Ông Esmond Bradley-Martin vận động để cứu loài voi trong bốn thập niên qua. (Save the Elephants)
Ông Esmond Bradley-Martin, 75 tuổi, đã dành nhiều thập niên để theo dõi nạn vận chuyển các sản phẩm động vật, hầu hết từ Phi Châu sang các thị trường Á Châu, mà phần lớn là đến Trung Quốc và Việt Nam.
Vào ngày Chủ Nhật, vợ của nạn nhân đã đến nhà để xem tình hình ông Bradley-Martin ra sao, sau khi ông không trả lời điện thoại. Bà khám phá xác của ông trên giường với một vết thương bị đâm vào cổ, theo ông Nicolas Kamwende, người đứng đầu ban điều tra hình sự tai thủ đô Nairobi cho biết.
Bà Paula Kahumbu, một nhà hoạt động bảo tồn bảo tồn, nói rằng ông Bradley-Martin đã cầm đầu các cuộc điều tra nạn buôn bán ngà voi và sừng tê giác bất hợp pháp, gây nguy cơ tuyệt chủng cho hai loài này.
Theo bà Kahumbu cho biết, ông Martin đi đầu trong việc phanh phui những kẻ buôn bán ngà voi ở Mỹ, Congo, Việt Nam, Nigeria, Angola, Trung Quốc, và mới đây ở Miến Điện.
Bà nói, “Đó là một tổn thất rất lớn cho việc bảo tồn thú hoang.”
Bà nói thêm rằng ông Martin sắp công bố một bản phúc trình về nạn buôn bán ngà voi được vận chuyển từ Trung Quốc sang các nước láng giềng như Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện.
Cuộc nghiên cứu nhiều năm và công phu của ông Bradley-Martin đã khiến cho Trung Quốc phải quyết định cấm buôn bán sừng tê giác hợp pháp trong năm 1993.
Cuộc nghiên cứu đó cũng gây áp lực khiến Bắc Kinh phải chấm dứt việc bán ngà voi hợp pháp. Lệnh cấm này có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng.
Bà Kahumbu nói, “Công việc của ông cho thấy quy mô của vấn đề và khiến chính phủ Trung Quốc không thể làm ngơ được.”
Trong một mục đăng trên Twitter, Cao Ủy Anh Quốc tại Kenya là Nic Hailey nói rằng ông “hết sức sửng sốt và rất buồn khi nghe tin về vụ thiệt mạng.”
Ông Hailey viết về ông Esmond Bradley-Martin, “Một người nhiệt tình và dấn thân đã tạo ra một sự khác biệt lớn trên trái đất của chúng ta.”
Ban đầu cảnh sát nói rằng cuộc tấn công xảy ra trong một vụ trộm. Nhưng cũng có sự nghi ngờ rằng vụ giết người này có thể liên quan đến công việc điều tra của ông Bradley-Martin.
Nhóm bảo tồn loài voi Save the Elephants mô tả ông Bradley-Martin là “một đồng minh lâu năm,” một người hăng say bảo vệ động vật hoang dã, và là một nhà nghiên cứu tỉ mỉ.
Nhu cầu bất hợp pháp về ngà voi đã dẫn đến những mức thiệt hại nghiêm trọng do nạn săn bắt trái luật, vì môi trường sống tự nhiên sẵn có cho các động vật đi lang thang cũng giảm bớt hơn một nửa.
Hậu quả là số lượng voi Phi Châu đã giảm từ mức khoảng 5 triệu con cách đây một thế kỷ, xuống còn chừng 400,000 con. Và số lượng đó tiếp tục sụt giảm mỗi năm.
Theo ước tính, có chưa tới 30,000 con tê giác còn lại trong nơi hoang dã vì nạn săn trộm.
Giá sừng tê giác tăng vọt khi nhu cầu tăng lên ở các nước Á Châu, chính yếu là Trung Quốc và Việt Nam, nơi những người tiêu thục tin một cách sai lầm rằng sừng tê, được làm cùng một chất tạo nên móng tay. có những đặc tính chữa bệnh mạnh mẽ.
Các băng nhóm từ Việt Nam, Trung Quốc, Nam Hàn, và Thái Lan đã được xác định là dính líu vào nạn buôn bán phi pháp này.