Tuy nhiên, mới đây anh Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia), gửi tới Vietnamnet bài viết nêu quan điểm về việc có nên tiếp tục dạy tác phẩm “Chí Phèo” trong chương trình phổ thông hay không.
VietNamNet giới thiệu bài viết của anh Nguyễn Sóng Hiền.
Hình ảnh Chí Phèo trong phim “Lãng Vũ Đại ngày ấy” |
Ở khía cạnh văn học, tác phẩm có thể được đáng giá là thành công về phong cách viết. Tuy nhiên, đứng trên góc độ giáo dục, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần cân nhắc kỹ lại.
Liệu có nên vẫn tiếp tục giữ trong chương trình phổ thông hay không, khi mà bản thân tác phẩm “Chí Phèo” không có ý nghĩa nhiều về mặt giáo dục, mà ngược lại, có thể có những tác động xấu về mặt nhận thức của học sinh?
Để minh chứng cho những nhận định trên, tôi xin phân tích một cách khách quan và logic về tác phẩm này.
Chí Phèo đại diện cho ai?
Nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá. Nhưng theo tôi, đây là một nhận xét phiến diện và mang tính áp đặt.
Nếu xem xét kỹ toàn bộ tác phẩm, chúng ta đều có thể nhận thấy rằng Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này đến nhà khác.
Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá.
Bản thân một đứa trẻ bị bỏ rơi đã mang cho mình số phận thiệt thòi, huống chi lại được sinh ra trong một xã hội lạc hậu và đầy rẫy bất công ấy.
Vậy, Chí đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy.
Chí là người tốt hay xấu?
Khi còn là đứa trẻ, Chí vẫn là một đứa trẻ tốt. Chí không có ruộng nên năm 20 tuổi phải đi làm canh điền cho Bá Kiến.
Rõ ràng, trong xã hội ấy người ta vẫn nhận nuôi Chí, cho ăn, cho công việc. Có thể thấy, Chí vẫn được xã hội đó đón nhận và thừa nhận như một thành viên. Chí đã được ưu ái.
Tuy nhiên, sau khi làm thuê cho Bá Kiến, Chí bị ghen và bị đẩy đi tù 7,8 năm. Nhiều học giả cho rằng điều này phản ánh sự áp bức, bóc lột của giai cấp phong kiến và địa chủ với tầng lớp bần nông như Chí. Nhưng xin thưa, nếu không sống ở xã hội đó mà xã hội có văn minh hơn đi nữa, những đứa trẻ bị bỏ rơi như Chí cũng khó để đón nhận được sự đối đãi công bằng từ xã hội. Thậm chí còn bị ngược đãi và lạm dụng, vì thân cô thế cô không ai bảo vệ.
Sau khi ra tù, Chí biến thành con người khác, một người xấu, hay một con quỷ. Chí uống rượu say, rạch mặt ăn vạ, đòi nợ thuê, phá phách, xin đểu, đốt quán…
Một đứa trẻ không cha, không mẹ, không được giáo dục bị đẩy đi ở tù liệu ra tù nó có thể trở thành người tốt không? Và chính lúc say Chí củng chửi cái đứa nào đã đẻ ra mà không nuôi Chí chứ đâu chửi cái xã hội đang sống.
Đơn giản, Chí không phải là một sản phẩm của xã hội đó. Chí chỉ như những đứa trẻ cùng hoàn cảnh ở bất kỳ xã hội nào khác. Vì vậy, không thể quy chụp rằng Chí bị xã hội phong kiến lưu manh hoá, hay bị cường hào ác bá làm hại.
Lạ lùng thay, nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hoá cái cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở, và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí.
Hình ảnh Chí Phèo và Thị Nở trong phim “Lãng Vũ Đại ngày ấy” |
Trong bất kỳ xã hội nào, hành động cưỡng bức đó đều đáng lên án. Chí đã phạm pháp. Dù về mặt nhận thức, hắn không ý thức hành vi của mình, nhưng về khía cạnh giáo dục đó là hành động cần phê phán. Mà cưỡng bức với một người thiểu năng như Thị Nở thì càng phải lên án và phê phán thích đáng hơn. Chúng ta không thể và không nên bảo vệ những hành vi trái pháp luật. Điều đó chẳng khác gì cổ suý cho lớp trẻ để bắt chước làm theo.
Nhiều nhà phê bình còn cường điệu hoá cho cặp đôi Chí và Nở, xem như là một biểu tượng xứng đôi vừa lứa. Đó dường như không phải là chủ ý của nhà văn. Chí là một tên tội phạm, một kẻ lưu manh, còn Thị Nở là cô gái đáng thương, một người thiểu năng về nhận thức, ở mãi với Chí bảy ngày mới nhớ ra rằng phải về hỏi dì.
Như vậy, Nở là người bị hại, bị Chí lợi dụng lúc ngủ say để cưỡng bức. Vậy thì tại sao chúng ta có thể ghép đôi cho một kẻ lưu manh với cô gái vô tội? Chưa kể sau này, Nở lại mang bầu và lại ôm thêm nỗi khổ vào thân. Dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu.
Chí đáng thương hay đáng lên án?
Số phận của Chí là một số phận đáng thương, vì khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi và bất công. Nhưng chúng ta cũng kịch liệt phê phán và phản đối những hành vi lưu manh, thú tính của hắn.
Và ngay cả việc giết Bá Kiến sau khi uống rượu say cũng là một hành động không thể dung thứ, cho dù nhiều học giả và nhà phê bình hình tượng hoá nó là sự phản kháng của tầng lớp bần nông đối với giai cấp cường hào, ác bá.
Nhưng xin thưa, đó là sự quy chụp và áp đặt khiên cưỡng. Chí đã giết người trong lúc say, đó là hành vi không phải của một con người. Cho dù ở bất kỳ xã hội nào, những hành động đó đều đáng bị lên án và cách ly ra khỏi đời sống xã hội.
Nguyễn Sóng Hiền
(Bài viết thể quan điểm của tác giả)
Sau khi đọc bài viết “Nên đưa tác phẩm “ Chí Phèo “ ra khỏi chương trình Ngữ văn 11?”, độc giả Hoàng Anh đã gửi tới VietNamNet bài viết phản bác. Theo giảng viên Hoàng Anh, “đọc Chí Phèo, tôi luôn trân trọng tấm lòng đối với con người của nhà văn Nam Cao, hiểu được thái độ dũng cảm đối mặt hiện thực của một nhà văn chân chính. Chính ở cái nhân văn ấy, tác phẩm đã sống mãi trong lòng của bao thế hệ người đọc, nhưng thật tiếc trong số thế hệ ấy lại không có bạn Nguyễn Song Hiền”.
Dưới đây là ý kiến của độc giả Hoàng Anh.
Gửi bạn Nguyễn Sóng Hiền!
Ngày học phổ thông, tôi là dân chuyên văn. Những tác phẩm văn học chúng tôi được thầy cô giúp đào sâu, phân tích từng ngóc ngách,khía cạnh đến độ thuộc lòng. Trong số ấy, có tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, là một kiệt tác trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, một truyện ngắn có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc,chứng tỏ trình độ nghệ thuật bậc thầy của một nhà văn lớn. Nếu bạn đang ở trước mặt tôi ngay lúc này, tôi cũng có thể đọc cho bạn nghe thuộc làu làu hơn một nửa tác phẩm ấy mà không cần nhìn sách.
Hôm nay, tôi khá sửng sốt khi bạn đưa ra ý kiến bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình Ngữ văn 11. Tôi vội vàng gọi điện cho cô cháu gái cũng đang học lớp 11, cũng là dân chuyên văn bạn ạ!
Tôi thế hệ gần cuối 8X, cháu tôi thế hệ 2000. Được cái dì cháu tôi đều thích học văn lắm. Sở dĩ tôi gọi để xem cháu có cùng suy nghĩ với bạn không . Nhưng cháu nói: “Tác phẩm kinh điển của cháu đấy! Thầy giáo nước ngoài dạy tiếng Anh của cháu bảo là thầy thích nhất Truyện Kiều và Chí Phèo của Việt Nam”. Đấy bạn ạ ! Người nước ngoài không thân không thích, không “ chôn nhau cắt rốn” mà họ còn thích cơ mà, huống hồ người Việt ta?
Bạn ạ! Kể cả thời xưa hay thời nay, không phải ai cũng may mắn có điều kiện đầy đủ về tinh thần lẫn vật chất để được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài như bạn. Cũng có người không cha, không mẹ, không học hành, nhưng họ vẫn thành công và thành nhân đấy thôi.
Nói thế để bạn hiểu rằng, cái nhận xét và đánh giá của bạn” Chí Phèo chỉ là bi kịch của một cá nhân. Xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục…Nếu là đại diện cho tầng lớp nông dân thì thật mang tiếng cho nông dân mình quá…Chí đơn giản chỉ là một đứa trẻ không được giáo dục, và không thể là đại diện hay điển hình cho một tầng lớp nào trong xã hội ấy”… Đánh giá ấy nó phiến diện lắm bạn ạ! Con người ta không có quyền lựa chọn người Cha, người Mẹ, không có quyền lựa chọn nơi mình được sinh ra, nhưng người ta có quyền lựa chọn nhân cách sống cho riêng mình.
Chí Phèo cũng vậy, anh ta muốn có một nhân cách sống tốt, dù anh ta không được cha mẹ giáo dục nhưng nhân vật vẫn thức tỉnh để tìm đến lương thiện, cùng ước mơ mái ấm gia đình thật bình dị.Nhưng chính cái xã hội phong kiến tàn bạo ấy đã kìm hãm sự thức tỉnh của con người, không chỉ riêng Chí Phèo mà tất cả những người nông dân khác trong xã hội thời ấy đều chung cảnh ngộ.
Bà nội tôi khi còn sống thường kể lại rằng, thời ấy dân mình khổ lắm, muốn ngóc đầu lên sống tử tế cũng khó. Có người uất ức cứ tìm bọn cai lệ giết rồi tự sát. Cứ đến kì nộp sưu thuế là bà sợ lắm và nhớ như in. Cụ nội thân sinh ra bà không đóng kịp thuế, bị cai lệ gô cổ ra đình làng đánh gần chết. Sau đó vài ngày cụ mất vì sức yếu không chịu được đòn tra tấn, và vì không có thuốc chữa, bà tôi khi ấy mồ côi cả cha lẫn mẹ (vì cụ bà cũng mất do băng huyết khi vừa đẻ bà tôi ra).
Nói thế để bạn thấy, nhà văn Nam Cao không chỉ trực tiếp miêu tả cảnh bần cùng, đói cơm rách áo, mà nhà văn trăn trở suy nghĩ nhiều hơn đến hiện thực một con người: Con người không được là chính mình, con người trở thành quỷ dữ bởi âm mưu thâm độc và sự chà đạp của một guồng máy thống trị tàn bạo. Một Chí Phèo trượt dài trên con dốc của thời gian, triền miên trong những cơn say, mất cả lương tri, trên hành trình dài đằng đẵng của một kiếp sống không ra sống, trong không gian tăm tối ngột ngạt của xã hội Việt Nam đêm trước của cách mạng.
Cùng với ánh sáng của một ngày mới, lần đầu tiên Chí Phèo nhận biết những âm thanh của đời thường. Hiện tại lay thức lương tâm thành tiếng thở dài não ruột. Phút lóe sáng của tâm hồn đã giúp nhân vật ý thức nỗi đau của một kẻ cô đơn giữa đồng loại của mình. Thị Nở xuất hiện cùng nồi cháo hành đã thổi bùng ngọn lửa mong manh ấy, đem đến cho Chí Phèo những rung động đầu tiên của cảm giác yêu đương. Ngòi bút của Nam Cao vô cùng tinh tế và nhạy cảm khi miêu tả quá trình về lại cõi người của Chí Phèo. Giá trị văn học nó nằm ở chỗ ấy bạn ạ!
Xuyên suốt cả bài viết của bạn, tôi thấy bạn luôn muốn đá sâu vào vấn đề không cha, không mẹ, không giáo dục của Chí Phèo, bạn phê phán luôn cả một tầng lớp những nhà phê bình văn học gạo cội của nước Việt chúng tôi.
Tôi dám khẳng định rằng bạn không hiểu giá trị văn học là gì. Văn học nó khác với sự trần trụi ở đâu! Chỉ hớt lấy cái váng ý nghĩa xã hội, phô bày những cái trần trụi nào là hiếp dâm, nào là không được giáo dục, nào là phải cách lý ra khỏi xã hội…không hề đặt nhân vật vào hoàn cảnh và thời điểm để hiểu rõ những giá trị to lớn trong ấy. Giá trị văn học nằm ở giá trị nhận thức, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ. Nhưng cả 3 giá trị ấy đều bị bạn vứt bỏ.
Tôi thấy bạn phê phán tác phẩm Chí Phèo, nhưng hóa ra tôi lại cảm thấy bạn đang ngầm phê phán cái xã hội chúng tôi đang sống thì phải. Tôi phải hiểu sao về câu nói của bạn: “Nhưng xin thưa, nếu không sống ở xã hội đó mà xã hội có văn minh hơn đi nữa, những đứa trẻ bị bỏ rơi như Chí cũng khó để đón nhận được sự đối đãi công bằng từ xã hội. Thậm chí còn bị ngược đãi và lạm dụng, vì thân cô thế cô không ai bảo vệ” . Bạn sai rồi, xã hội của chúng tôi không đến nỗi tệ như bạn nghĩ đâu.
Lớp bụi thời gian càng phủ dầy theo năm tháng, thì tác phẩm sẽ càng khẳng định thêm giá trị. Đọc Chí Phèo, tôi luôn trân trọng tấm lòng đối với con người của nhà văn Nam Cao, hiểu được thái độ dũng cảm đối mặt hiện thực của một nhà văn chân chính. Chính ở cái nhân văn ấy, tác phẩm đã sống mãi trong lòng của bao thế hệ người đọc, nhưng thật tiếc trong số thế hệ ấy lại không có bạn!
Hoàng Anh (Trường Nghiệp vụ Kiểm Sát tại TP.HCM)
Bạn Sóng Hiền nên hiểu một đặc tính của văn học là hình tượng và đại diện hóa, để thực hiện nhiệm vụ của văn học là nhân đạo hóa con người, làm cho con người hiểu lịch sử, căm ghét cái ác và yêu cái thiện. Hình tượng và đại diện hóa không có nghĩa là 90 hay 100% nông dân ngày ấy phải y hệt như Chí Phèo. Diễn biến tâm lý của Chí Phèo và dáng dấp xã hội thời đó đã được lột tả đầy sống động. Trường Mỹ, Úc còn dạy tác phẩm này và xem như tác phẩm kinh điển (cùng với việc dạy “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng nữa). Bạn là nghiên cứu sinh nhưng còn yếu về lý luận văn học và lý thuyết về khoa học phát triển con người, phân tích thì theo cảm tính, nên bài viết của bạn như đánh tráo khái niệm.
Độc giả Nguyễn Hoàng