Báo South China Morning Post dẫn lời Valery Dubrovskiy, giám đốc đầu tư tại Tổ chức Đầu tư và xuất khẩu vùng Viễn Đông cho hay, nhiều công ty Trung Quốc đã tỏ ra quan tâm đến đề nghị trên từ phía chính phủ Nga.
Đậu tương là mặt hàng nông sản được ưa chuộng ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
“Chúng tôi kỳ vọng phần lớn đầu tư sẽ tới từ Trung Quốc và chiếm tới 50%. Còn lại, 25% đầu tư sẽ tới từ các doanh nghiệp trong nước (Nga) và 25% từ các doanh nghiệp thuộc những nước khác như Nhật và Hàn Quốc”, ông Dubrovskiy nhận định.
Theo ông Dubrovskiy, toàn bộ 1 triệu héc-ta đất canh tác nói trên ở vùng Viễn Đông phù hợp cho việc lập trang trại bò sữa hoặc trồng cấy các cây nông sản như đậu tương, lúa mì và khoai tây.
Mặc dù động thái phản ánh sự tăng cường đáng kể hợp tác giữa các doanh nghiệp làm nông nghiệp Trung Quốc với vùng Viễn Đông, nhưng giới quan sát tỏ ra hoài nghi về chất lượng đất Nga đang chào mời các nhà đầu tư ngoại.
Dmitri Rylko, tổng giám đốc Viện nghiên cứu, tư vấn thị trường nông nghiệp Nga cho rằng, hầu hết các diện tích đất màu mỡ ở vùng Viễn Đông đã có chủ, dù các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng ký nhiều hợp đồng thuê và các thỏa thuận hợp tác tạm thời khác.
“Những phần đất tốt nhất đã có người tiếp quản và được các nông dân địa phương khai thác triệt để. Vì vậy, nếu chính quyền muốn tiếp tục cho canh tác thêm đất, chúng chủ yếu sẽ nằm ở các khu vực xa xôi và năng suất thấp”, ông Rylko giải thích.
Theo Jiayi Zhou, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, suốt nhiều năm qua, Moscow đã cố gắng thu hút đầu tư từ bên ngoài nhằm phát triển kinh tế vùng Viễn Đông, kể cả việc “tặng không” các mảnh đất cho người Nga không cư trú ở đây vào năm 2016.
Song, thách thức nằm ở chỗ cơ sở hạ tầng và giao thông trong vùng khá nghèo nàn. Hơn thế nữa, những khu vực đất quanh đô thị, giúp kết nối tốt hơn với thị trường và có thể hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư hiện không còn nhiều.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung hiện không có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Sau khi Bắc Kinh áp thuế nhập khẩu 25% đối với đậu tương, một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Mỹ, thị trường Trung Quốc cũng đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung ứng mặt hàng nông sản được ưa chuộng này. Các nông dân Trung Quốc do đó có thể cảm thấy thu hút trước đề nghị thuê đất canh tác giá rẻ ở vùng trồng nguyên liệu chính của Nga.
Sau các màn tăng thuế “ăn miếng, trả miếng” Washington, Bắc Kinh đã giảm đáng kể việc thu mua đậu tương từ Mỹ. Thay vào đó, phía Trung Quốc nhập tới 850.000 tấn đậu tương từ Nga trong khoảng thời gian từ tháng 7/2017 đến cuối tháng 5/2018, một mức cao kỷ lục, theo số liệu thống kê của Cơ quan nông nghiệp Nga Rosselkhoznadzor.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc mới đây cũng tuyên bố, nước này sẽ tăng mạnh sản xuất đậu tương trong nước để chống lại nguy cơ thiếu hụt. Trong đó, họ sẽ dành thêm 1 triệu héc-ta đất sẵn có để trồng cây đậu tương trong 2 năm tới.
Tuấn Anh