi mục tiêu bị nhắm bắn trong vòng 90 giây, CNBC đưa tin.
Mỗi quả đạn pháo điện từ của Trung Quốc có giá ước tính từ 25.000-50.000 USD. Đây được coi là giải pháp giúp tàu chiến tấn công chính xác mục tiêu với chi phí tương đối rẻ, so với các loại tên lửa hành trình có giá tới hàng triệu USD.
Trung Quốc lần đầu ra mắt pháo điện từ vào năm 2011 và triển khai thử nghiệm sau đó ba năm. Tháng 12/2017, Bắc Kinh bắt đầu lắp mẫu pháo này lên tàu chiến để thử nghiệm trên biển. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ nhận định động thái này nhiều khả năng chỉ là “đòn gió” nhằm phô trương sức mạnh và Bắc Kinh khó lòng hoàn thiện chương trình pháo điện từ trong vài năm tới.
Theo Văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ (NRO), pháo điện từ không đòi hỏi thuốc súng hay chất nổ, mà sử dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với vận tốc lên đến 7.200 km/h, cao gấp nhiều lần đạn pháo thông thường.
NRO cho rằng pháo điện từ có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh. Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh sẽ giúp tăng cường hỏa lực cho những tàu chiến được trang bị vũ khí này. Các tập đoàn vũ khí của Mỹ, Ấn Độ và Nga từng thử nghiệm các nguyên mẫu pháo điện từ, nhưng chủ yếu trên mặt đất và trong phòng thí nghiệm.