Giám đốc Dịch Vụ Công Dân và Di Trú (U.S. Citizenship and Immigrationn Services), ông L. Francis Cissna cho hãng thông tấn AP hay trong cuộc phỏng vấn rằng cơ quan ông đang thâu nhận thêm mấy chục luật sư và nhân viên di trú để duyệt xét các trường hợp di dân bị tòa ra lệnh trục xuất và tình nghi dùng lý lịch giả để có thẻ xanh và rồi xin nhập tịch.
Ông Cissna cho hay các trường hợp này sẽ được thông báo cho Bộ Tư Pháp, nơi sẽ tìm cách thu hồi quốc tịch của người di dân qua việc truy tố tại tòa. Trong một số trường hợp, các luật sư chính phủ có thể truy tố tội hình sự liên quan đến gian lận.
Cho tới nay, cơ quan này thường chỉ chú ý khi có báo cáo nhưng không có nỗ lực được phối hợp rõ ràng, theo ông Cissna.
Ông cho hay hy vọng văn phòng mới ở Los Angeles sẽ khởi sự hoạt động năm tới, nhưng cũng nói thêm rằng điều tra và đưa hồ sơ sang Bộ Tư Pháp để truy tố cũng cần có thời giờ.
Tiến trình thu hồi quốc tịch, gọi là denaturalization, cho đến nay là điều hiếm khi xảy ra.
Chính phủ Mỹ khởi sự điều tra việc có gian lận khi xin thẻ xanh khoảng một thập niên trước đây, khi một nhân viên Biên Phòng khám phá khoảng 200 người đã dùng các lý lịch khác nhau để xin thẻ xanh và nhập tịch, sau khi họ đã bị lệnh trục xuất trước đó.
Vào Tháng Chín năm 2016, một cơ quan thanh tra chính phủ cho hay có 315,000 hồ sơ dấu tay của các di dân từng bị trục xuất hay bị kết tội hình sự đã không được đưa vào kho dữ kiện của Bộ Nội An. Bản báo cáo này cũng cho biết có hơn 800 di dân từng bị lệnh trục xuất nhưng sau đó lại trở thành công dân Mỹ dưới một tên khác. (V.Giang)
Ông L. Francis Cissna, giám đốc cơ quan U.S. Citizenship and Immigration Services. (Hình: AP)