Chính quyền Mỹ cho biết tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt thương mại chống Trung Quốc cũng như tiến hành khởi kiện Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại thế giới.
Theo Reuters, Nhà Trắng hôm 29/5 tuyên bố sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp trừng phạt thương mại với Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi hai bên tuyên bố đạt được thỏa thuận về giảm căng thẳng thương mại.
Cụ thể, Washington sẽ công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp mức thuế 25% vào ngày 15/6. Lượng hàng hóa nhập khẩu này có giá trị khoảng 50 tỷ USD, theo tính toán của bộ Tài chính Mỹ.
Tổng thống Trump cùng bộ sậu quan chức phụ trách thương mại cấp cao. Ảnh: AP. |
Cuối tháng 6, Mỹ sẽ đưa ra giới hạn đầu tư vào các ngành công nghệ cao và các biện pháp “kiểm soát xuất khẩu tăng cường” đối với các cá nhân, tổ chức Trung Quốc “liên quan tới hoạt động thâu tóm công nghệ công nghiệp quan trọng”. Washington cũng cho biết sẽ tiếp tục vụ kiện chống Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Thông báo của Nhà Trắng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi bộ Tài chính Mỹ tuyên bố tạm hoãn chiến tranh thương mại để hai bên xây dựng khuôn khổ hợp tác mới.
Sau hai vòng đàm phán thương mại, Bắc Kinh và Washington cho biết hai bên đang thảo luận về những biện pháp theo đó Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng từ Mỹ, nhằm thu hẹp lại khoản thặng dư 335 tỷ USD hàng năm với Mỹ. Mặc dù vậy, chi tiết và khối lượng hàng hóa cụ thể Trung Quốc cam kết nhập khẩu không được công bố.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington để thảo luận vấn đề thương mại với Tổng thống Trump. Ảnh: SCMP. |
Một số nguồn tin cho biết Bắc Kinh đề xuất cắt giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại hiện Mỹ phải gánh chịu trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Số liệu này trùng khớp với con số Tổng thống Trump từng đưa ra trong lời hứa tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/5 đã bác bỏ thông tin này.
Cuối tuần qua, Tổng thống Trump cảnh báo bất cứ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ cần “một cấu trúc khác”, làm gia tăng lo ngại đối với tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nước.