Nghệ sĩ Hồng Nga ở tuổi 72: ‘Tôi không sợ chết trong cô độc’

Nghệ sĩ tâm sự ở tuổi 72, bà sống an nhiên không lo lắng về gia đình hay miếng cơm manh áo.

Ở tuổi ngoài 70, bà chăm sóc bản thân ra sao?

– Tôi ăn uống, sinh hoạt điều độ. Điều này giúp chứng mỡ trong máu, tăng huyết áp tuổi già giảm đáng kể. Với những căn bệnh tật lặt vặt, tôi đều vượt qua hết. Ba tháng tôi đi kiểm tra sức khỏe một lần.

Cuộc sống tinh thần của tôi bây giờ khá thoải mái. Tôi không còn vướng bận chuyện chồng, con cái. Ba đứa con tôi ở Thụy Sĩ, Áo đều có gia đình, sống ổn định. Hai đứa còn lại ở Việt Nam, đứa nhỏ nhất hơn 40 tuổi. Một trong hai đứa con thất lạc không nhận tôi là mẹ nhưng giờ tôi nghĩ thoáng hơn. Nó đang có cuộc sống tốt, chắc gì ở với tôi hạnh phúc. Tôi để thất lạc chúng hơn 18 năm, tìm lại được đã là may mắn nên không đòi hỏi gì thêm.

Hồi trước, tôi có bán mảnh đất rộng ở Bình Dương gắn bó suốt 26 năm để mua một căn nhà ở Sài Gòn. Số tiền dư tôi có để dành một ít cho bản thân, số còn lại đã chia đều cho các con. Tôi có ý muốn định cư ở Mỹ lúc về già. Con gái thứ hai muốn ở cùng để chăm sóc tôi khi tôi không còn đứng trên sân khấu. Tôi cũng dự tính sẽ ở cùng con nhưng thật ra tôi vẫn muốn sống một mình hơn.

nghe-si-hong-nga-toi-khong-so-chet-trong-co-doc

Nghệ sĩ Hồng Nga không còn vướng bận chuyện chồng con.

Vì sao bà chỉ muốn sống một mình ở tuổi già?

– Đời tôi quá lận đận và vất vả vì chồng con. Đến bây giờ, các con tôi đã có cuộc sống yên ổn. Tôi không muốn làm chúng phải bận lòng nhiều vì phải chăm sóc tôi. Tôi thấy mình tự lo được cho bản thân. Với lại, bên cạnh tôi vẫn còn nhiều khán giả yêu thương nên tôi không sợ chết trong cô độc.

Đối với tôi khoảnh khắc cô đơn nhất chính là không còn được nghe tiếng vỗ tay của khán giả, không được đứng hát trên sân khấu. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại nên không phải lo lắng nhiều cho tuổi già.

Nhớ lại những chuyện tình cảm đã qua, bà hối tiếc điều gì?

Tôi từng yêu và gặp phải người đàn ông lợi dụng mình. Từ đó tôi mất niềm tin vào họ, tôi chỉ nghĩ đến việc chăm lo cho các con. Hơn 20 năm nay, tôi không còn quan tâm đến việc tìm kiếm một người nào đó để dựa dẫm. Tôi không mang nước mắt khóc cho đàn ông nữa mà khóc cho những vai diễn trên sân khấu. Số tôi không có duyên với hôn nhân nên chưa một lần mặc áo cưới, dù có bốn đời chồng.

Tôi khổ lụy vì tình quá nhiều và tôi biến sự hiu quạnh thành niềm vui để sống bên con cháu. Tôi nhận ra điều đó nên chẳng có gì phải hối tiếc khi nghĩ về duyên phận.

Động lực nào khiến bà dù tuổi cao vẫn dành thời gian tham gia nhiều hoạt động từ thiện?

Tôi nếm mọi cay đắng, chua ngọt của cuộc đời này. Lâu lâu, nằm gác tay lên trán, tôi nghĩ đến câu “Đời một chữ thôi mà dài vô tận”. Tôi mang lại tiếng cười, nước mắt cho khán giả. Khi ánh đèn sân khấu tắt lịm, bức màn nhung hạ xuống, nghệ sĩ như tôi một mình ôm nỗi tủi thân của người đàn bà đơn độc. Những người cùng thời như chị Diệu Hiền, ngày xưa là kép chính, tôi diễn phụ. Bây giờ bà ấy cũng sống tuổi già ở viện dưỡng lão, không con cái.

Bởi thế, những năm tháng cuối đời, dù không quá dư dả, tôi vẫn chăm chỉ làm từ thiện. Tôi giúp được ai cứ giúp. Người ta bớt khổ, tôi cũng thấy an nhiên hơn. Tôi muốn sau khi qua đời, cái tốt của tôi được khán giả luôn nhắc đến là một nghệ sĩ có tấm lòng nhân hậu hơn là một người phụ nữ bất hạnh.

Hai năm nay vì sao bà không thường xuyên đứng trên sân khấu trong nước?

Ở Việt Nam không còn nhiều chỗ diễn nữa nên tôi ra sân khấu hải ngoại để ca hát. Khán giả người Việt ở nước ngoài rất yêu thích văn nghệ, cải lương. Sân khấu ở đó không được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp như ở quê nhà nhưng tôi được khán giả đón nhận. Tôi đã 72 tuổi rồi mà sức khỏe vẫn tốt. Cứ hai tháng tôi lại bay đi, bay về giữa Mỹ và Việt Nam để ca hát, làm từ thiện.

Thử hỏi đồng nghiệp hát cải lương cùng thời tôi bây giờ còn mấy ai đứng trên sân khấu chạy show nữa. Nếu có, đa số họ đi làm giám khảo chương trình này, chương trình kia. Tôi thì mê hát hơn là mê nói (cười). Hiện tại, sàn diễn cải lương trong nước teo tóp, tham gia một vở diễn chỉ vài ba suất là hết người xem, nên thấy buồn. Tôi sang hải ngoại diễn để tìm được cảm hứng mới. Tôi qua đó chủ yếu ca tân nhạc, diễn hài kịch. Lâu lâu nhớ cải lương, tôi ca vọng cổ để khán giả thưởng thức.

Tôi rất vui khi mình già rồi vậy mà vẫn có nhiều người thương, nhớ đến mình. Ngoài cát-xê, người hâm mộ hay tặng thêm tiền cho tôi. Tôi kết hợp những chuyến lưu diễn để vận động bà con kiều bào làm công tác từ thiện. Tôi nhớ có suất diễn xin được 8.000 USD để gửi về quê nhà giúp đỡ nghệ sĩ nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật. Tháng 6, tôi may mắn nhận được show có cát-xê gần 10.000 USD, tôi cũng cho đi hết không giữ lại đồng nào.

nghe-si-hong-nga-toi-khong-so-chet-trong-co-doc-1

Hồng Nga bên gia đình con trai út.

Nhiều năm đứng trên sân khấu, bà hãnh diện điều gì về hành trình làm nghề?

– Tôi vào nghề bằng thực lực và cái tâm, không bon chen, sân si hay chèn ép ai. Tôi lên sân khấu từ khi là một cô bé gánh nước mướn ở quận 4, TP HCM. Có lẽ cuộc sống khổ cực đã nhào nặn cho tôi bản lĩnh vượt qua nhiều trắc trở. Tôi hãnh diện nhất là chưa làm cho ai phải khổ, tôi cũng không phải lo sợ điều gì. Tối đến tôi ngủ rất ngon giấc và nghĩ đến ngày mai mình sẽ giúp được gì cho đời.

Tôi nghĩ ở độ tuổi của tôi mà còn có thể đi diễn trong và ngoài nước liên tục là quý rồi – vì đó là niềm mơ ước của nhiều người trong nghề. Tôi không mong mỏi gì hơn.

Leave a Reply