Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, phong tỏa chặt chẽ biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ góp phần giải quyết tận gốc khủng bố ở Syria.
Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Syria Walid Muallem, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov cho biết Nga có các biện pháp giải quyết tận gốc khủng bố ở Syria.
Ông Lavrov cho biết, Nga ủng hộ sáng kiến của Tổng thống Pháp Francois Hollande về phong tỏa biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời sẵn sàng “thống nhất các bước hành động thực tế, nhất thiết có phối hợp với chính phủ Syria”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Lavrov Nga lưu ý rằng, ý tưởng của Paris về thành lập liên minh trên mặt đất tại Syria đấu tranh với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bao gồm các lực lượng chính phủ, phe đối lập và người Kurd là phù hợp với những đề nghị của Moscow.
Ngoài việc phong tỏa biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng ủng hộ việc thực thi các quy định của Nghị quyết 2199 về cấm tài trợ các tổ chức cực đoan thông qua hoạt động kinh doanh dầu mỏ và cổ vật. Trước đó vào ngày 27/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết, Nga dự kiến đưa lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét một dự thảo nghị quyết hỗ trợ các biện pháp nêu trên.
Trong khi đó, theo báo The Wall Street Journal (WSJ), chính quyền Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa đường biên giới với Syria. Các quan chức Mỹ nói Thổ Nhĩ Kỳ cần phong tỏa đoạn biên giới dài 100 km mà phiến quân IS đang sử dụng để trung chuyển những chiến binh nước ngoài đến khu vực chiến sự và từ đó tiến vào Châu Âu.
Theo các nguồn giấu tên, các quan chức Mỹ đã cảnh báo Ankara rằng nếu đường biên giới với Syria không an toàn và phiến quân lại thực hiện những đợt khủng bố mới, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với “phản ứng nghiêm trọng” từ phía các quốc gia Châu Âu.
Liên quan đến vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi nói: “Việc vụ tấn công máy bay không hề được cảnh báo xảy ra trên vùng trời Syria, theo như lời phi công Nga sống sót, một lần nữa khẳng định rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ nói dối. Ban đầu họ cho biết có phát đi 10 lần cảnh báo, sau đó lại nói máy bay (Nga) ở trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 17 giây. Không thể kịp phát đi 10 lần cảnh báo chỉ trong 17 giây. Thực tế là không thể”.
Bộ trưởng Omran al-Zoubi cho rằng Ankara đã trả thù Moscow vì chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đang cản trở những toan tính của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. Ông al-Zoubi nói tiếp:
“Thổ Nhĩ Kỳ bức xúc trước các động thái của Nga, vì ISIL (Nhà nước Hồi giáo IS) có quan hệ rất gần gũi với chính phủ Ankara cũng như có các quan hệ kinh tế mật thiết. Bằng chứng ở đây rất nhiều. Thứ nhất, phần lớn các chiến binh nước ngoài có mặt tại Syria chiến đấu trong hàng ngũ ISIL đã đột nhập vào từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Khó tin số lượng chiến binh lớn như vậy có thể di chuyển ngoài ý muốn nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ hai, phần đáng kể các vũ khí mà chiến binh đang sử dụng cũng được tuồn vào Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ ba, Thổ Nhĩ Kỳ… đã và đang tiếp tục ăn cắp dầu thô của Syria bằng hàng trăm xe chở dầu. Toàn bộ số dầu này được chuyển cho công ty do con trai ông Recep Erdogan sở hữu. Vì thế Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mất bình tĩnh khi Nga tấn công hạ tầng cơ sở của ISIL và phá hủy hơn 500 xe tải chở dầu. Ông Erdogan và các cộng sự xung quanh đã mất bình tĩnh”.