Sau khi thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình, Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với quy định giảm tuổi được phép kết hôn của nam giới xuống còn đủ 18 tuổi, đồng thời không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính…
Giảm tuổi được phép kết hôn của nam giới
Một điểm mới trong Dự thảo Luật, đó là quy định nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên thì được kết hôn (trước đây quy định “nam từ đủ hai mươi tuổi và nữ từ đủ mười tám tuổi”.
Theo lý giải của Ban soạn thảo, quy định độ tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình với quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự trong công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự. Theo pháp luật dân sự hiện hành, cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên và có quyền tham gia tất cả các quan hệ dân sự và tố tụng dân sự, trừ khi họ ở tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, ở độ tuổi này, cá nhân cũng có thể được pháp luật ghi nhận là có năng lực pháp lý để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong các quan hệ xã hội khác ngoài lĩnh vực dân sự. Ví dụ, Luật nghĩa vụ quân sự quy định công dân nam từ đủ 18 tuổi trở lên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự…;
Ngoài ra, việc quy định độ tuổi kết hôn cũng cần phải có sự đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế của Việt Nam về trẻ em và bình đẳng giới. Theo Điều 16.2 Công ước về chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là thành viên thì “việc hứa hôn và kết hôn của trẻ em phải bị coi là không có hiệu lực và tất cả các hành động cần thiết kể cả lập pháp phải được tiến hành nhằm quy định tuổi tối thiểu có thể kết hôn và bắt buộc phải đăng ký kết hôn trong hồ sơ chính thức”.
Về vấn đề này, Ủy ban về xóa bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ của Liên hợp quốc tại khóa họp thứ 37 từ ngày 15/1/2007 đến ngày 22/2/2007 khi kết luận liên quan đến Việt Nam đã có quan ngại về “tuổi kết hôn tối thiểu khác nhau của phụ nữ và nam giới theo pháp luật, cũng như các báo cáo về những vụ tảo hôn của trẻ em gái, mà hậu quả là hạn chế sự phát triển và cơ hội của các em được phát triển đầy đủ những kỹ năng và khả năng, đặc biệt ở một số vùng dân tộc thiểu số”.
Tham khảo quốc tế cho thấy, các nước trên thế giới khi quy định về tuổi kết hôn đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, có hai cách tiếp cận được áp dụng ở hầu hết các nước là: người đã thành niên đương nhiên được quyền kết hôn và tuổi kết hôn được tính theo nguyên tắc tròn đủ. Chỉ một số ít nước quy định tuổi kết hôn của công dân có thể cao hơn tuổi đã thành niên, ví dụ: theo Luật hôn nhân của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tuổi kết hôn của nữ là 20 tuổi, nam là 22 tuổi trong khi tuổi đã thành niên là 18 tuổi. Một số nước có xu hướng tăng tuổi kết hôn từ chưa thành niên lên bằng tuổi đã thành niên như: Cộng hòa Pháp, từ năm 2006 đã quy định tuổi kết hôn của cả nam, nữ là đủ 18 tuổi ngang bằng với tuổi đã thành niên theo quy định của Bộ luật dân sự, trước đó, ở nước này, tuổi kết hôn của nam là từ đủ 18 tuổi, nữ là từ đủ 15 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng còn có ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính kế thừa về tuổi kết hôn được quy định trong các Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, 1986 và 2000, đồng thời, để bảo đảm phù hợp với năng lực chủ thể của cá nhân trong việc tham gia các quan hệ dân sự và tố tụng dân sự thì Luật cần quy định nam đủ 20 tuổi trở lên và nữ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn.
Ảnh minh họa
Nam giới chỉ cần đủ 18 tuổi là được quyền kết hôn
Không thừa nhận hôn nhân đồng tính
Theo Ban Soạn thảo, vấn đề đồng tính và chung sống với nhau, coi nhau là vợ chồng giữa những người cùng giới tính đang là vấn đề thực tế ở Việt Nam. Mặc dù pháp luật hiện hành đã lựa chọn giải pháp cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính nhưng việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính vẫn diễn ra và Nhà nước ta đã phải áp dụng các biện pháp hành chính cần thiết theo quy định của pháp luật để xử lý.
Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và trào lưu thế giới hiện nay thì việc cấm đoán và xử lý hành chính như hiện hành là không còn phù hợp, do đó cần thay đổi quan niệm và phương thức quản lý nhà nước về vấn đề này;
Ban soạn thảo cho rằng, hôn nhân giữa những người cùng giới tính là vấn đề có tính nhạy cảm xã hội cao. Do đó, việc thừa nhận hôn nhân của họ cũng cần phải được xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau với lộ trình, bước đi phù hợp. Trong hoàn cảnh ở nước ta hiện nay, Chính phủ cho rằng Nhà nước và pháp luật không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng Nhà nước cũng không nên can thiệp hành chính vào quyền được sống theo bản dạng giới, khuynh hướng tính dục; cần tôn trọng việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, cũng như các thỏa thuận của họ trong việc xác lập, giải quyết các vấn đề phát sinh từ cuộc sống chung. Ngoài ra, pháp luật cũng cần có quy định thích hợp để giúp họ giải quyết một cách ổn thỏa các hậu quả pháp lý của việc sống chung này nhằm góp phần bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự và sự ổn định của xã hội;
Tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, nhiều nước đã giải quyết vấn đề này một cách có lộ trình, tức là trước hết, Nhà nước thừa nhận việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính sau đó mới thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ: Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa họ; Canada thừa nhận quyền chung sống giữa những người cùng giới tính vào năm 1999, đến năm 2005 mới thừa nhận hôn nhân này; Cộng hòa Pháp thừa nhận quyền chung sống giữa những người cùng giới tính từ năm 1999 và đến năm 2013 mới thừa nhận hôn nhân của họ… Tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng đã hợp pháp hóa quan hệ đồng tính vào năm 1997 (Trung Quốc), năm 2009 (Ấn Độ)…
Tuy nhiên, Ban soạn thảo cho biết, trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng còn có ý kiến cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành.
Sau khi thẩm tra, Thường trực Ủy ban cho biết tán thành với quy định không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính và thấy rằng, thời điểm này trong xã hội vẫn còn những ý kiến khác nhau về vấn đề này, cơ quan soạn thảo cần tổng kết việc thực hiện quy định cấm kết hôn giữa những người đồng tính, tiến hành khảo sát thực trạng người đồng tính tại Việt Nam, kinh nghiệm của các nước trong khu vực, các nước có các điểm tương đồng về truyền thống văn hóa với Việt Nam, đồng thời có đánh giá tác động về mặt xã hội, văn hóa, tâm lý… đối với quy định trong dự thảo.