Nghiên cứu sinh Harvard lý giải người Việt không xếp hàng

Phần lớn người Việt không xếp hàng do các cá nhân thiếu niềm tin lẫn nhau, theo Châu Thanh Vũ, đang học Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Harvard, Mỹ.

nghien-cuu-sinh-harvard-ly-giai-nguoi-viet-khong-xep-hang

Người Việt không có thói quen xếp hàng ở các điểm công cộng. Ảnh minh họa:Duy Trần

“Trước khi trở về quê hương, các bạn hãy luôn nhớ rằng mỗi người đều có thể bị sốc văn hóa tại chính đất nước mình”, lời nói của thầy hiệu phó tại Trường Liên kết Thế Giới (United World College – UWC) vẫn còn vang vọng trong đầu mỗi khi tôi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM.

Chứng kiến dòng người hỗn độn chen chúc ra khỏi cửa hải quan, hoặc những khi thấy có người quăng rác bừa bãi ra đường, xem thường luật giao thông, tôi lại tự hỏi “Tại sao người ta nhất quyết không tuân thủ quy định?”. Những câu hỏi đơn giản ấy đâu thể trả lời một cách dễ dàng.

Không xếp hàng, rồi nói chuyện oang oang trên xe bus, gian lận ở trường chỉ là một vài ví dụ đơn giản cho vô số những thói quen xấu trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Những thói quen ấy nhan nhản, nhiều đến mức người ta phải sáng tạo ra một cụm từ là “Văn hóa lùn”. Với nhiều người, những tật xấu đó vì quá phổ biến đã vô hình trung trở thành “một phần không thể tách rời” của văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn người ta vẫn thường nói “người Việt không xếp hàng là chuyện bình thường”.

Tuy nhiên, việc đánh đồng và đổ lỗi chung chung cho một nền văn hóa lúc nào cũng dễ hơn là tìm cách làm rõ bản chất của vấn đề. Việc chấp nhận sống chung với những hành vi xấu trong văn hóa ứng xử hàng ngày là vô cùng nguy hiểm. Vì thế chúng ta sẽ không thể tiến bộ và phát triển lên được. Vậy đâu là nguyên nhân khiến người Việt hành động như thế?

“Song đề tù nhân”, một khái niệm cơ bản trong Lý thuyết Trò chơi, có thể cho chúng ta một cái nhìn mới về vấn đề này. Đây là một thí nghiệm tưởng tượng trong Toán học. Giả định có hai nghi phạm bị bắt, mỗi người phải lựa chọn hoặc giữ im lặng hoặc thú tội với cảnh sát.

Điều kiện đưa ra là nếu cả hai cùng thú tội, mỗi người phải ngồi tù hai năm. Nếu không ai lên tiếng, mỗi người chỉ chịu án một năm. Tuy nhiên, nếu một người nhận tội, người kia vẫn chối, thì người nhận tội sẽ được trả tự do, kẻ chối tội sẽ phải bị giam ba năm.

Trong ví dụ này, cả hai nghi phạm sẽ cùng được lợi nhiều nhất khi cùng hợp tác là giữ im lặng. Điều đáng nói là mỗi người phải đưa ra quyết định mà không chắc chắn về lựa chọn của người kia, vì thế họ không đủ tin tưởng để hợp tác. Do đó mỗi nghi phạm sẽ vì tối ưu hóa lợi ích cá nhân mà nhận tội, để cả hai phải nhận bản án bất lợi nhất: hai năm tù cho mỗi người.

Mô hình toán học này cho thấy quyết định của mỗi cá nhân, nếu như độc lập và không có niềm tin, sẽ dẫn đến kết quả xấu cho cả tập thể.

Việc một người có quyết định xếp hàng hay không cũng có thể được hiểu tương tự như ví dụ trên. Giải pháp tối ưu là tất cả mọi người cùng xếp hàng, tôn trọng những người đến trước mình. Thế nhưng nếu một cá nhân gian lận, chen lấn để lên trước thì những người khác cũng làm điều tương tự, vì cảm thấy bản thân đang bị thiệt thòi.

Điều thú vị ở đây là khi thiếu tin tưởng lẫn nhau, ai cũng nghĩ sẽ có một người nào đó chen lên trước mình. Với suy nghĩ như vậy, ngay cả trước khi ai đó thực sự vi phạm việc xếp hàng, tất cả mọi người đều cùng bỏ qua chuyện đứng vào hàng.

Tương tự, hiện tượng thờ ơ với vạch giao thông vào giờ cao điểm cũng là kết quả của việc tất cả mọi người đều nghĩ rằng người khác sẽ không dừng lại. Có lần tôi đang dừng xe ở vạch quy định thì bị người phía sau tông vào rồi quát: “Bị điên hả? có thấy ai dừng ở đây không mà dừng?”. Rõ ràng chuyện tôn trọng luật giao thông không còn là quyết định của cá nhân, mà là quyết định của cả một tập thể thiếu lòng tin với nhau.

Hiện xã hội của chúng ta ở trong “trạng thái cân bằng xấu”, khi tất cả mọi người đều chịu kết quả tệ nhất, tức là không ai xếp hàng. Nó được gọi là “cân bằng” vì không một người nào muốn thoát ra khỏi trạng thái này, không ai muốn là người duy nhất xếp hàng cả. Đây cũng là lý do khiến vấn đề trở nên bế tắc.

Vậy làm cách nào để cải thiện trạng thái đó? Không cần phải đi quá sâu vào Lý thuyết Trò chơi, chúng ta có thể ngầm đoán được rằng để phá vỡ điều này cần phải có một số người sẵn sàng tiên phong hành động đúng, những người xếp hàng, tôn trọng luật giao thông và không gian lận.

Ban đầu những cá nhân đó sẽ bị thiệt khi những người xung quanh được hưởng lợi. Tuy nhiên về lâu dài những hành vi đẹp giúp chúng ta chứng minh được với đám đông là họ cũng có thể xếp hàng và cùng hưởng lợi từ tập thể. Nói cách khác, bạn chỉ có thể kêu gọi người khác tôn trọng quy định nếu chính bản thân hành động trước. Đó cũng là cách tạo ra những thay đổi trong xã hội. Lòng tin, và cũng là chìa khóa của sự thay đổi, bắt đầu từ cá nhân mỗi chúng ta.

Châu Thanh Vũ

Leave a Reply