“Đây là một bước tiến lớn nhưng trên một sa mạc rộng lớn. Chúng tôi phải chật vật tìm cách giải quyết hiệu quả hơn với các nền tảng của bên thứ ba, và tìm cách tốt nhất để bảo vệ những người tiêu dùng Mỹ phải phụ thuộc vào các nền tảng này” – ông Robert Adler, quyền chủ tịch CPSC, cho biết.
Theo CPSC, với tư cách là nhà phân phối các sản phẩm nói trên, Amazon phải có trách nhiệm pháp lý trong việc thu hồi các sản phẩm có nguy cơ làm bị thương hay gây tử vong cho người tiêu dùng.
Theo Hãng tin Reuters, trong số này có 24.000 máy dò carbon monoxide không hoạt động, gần 400.000 máy sấy tóc không có biện pháp chống sốc và rò điện, và “vô số” quần áo ngủ trẻ em không đạt tiêu chuẩn an toàn dệt may.
CPSC nói Amazon đã có động thái với một số sản phẩm nhưng ủy ban cho rằng như vậy vẫn chưa đủ.
CPSC cho rằng Amazon cần phải ngừng bán những sản phẩm này, phải làm việc với nhân viên của ủy ban để thu hồi sản phẩm và lưu ý trực tiếp cho những khách hàng đã mua các sản phẩm này về việc thu hồi sản phẩm và hoàn tiền.
Phản hồi lại, Amazon nói vẫn “không rõ” vì sao CPSC từ chối lời đề nghị của Amazon về việc mở rộng chương trình thu hồi sản phẩm của công ty, trong đó có các sản phẩm do bên thứ ba bán, hay kiện để buộc Amazon phải có các hành động “gần như trùng lặp” với những gì công ty đã thực hiện.
Công ty cho biết đã bỏ “phần lớn” các sản phẩm được CPSP đề cập khỏi kho hàng và hoàn tiền đầy đủ cho khách hàng.