Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gửi một thông điệp kêu gọi thế giới chung tay hiệp lực nhằm thúc đẩy tự do tín ngưỡng toàn cầu.
“Trên khắp thế giới, các nhóm tín ngưỡng bị bức hại và tước đoạt nhân quyền. Đây là vấn đề mà nhiều quốc gia phải cùng nhau giải quyết”, ông Pompeo cho biết trong bài bình luận của ông đăng trên USA Today ngày 24/7/2018.
Trung Quốc, Iran, Myanmar và Sudan là những quốc gia đàn áp đức tin bị nêu tên trong bài viết của Ngoại trưởng Mỹ.
Ông Pompeo cho biết, đầu năm nay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tiếp đón 6 phóng viên Duy Ngô Nhĩ làm việc cho chương trình Duy Ngô Nhĩ của đài RFA. Họ cho biết chính quyền Trung Quốc có khả năng đang giam giữ, ít nhất, hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ và những người thiểu số Hồi giáo khác trong các trại tị nạn ở Tân Cương.
Một nhà báo có tên là Gulchehra Hoja cho biết, 23 người trong gia đình cô đang bị giam giữ ở nước này. Cô, giống như những người khác, hầu như không nhận được bất kỳ thông tin nào, dù là nhỏ nhất, về tình trạng của gia đình cô.
Tại Myanmar, kể từ tháng 8 năm 2017, gần 700.000 người Rohingya đã buộc phải chạy trốn sang Bangladesh vì một chiến dịch thanh trừng được thực hiện bởi lực lượng an ninh Miến Điện. Ngoại trưởng Pompeo đề cập đến các báo cáo cho thấy, nhiều trẻ em, người già và bệnh nhân đã bị thiêu sống trong cuộc đàn áp này.
Trong khi đó ở Sudan, chính phủ nước này đã phá hủy một Giáo hội Tin Lành Presbyterian vào tháng 2, cảnh sát ra lệnh cho các giáo dân rời khỏi đó sau lễ Thờ Phượng Chúa Nhật, mà không có bất kỳ cảnh báo nào trước đó. Đây là sự kiện phá hủy nhà thờ theo chỉ lệnh của chính phủ xảy ra gần đây nhất ở đất nước này, ông Pompeo cho biết.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ gọi những hành động trên là những “tình tiết ghê rợn”, vì theo ông, tự do tín ngưỡng là quyền lợi của tất cả mọi người.
Ông Pompeo viết: “Đó là lý do vì sao Tổng thống Donald Trump đang hành động nhằm bảo vệ tự do tín ngưỡng trên toàn thế giới”.
Tổng thống Trump, một người theo đạo Cơ Đốc, được dự đoán sẽ cứng rắn hơn người tiền nhiệm Obama trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, theo nhận định của cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour. Ông cho rằng với sức ép của Tổng thống Trump, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với trách nhiệm liên quan đến cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công, môn khí công thuộc trường phái Phật gia bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.
“Hàng chục học viên Pháp Luân Công đã chết trong trại giam” kể từ năm 2016, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson của chính quyền Trump cho biết vào ngày 15/8/2017, khi ông công bố Báo cáo thường niên về Tự do tín ngưỡng toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình NTD vào tháng 5/2017, ông Scott Busby, Phó Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho biết: “Chúng tôi vô cùng quan ngại về tình trạng hạn chế tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc, gồm cả các hình thức hạn chế và ngược đãi Pháp Luân Công. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát sao và nêu ra các vấn đề này với chính quyền Trung Quốc”.
Theo thông tin trên trang web chính thức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, từ ngày 24-26 tháng 7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ tập hợp các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự, những người sống sót sau cuộc bức hại tín ngưỡng, và phái đoàn chính phủ các nước tới sự kiện “Thúc đẩy Tự do Tín ngưỡng” lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô Washington. Thông báo cho biết Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức cấp cao khác của chính quyền Trump cũng tham gia sự kiện này.
Tuệ Minh