Tờ USA Today hôm 9/6 dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói rằng, số vắc xin trên sẽ được phân phối thông qua cơ chế toàn cầu COVAX, nhằm giúp chuyển số vắc xin này đến 90 quốc gia có thu nhập thấp cũng như Liên minh châu Phi (AU).
Cụ thể, khoảng 200 triệu liều vắc xin sẽ được Mỹ chuyển giao trong năm nay, và 300 triệu liều còn lại sẽ được quyên góp trong nửa đầu năm 2022.
Trong buổi họp báo được tổ chức cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định tham vọng của nước này khi muốn trở thành một “kho chứa ‘đạn dược vắc xin’ chống đại dịch Covid-19”.
“Tổng thống Joe Biden muốn tận dụng những gì nước Mỹ đang làm để tăng cường cam kết cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển, nhằm tiến tới việc chấm dứt đại dịch này một lần và mãi mãi”, hãng tin Sputnik trích lời ông Sullivan nói.
Hồi đầu tháng này, ông Biden từng cam kết quyên góp 25 triệu liều vắc xin cho nhiều quốc gia trên thế giới. Ít nhất 75% số vắc xin trên, tức gần 19 triệu liều sẽ được Mỹ chia sẻ thông qua cơ chế Covax.
Cụ thể, khoảng 6 triệu liều được chia sẻ cho khu vực Nam và Trung Mỹ, như Brazil, Argentina, Peru, Ecuador… Khoảng 5 triệu liều dành cho châu Phi. Khoảng 7 triệu liều dành cho các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Bangladesh, Việt Nam…
“Chúng tôi chia sẻ số vắc xin này không phải để có được sự ủng hộ hay nhượng bộ nào. Chúng tôi chia sẻ vắc xin để cứu mạng và dẫn đầu thế giới trong việc chấm dứt đại dịch”, ông Biden khi đó tuyên bố.
Tuấn Trần