Quan chức Ukraine cho biết phái đoàn nước này dự kiến đàm phán lần thứ ba với Nga tại biên giới Ba Lan – Belarus vào 15h ngày 7/3.
Nghị sĩ Leonid Slutsky, thành viên phái đoàn Nga, xác nhận vòng đàm phán thứ ba sẽ diễn ra vào ngày 7/3, theo TASS.
Trong khi đó, David Arakhamia, thành viên phái đoàn đàm phán Ukraine, nói rằng cuộc đàm phán với phái đoàn Nga sẽ bắt đầu từ 15h, theo giờ địa phương (tức 19h giờ Việt Nam) tại khu vực Belovezhskaya Pushcha gần biên giới Ba Lan – Belarus.
Đây là vòng đàm phán thứ ba của Nga – Ukraine, sau hai vòng đàm phán không đạt được kết quả đột phá về lệnh ngừng bắn.
Ngoại trưởng Mỹ: Ukraine đã có kế hoạch dự phòng hậu Zelensky
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết giới chức Ukraine đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đảm bảo tính liên tục của chính quyền, phòng trường hợp Tổng thống Zelensky gặp bất trắc.
“Ukraine đã có sẵn kế hoạch nhằm đảm bảo tính liên tục của chính quyền bằng cách này hoặc cách khác”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS hôm 6/3.
Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết về kế hoạch dự phòng trong trường hợp Tổng thống Volodymyr Zelensky gặp bất trắc.
Máy bay chở các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất rời Mỹ
Theo dữ liệu của Flight Radar24, một máy bay của chính phủ Nga chở các nhà ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất đã rời sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, CNN đưa tin ngày 6/3 giờ địa phương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 5/3 cho biết trên Telegram: “Chiếc máy bay này sẽ các nhà ngoại giao Nga mà Mỹ trục xuất trở về quê hương của họ”.
CNN trước đó đưa tin Mỹ đã phê duyệt chuyến bay do chính phủ Nga thuê để tạo điều kiện thuận lợi cho việc rời đi của các nhân viên của phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc.
Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc vào cuối tháng 2 đã gọi 12 nhà ngoại giao Nga là “đặc nhiệm tình báo lạm dụng đặc quyền cư trú ở Mỹ để tham gia vào các hoạt động gián điệp có hại cho an ninh quốc gia của chúng tôi”.
Mỹ và đồng minh chuyển hơn 17.000 vũ khí chống tăng tới Ukraine trong 6 ngày
Trong vòng chưa đầy một tuần, Mỹ và đồng minh đã đưa hơn 17.000 vũ khí chống tăng tới Ukraine, bao gồm tên lửa Javelin, qua biên giới Ba Lan và Romania.
Theo New York Times, đây mới chỉ là một phần trong những đóng góp dễ thấy nhất của Mỹ và đồng minh nhằm giúp Ukraine chống chọi với chiến dịch quân sự của Nga nhắm vào nước này.
Các thiết bị quân sự này được dỡ xuống khỏi các máy bay khổng lồ để vận chuyển bằng đường bộ tới Kyiv, thủ đô Ukraine, và các thành phố lớn khác.
Trong khi đó, tại những căn cứ xung quanh Đông Âu, lực lượng từ Bộ Chỉ huy Mạng của Mỹ đang sẵn sàng can thiệp vào những cuộc tấn công kỹ thuật số và thông tin liên lạc của Nga, các quan chức cho biết.
Ở Washington và Đức, quan chức tình báo chạy đua để ghép các bức ảnh vệ tinh với ảnh chặn điện tử của quân đội Nga, bóc tách các gợi ý về cách chúng được thu thập và chuyển đến các đơn vị quân đội Ukraine trong vòng một hoặc hai giờ.
Nga tuyên bố bắn hạ 3 chiến đấu cơ Su-27 của Ukraine
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết các chiến đấu cơ và hệ thống phòng không của Nga đã bắn rơi 3 máy bay chiến đấu Su-27 và 3 máy bay không người lái của Ukraine.
Lực lượng Vũ trang Nga đã vô hiệu hóa một sân bay của Không quân Ukraine tại thành phố Vinnitsa bằng một cuộc tấn công chính xác tầm xa, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố hôm 6/3, theo RT.
Cũng theo tuyên bố, Moscow khẳng định rằng họ chỉ nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine trong suốt “chiến dịch” đang diễn ra nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết thêm các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Nga cũng đã bắn rơi 3 máy bay chiến đấu Su-27 và 3 máy bay không người lái của Ukraine.
“Gần như toàn bộ máy bay sẵn sàng chiến đấu của Kyiv đã bị phá hủy”, ông Konashenkov nói, đồng thời cho biết thêm rằng Moscow “có dữ liệu đáng tin cậy” cho thấy Ukraine đã chuyển một số máy bay quân sự sang các nước khác, bao gồm Romania.
Quan chức Mỹ: Nga bắn 600 tên lửa tại Ukraine
Nga đã bắn tổng cộng 600 tên lửa kể từ khi cuộc tấn công Ukraine bắt đầu, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết hôm 6/3, theo CNN.
Theo quan chức này, giao tranh đang diễn ra ở Kherson và Mykolaiv và các lực lượng Nga vẫn đang cố gắng bao vây Kyiv, Khakhiv, Chernihiv và Mariupol.
Tuy nhiên, bước tiến của lực lượng Nga đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine.
Trong khi đó, đoàn xe lớn của Nga ở phía bắc Kyiv kéo dài gần 65 km vẫn bị đình trệ, nhưng không có thông tin cập nhật đoàn xe này còn cách Kyiv bao xa. Cuối tuần trước, đoàn xe này cách trung tâm thành phố Kyiv khoảng 25 km.
Đoàn xe này bao gồm xe thiết giáp, xe tăng, xe tải, xe tiếp dầu và pháo binh, theo Guardian.
Quan chức này cho biết thêm không phận phía trên Kyiv vẫn còn tranh chấp.
“Chúng tôi tin rằng người dân Ukraine ở hầu hết vùng của đất nước vẫn còn các phương tiện liên lạc, truy cập Internet và các phương tiện truyền thông”, quan chức này nói.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 6/3 cảnh báo lực lượng Nga đang chuẩn bị pháo kích Odessa, thành phố cảng có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế Ukraine.
“Họ đang chuẩn bị cho cuộc tấn công Odessa”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu trên truyền hình, theo AFP.
Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự hôm 24/2 vào phía nam Ukraine, quân đội nước này tuyên bố kiểm soát được Kherson và bao vây thành phố cảng Mariupol, nhưng chưa “động” đến Odessa.
Khoảng một triệu người sống ở Odessa, đô thị cảng ở bờ biển phía nam Ukraine, bao gồm cả những người nói tiếng Ukraine và Nga, và nhóm thiểu số người Bulgaria và Do Thái.
Tại Odessa, người dân đã xây dựng sẵn hệ thống phòng thủ và chờ đợi các cuộc tấn công.
Tổng thống Ukraine: Tôi không thấy lãnh đạo thế giới nào phản ứng
Tổng thống Ukraine chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây vì không phản ứng trước thông báo của Bộ Quốc phòng Nga rằng sẽ tấn công khu phức hợp công nghiệp – quân sự của Ukraine.
“Tôi thậm chí không nghe thấy một nhà lãnh đạo thế giới nào phản ứng về điều này. Sự táo bạo của đối thủ là một tín hiệu rõ ràng cho phương Tây rằng các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga là chưa đủ”, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói trong video phát biểu tối 6/3, theo AP.
“Hãy nghĩ xem đối thủ của chúng tôi sẽ thấy thế nào khi họ có thể thực hiện những kế hoạch như vậy mà không bị trừng phạt”, ông nói thêm.
Ông Zelsnky kêu gọi thành lập một “tòa án” để buộc Nga phải chịu trách nhiệm.
Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết các lực lượng của họ đang có kế hoạch tấn công khu phức hợp công nghiệp – quân sự của Ukraine bằng “vũ khí chính xác”.
Hãng thông tấn nhà nước của Nga TASS trích lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov: “Chúng tôi kêu gọi tất cả nhân viên của các nhà máy công nghiệp quốc phòng Ukraine rời khỏi khu vực doanh nghiệp của họ”.
Anh viện trợ thêm 100 triệu USD cho Ukraine
Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố hôm 6/3 rằng Anh sẽ viện trợ thêm 100 triệu USD cho Ukraine.
Khoản viện trợ trên sẽ được cung cấp cho Ukraine thông qua Ngân hàng Thế giới, bên cạnh gói viện trợ trị giá 290 triệu USD cho nước này, một thông báo từ Downing Street cho biết.
“Trong khi chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin mới có thể chấm dứt hoàn toàn những đau khổ ở Ukraine, nguồn viện trợ mới ngày hôm nay sẽ tiếp tục giúp những người phải đối mặt với tình hình nhân đạo đang xấu đi”, ông Johnson cho biết.
Nga tăng cường tấn công
Cố vấn tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovich cho biết các lực lượng Nga đã tăng cường pháo kích vào các thành phố của Ukraine ở khu vực miền Trung, phía bắc và phía nam của đất nước vào cuối ngày 6/3, theo AP.
Ông nói trên truyền hình Ukraine: “Đợt tấn công tên lửa mới nhất xảy ra ngay khi màn đêm phủ xuống”.
Cố vấn tổng thống cho biết các khu vực hứng chịu pháo kích lớn bao gồm ngoại ô Kyiv, Chernihiv ở phía bắc, Mykolaiv ở phía nam và Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.
Các quan chức Kharkiv cho biết cuộc pháo kích đã làm hư hại tháp truyền hình.
Tại Chernihiv, các quan chức cho biết tất cả các khu vực của thành phố đang bị tấn công bằng tên lửa.
Nga cảnh báo các nước tiếp nhận máy bay quân sự của Ukraine
Nga cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine, trong đó có Romania – một thành viên của NATO, không nên tiếp nhận máy bay quân sự của nước này vì đó có thể là hành vi tham gia vào cuộc xung đột với Moscow.
“Chúng tôi biết chắc chắn rằng các chiến đấu cơ của Ukraine đã bay đến Romania và các nước láng giềng khác”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết hôm 6/3, theo AFP.
Ông cho biết thêm rằng các quốc gia này có thể được coi là một bên tham chiến, khi cho phép mạng lưới sân bay của họ được sử dụng để làm căn cứ cho không quân Ukraine dùng vũ lực chống lại quân đội Nga.
Trước lời cảnh báo từ phía Nga, Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca cho rằng điều đó nhằm đánh lạc hướng khỏi những gì đang diễn ra trên chiến trường ở Ukraine.
Kế hoạch sơ tán dân thường từ Mariupol bị đình trệ
Kế hoạch sơ tán dân thường từ Mariupol đã đổ vỡ lần thứ hai vào ngày 6/3, sau khi phe chính phủ và lực lượng ly khai thân Nga tố cáo nhau vi phạm thỏa thuận.
“Giữa cảnh tượng tàn phá và khổ đau của con người tại Mariupol, nỗ lực lần thứ hai nhằm sơ tán khoảng 200.000 người từ thành phố đã bị ngừng lại”, Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRS) tuyên bố.
“Những nỗ lực thất bại vào hôm qua và hôm nay cho thấy các bên trong xung đột thiếu đi một thỏa thuận chi tiết có thể vận hành”, ICRS khẳng định. “Để người dân có thể rời đi an toàn với mức độ tin tưởng cần thiết, các bên cần nhất trí không chỉ về nguyên tắc mà còn về chi tiết”.
Khi điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 6/3, Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc phía Ukraine ngăn người dân rời Mariupol.
Phía Ukraine cáo buộc các cuộc pháo kích của Nga là nguyên nhân khiến kế hoạch sơ tán không thể thực hiện. “Việc đưa người dân rời đi trong điều kiện như vậy là điều rất nguy hiểm”, Hội đồng thành phố Mariupol tuyên bố.
Giáo hoàng kêu gọi bảo đảm hành lang nhân đạo tại Ukraine
Phát biểu trước đám đông tại quảng trường Thánh Peter ngày 6/3, Giáo hoàng Francis cho biết nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tại Ukraine đang tăng từng giờ.
Giáo hoàng cho biết ông “chân thành kêu gọi đảm bảo các hành lang nhân đạo để các khu vực bị bao vây được viện trợ”.
“Tòa Thánh sẵn sàng làm tất cả để phục vụ hòa bình. Xung đột thật điên rồ, xin hãy dừng lại. Tôi kêu gọi ngừng các cuộc tấn công vũ trang và nối lại đàm phán”, ông nói.
Theo giáo hoàng, hai hồng y đã đến Ukraine để giúp đỡ người dân.