Nguồn tin của Politico cho biết Lực lượng hải quân thường trực Thái Bình Dương sẽ giống với Lực lượng hải quân thường trực Đại Tây Dương của khối NATO. Lực lượng này ra đời năm 1968 nhằm đối phó Liên Xô trong Chiến tranh lạnh và vẫn được duy trì đến nay.
Ý tưởng này nhận được sự tán thành của ông Ely Ratner, người được đề cử giữ ghế trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông Ratner đang dẫn dắt một nhóm chuyên trách của Lầu Năm Góc và vừa hoàn tất một báo cáo, khuyến nghị về cách thức đối phó với Trung Quốc. Theo ông Ratner, một lực lượng thường trực tiền phương ở Thái Bình Dương là cần thiết để “răn đe và ngăn chặn sự đã rồi trong trường hợp cần thiết”.
Mặc dù đã có ý tưởng, việc xây dựng lực lượng thường trực Thái Bình Dương đòi hỏi làm rõ nhiều thứ. Chẳng hạn lực lượng này chỉ có các tàu chiến của Mỹ hay bao gồm tàu của những đồng minh khác trong khu vực. Hạm đội 7 của Mỹ có khoảng 50 chiến hạm đồn trú tại Nhật Bản nên không khác gì một lực lượng thường trực. Lực lượng này thậm chí còn mạnh mẽ hơn lực lượng thường trực Đại Tây Dương của NATO.
“Chúng tôi đang xem xét các đề xuất để đồng bộ hóa và điều phối tốt hơn các hoạt động trong khu vực” – nguồn tin ẩn danh của Politico tiết lộ thêm. Có ý kiến cho rằng sức mạnh quân sự có thể chỉ là thứ yếu khi thành lập lực lượng thường trực Thái Bình Dương, rằng nhiệm vụ của hạm đội này là “giương cao ngọn cờ” để gửi thông điệp tới Trung Quốc.
Nhà phân tích Jerry Hendrix dự đoán lực lượng Thái Bình Dương sẽ bao gồm các tàu chiến của Nhật Bản và Úc, hai nước đồng minh đang có các vấn đề với Trung Quốc. Anh và Pháp, hai quốc gia châu Âu đang tăng cường hiện diện ở châu Á, cũng có thể tham gia xây dựng lực lượng hải quân thường trực ở Thái Bình Dương.
“Đây sẽ là một biện pháp răn đe, thể hiện tinh thần đoàn kết chống lại các yêu sách biển rộng lớn mà Trung Quốc đưa ra, chống lại mối đe dọa thái quá với tự do thương mại và tự do hàng hải” – tiến sĩ Hendrix nhận định với Politico.
Cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông Elbridge Colby, tin rằng các sáng kiến trên chưa phải là “viên đạn bạc” để giải quyết các thách thức từ Trung Quốc. Tuy nhiên, những ý tưởng này là một tín hiệu tích cực cho thấy Lầu Năm Góc cam kết chuyển dần nguồn lực khỏi Trung Đông và tập trung nhiều hơn vào châu Á – Thái Bình Dương, theo Politico.